Việc thường xuyên, liên tục
Góc nhìn - Ngày đăng : 06:09, 06/09/2020
Trong năm 2020, thành phố Hà Nội đẩy mạnh các phong trào thi đua về xây dựng nông thôn mới; cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thực hiện văn hóa công sở và nơi công cộng; thi đua lập thành tích chào mừng đại hội Đảng các cấp… Đặc biệt, trong đợt dịch Covid-19 bùng phát, nhiều tập thể, cá nhân đã có sáng kiến, sáng tạo trong phòng, chống dịch, góp phần lan tỏa những hành động đẹp trong cộng đồng.
Có được kết quả nêu trên là nhờ thành phố Hà Nội liên tục đổi mới nội dung, hình thức công tác thi đua, khen thưởng. Các cơ quan, đơn vị đều phát động phong trào thi đua có chủ đề, chủ điểm, tập trung vào những nhiệm vụ trọng tâm, khâu yếu, việc khó... Đáng chú ý, UBND thành phố đã ban hành Quyết định số 09/2020/QĐ-UBND ngày 28-4-2020 “Về việc ban hành quy định về công tác thi đua, khen thưởng trên địa bàn thành phố Hà Nội”. Trong đó có 3 điểm mới, nổi bật là: Nguyên tắc xét thi đua, khen thưởng được đặt ra rất kỹ, rất sâu khi xem xét đánh giá kết quả các phong trào thi đua và công tác khen thưởng; quy định rõ về việc chia thành cụm, khối thi đua để thúc đẩy các đơn vị thi đua với nhau, đồng thời bảo đảm việc đánh giá, suy tôn công bằng; hợp nhất các văn bản liên quan đến công tác thi đua, tạo thuận lợi cho các đơn vị thực hiện.
Nhiệm vụ từ nay đến hết năm 2020 rất nặng nề. Trong đó, cùng với tổ chức thành công Đại hội đại biểu lần thứ XVII (nhiệm kỳ 2020-2025) Đảng bộ thành phố Hà Nội, đưa nghị quyết đại hội Đảng các cấp vào cuộc sống, kỷ niệm 1010 năm Thăng Long - Hà Nội, Thủ đô cùng với cả nước tiếp tục thực hiện "nhiệm vụ kép" vừa phòng, chống dịch Covid-19, vừa phát triển kinh tế - xã hội. Vì thế, phong trào thi đua của các ngành, địa phương, đơn vị cũng cần bám sát những nội dung này.
Đáng lưu ý, trong quá trình triển khai cần tăng cường kiểm tra, đánh giá, tổng kết, khen thưởng kịp thời những tập thể, cá nhân lập thành tích xuất sắc, nhằm cổ vũ động viên phong trào. Công tác khen thưởng cần quan tâm phát hiện nhân tố mới, những cá nhân trực tiếp lao động, sản xuất, bồi dưỡng và nhân rộng các điển hình tiên tiến, qua đó tạo sức lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng.
Hội đồng Thi đua - Khen thưởng của các ngành, địa phương, đơn vị cũng cần nâng cao chất lượng tham mưu, chủ động, sáng tạo trong đề xuất các phong trào thi đua thiết thực, gắn với nhiệm vụ chính trị, từ đó thu hút đông đảo các đối tượng tham gia. Đội ngũ những người làm công tác thi đua, khen thưởng cần không ngừng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ đáp ứng yêu cầu mới.
Bên cạnh đó, để phong trào thi đua có sự tham gia của đông đảo cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, các tầng lớp nhân dân thì còn cần có vai trò gương mẫu, đi đầu của đội ngũ cán bộ chủ chốt các cấp, nhất là người đứng đầu.
Với mỗi cá nhân cũng cần xác định rằng, tham gia các phong trào thi đua của ngành, địa phương, đơn vị là dịp rèn luyện bản thân, đóng góp thiết thực cho cộng đồng, xã hội.
Tin tưởng rằng, việc các ngành, địa phương, đơn vị thường xuyên, liên tục đổi mới, nâng cao chất lượng các phong trào thi đua, kịp thời phát hiện nhân tố mới để khen thưởng, bồi dưỡng, nhân rộng sẽ khơi dậy sức mạnh của hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân Thủ đô thực hiện thắng lợi nhiệm vụ năm 2020.