Những nghề truyền thống ở Cà Mau
Du lịch - Ngày đăng : 05:19, 06/09/2020
Nghề dệt chiếu
Cà Mau có nhiều làng nghề dệt chiếu truyền thống nổi tiếng, như: Tân Thành (thành phố Cà Mau), Tân Duyệt (huyện Đầm Dơi), Tân Lộc (huyện Thới Bình), nhưng nổi tiếng nhất vẫn là chiếu hoa Tân Thành. Từ những nguyên liệu như sợi lác, dây đay, dây bố... được nhuộm nhiều màu sắc, những người thợ đã dệt nên những tấm chiếu đa sắc, hoa văn trang trí tinh xảo, độ bền cao, mang thương hiệu riêng của chiếu Cà Mau.
Nghề đan đát
Với nguyên liệu chính là tre, trúc, người thợ ở các xã Biển Bạch, Biển Bạch Đông (huyện Thới Bình), Nguyễn Phích (huyện U Minh) đã kế thừa và phát huy nghề truyền thống đan đát của cha ông, tạo nên sản phẩm đa dạng như: Thúng, rổ, cót... Sản phẩm đan đát chủ yếu được làm bằng tay, không sử dụng máy móc, đòi hỏi người thợ phải có óc thẩm mỹ cùng đôi tay khéo léo. Ngày nay, nhiều sản phẩm đan đát của Cà Mau đã trở thành hàng lưu niệm phục vụ du khách.
Nghề làm mắm
Nghề làm mắm ở Cà Mau đã có từ lâu. Có nhiều loại mắm được chế biến từ các nguyên liệu khác nhau như: Ba khía, cá sặc, cá lóc, tôm... Nổi tiếng nhất là ba khía muối Rạch Gốc (huyện Ngọc Hiển) - món ăn quen thuộc của người dân Cà Mau.
Nghề gác kèo ong
Cà Mau có rừng tràm U Minh Hạ rộng lớn, là điều kiện thuận lợi cho nghề gác kèo ong thiên nhiên hình thành và phát triển. Kèo ong thường được làm bằng cây tràm, để dụ ong về làm tổ. Người lấy mật dùng các dụng cụ như: Dao, thùng chứa mật, bình phun khói và đồ bảo hộ lao động để khai thác mật. Mật ong Cà Mau là đặc sản nổi tiếng nhờ độ thơm, ngon, sánh mịn.
Nghề làm tôm khô
Nghề làm tôm khô phát triển mạnh ở Cà Mau nhờ nguồn tôm nuôi rất lớn. Tôm được luộc chín, phơi khô, bóc vỏ, trông rất đẹp mắt, thường được người dân sử dụng để chế biến các món ăn.
Nghề làm dưa bồn bồn
Bằng cách ngâm phần non của cây bồn bồn tươi với nước muối và chút gia vị, sau 1 tuần là có thể thưởng thức món dưa chua thanh, giòn cùng nhiều món ăn khác. Nghề làm dưa bồn bồn hiện rất phát triển tại Cà Mau.