Nhiều giải pháp đẩy lùi tệ nạn mại dâm

Đời sống - Ngày đăng : 07:44, 05/09/2020

(HNM) - Hoạt động mại dâm trên địa bàn Hà Nội hiện cơ bản được kiềm chế, nhưng vẫn diễn biến phức tạp. Nhằm đẩy lùi tệ nạn này, góp phần xây dựng môi trường xã hội lành mạnh, các cơ quan, đơn vị chức năng, các địa phương đang triển khai đồng bộ nhiều giải pháp.

Tuyên truyền phòng, chống tệ nạn mại dâm cho giới trẻ (ảnh minh họa).

Vẫn diễn biến phức tạp

Theo đánh giá của Chi cục Phòng, chống tệ nạn xã hội Hà Nội (Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội), hoạt động mại dâm trên địa bàn thành phố đã cơ bản được kiềm chế. Điều này có được là nhờ các cơ quan chức năng từ thành phố tới cơ sở liên tục tiến hành kiểm tra, rà soát, triệt xóa các điểm, tụ điểm mại dâm. Từ năm 2019 đến nay, Đội Kiểm tra liên ngành về phòng, chống tệ nạn mại dâm (Đội Liên ngành 178) các cấp đã tiến hành kiểm tra hơn 1.000 cơ sở kinh doanh dịch vụ có điều kiện về an ninh trật tự đang hoạt động, qua đó phát hiện, xử lý vi phạm hơn 100 cơ sở…

Tuy nhiên, hoạt động này vẫn diễn biến phức tạp do các đối tượng tham gia sử dụng nhiều cách thức tinh vi để... “hành nghề”. Tại khu vực công cộng, người bán dâm thường dùng phương tiện xe máy giống người đi đường để... tìm khách, liên tục thay đổi địa điểm chờ khách. Các cơ sở kinh doanh dịch vụ có điều kiện về an ninh trật tự để xảy ra hoạt động mại dâm trá hình dưới nhiều loại hình dịch vụ vui chơi, giải trí, thư giãn... Đáng lo hơn là mại dâm theo hình thức “gái gọi”, “tour”, “sự kiện”… có chiều hướng gia tăng. Đối tượng bán dâm là nam giới, chủ yếu là đồng tính nam đã xuất hiện.

Trong khi đó, việc kiểm tra, phát hiện, xử lý những vi phạm liên quan đến hoạt động mại dâm gặp nhiều khó khăn. Bởi, các cơ sở kinh doanh dịch vụ có điều kiện thường chỉ là nơi giao dịch, thỏa thuận giá cả, không tổ chức mua, bán dâm, nên không dễ phát hiện. Đa số đối tượng liên quan đến việc bán dâm đều sử dụng internet, mạng xã hội để trao đổi. Những website hoạt động môi giới mại dâm thường đặt máy chủ ở nước ngoài, sau khi bị chặn, họ sẽ đổi sang những tên miền khác mà vẫn giữ nguyên nội dung, nên rất khó quản lý. Trong trường hợp có đủ chứng cứ xử phạt người bán dâm, thì mức xử phạt lại quá nhẹ, không đủ răn đe để họ dừng hoạt động.

Hơn nữa, Hà Nội là địa bàn giáp ranh với nhiều tỉnh, cũng là nơi tập trung nhiều cơ sở kinh doanh dịch vụ có điều kiện về an ninh trật tự. Toàn thành phố hiện có hơn 5.700 cơ sở đang hoạt động, trong đó có 1.000 cơ sở kinh doanh karaoke, 874 cơ sở xoa bóp… Đây là những “môi trường” tiềm ẩn nhiều nguy cơ phát sinh các tệ nạn xã hội, nhất là tệ nạn mại dâm.

Nỗ lực kiềm chế, đẩy lùi

Nhằm hạn chế nguy cơ phát sinh tệ nạn xã hội, trong đó có tệ nạn mại dâm, Hà Nội đã triển khai 3 mô hình hỗ trợ người bán dâm trên địa bàn, bước đầu mang lại những kết quả tích cực.

Nổi bật là mô hình “Hỗ trợ nhằm bảo đảm quyền cho người lao động trong các cơ sở kinh doanh dịch vụ dễ phát sinh tệ nạn xã hội” được thí điểm tại quận Cầu Giấy và quận Ba Đình từ năm 2019 đến nay, giúp hơn 100 người là đại diện cơ sở kinh doanh dịch vụ, hơn 300 người lao động làm việc trong cơ sở kinh doanh dịch vụ dễ phát sinh tệ nạn xã hội được cung cấp thông tin, kiến thức về các quyền của người lao động.

“Việc triển khai mô hình đã tạo sự chuyển biến về nhận thức, nâng cao trách nhiệm của chủ cơ sở kinh doanh dịch vụ trong việc thực hiện bảo đảm quyền lợi cho người lao động; bảo đảm quyền bình đẳng trong việc tiếp cận, sử dụng các dịch vụ xã hội của người lao động. Trên cơ sở kiến thức được trang bị, người lao động biết cách tự bảo vệ bản thân, hạn chế nguy cơ vướng vào các tệ nạn xã hội”, ông Lương Tuấn Dũng, Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội quận Ba Đình đánh giá.

Cùng với đó, mô hình “Hỗ trợ tăng cường năng lực của các nhóm đồng đẳng, nhóm tự lực, câu lạc bộ của người bán dâm trong việc tiếp cận, truyền thông và hỗ trợ giảm hại, phòng, chống bạo lực giới” được thực hiện thí điểm trên địa bàn quận Hoàng Mai đã thiết lập và duy trì hoạt động của nhóm đồng đẳng gồm 10 thành viên. Nhóm này đã hỗ trợ người bán dâm tiếp cận các dịch vụ xã hội khi cần.

Cũng được triển khai thí điểm ở quận Hoàng Mai, mô hình “Cung cấp dịch vụ hỗ trợ cho người bán dâm tại cộng đồng, trung tâm công tác xã hội”, bước đầu giúp hơn 300 người tiếp cận truyền thông nâng cao nhận thức và chuyển gửi hỗ trợ cung cấp dịch vụ y tế cho 150 người, hỗ trợ thay đổi hoặc giảm mức độ công việc hoạt động mại dâm thông qua việc học nghề ngắn hạn cho hơn 20 người… Chị N.H.H cho hay: “Được tiếp cận với cơ hội việc làm, tôi đã từ bỏ con đường lầm lỡ, nỗ lực làm lại cuộc đời’.

Ngoài các mô hình hỗ trợ trực tiếp, ông Phùng Quang Thức, Chi Cục trưởng Chi cục Phòng, chống tệ nạn xã hội Hà Nội cho biết, việc thực hiện Kế hoạch số 91/KH-UBND ngày 11-5-2016 của UBND thành phố Hà Nội về phòng, chống mại dâm giai đoạn 2016-2020 trên địa bàn thành phố đã góp phần kiềm chế, từng bước đẩy lùi tệ nạn mại dâm. Trong những năm gần đây, các cấp, ngành tích cực tuyên truyền, phổ biến, giáo dục kiến thức về phòng, chống mại dâm, qua đó nâng cao nhận thức và trách nhiệm của cơ quan, đơn vị và mỗi người dân về việc đấu tranh, phòng ngừa tệ nạn mại dâm thâm nhập vào đời sống cộng đồng.

Các địa phương tích cực, chủ động đấu tranh, triệt xóa tụ điểm liên quan đến hoạt động mại dâm… Nhờ đó, Hà Nội đã cơ bản triệt xóa được các điểm, tụ điểm mại dâm công cộng tồn tại nhiều năm, như: Công viên Hòa Bình (quận Bắc Từ Liêm); đường Hồng Hà, Phạm Ngũ Lão, dốc Bác Cổ (quận Hoàn Kiếm); đường Yersin - Vườn hoa Pasteur, Nguyễn Huy Tự, Trần Khánh Dư (quận Hai Bà Trưng); đường Giải Phóng, Bến xe Giáp Bát (quận Hoàng Mai), đường Liễu Giai (quận Ba Đình)…

Với sự quyết tâm từ nhiều phía, hy vọng tệ nạn mại dâm sẽ từng bước được đẩy lùi.

Vũ Minh