Tạo chuỗi cung ứng lưu thông hàng Việt: “Bắt tay nhau” vượt khó
Kinh tế - Ngày đăng : 06:52, 06/09/2020
Thời gian qua, Hội Nữ doanh nghiệp nhỏ và vừa thành phố Hà Nội đã tổ chức nhiều hội nghị, phiên chợ giao thương theo hình thức liên kết vùng. Theo bà Mai Thị Thùy, Chủ tịch Hội Nữ doanh nghiệp nhỏ và vừa thành phố, từ năm 2014 đến nay, Hội đã tổ chức 12 phiên chợ, hội nghị giao thương; mỗi hội nghị có khoảng 100 gian hàng, hàng trăm doanh nhân đến từ Hà Nội và hơn 10 tỉnh, thành phố tham gia giao dịch, giới thiệu sản phẩm. Qua đó, các liên kết phân phối, tiêu thụ sản phẩm, cung ứng nguyên, vật liệu giữa các bên được triển khai và ngày càng mở rộng.
Có thêm thị trường tại 14 tỉnh, thành phố nhờ tham gia các hoạt động do Hội Nữ doanh nghiệp nhỏ và vừa thành phố tổ chức, bà Dương Thị Liên Hương, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Tân Bắc Đô, thị trấn Phùng (huyện Đan Phượng) cho biết: “Nhiều khách hàng biết và đặt hàng với công ty thông qua các hoạt động kết nối rất thiết thực của Hội. Vì thế, công ty đã duy trì sản xuất ổn định suốt thời gian qua”.
Dịp Quốc khánh 2-9 vừa qua, nhiều người tiêu dùng được mua các sản phẩm nông sản chất lượng tại các siêu thị Big C trên toàn quốc trong chương trình mang tên “Trân trọng cảm ơn nông dân Việt”. Đây là các sản phẩm từ hoạt động “Thu mua nông sản trực tiếp từ các hộ nông dân và hợp tác xã” được Tập đoàn Central Retail (đơn vị quản lý, vận hành chuỗi siêu thị Big C) triển khai hơn một năm nay. Thông qua đó, 220 hợp tác xã trên toàn quốc trở thành đối tác cung cấp 14.000 tấn hàng hóa cho hệ thống bán lẻ của Big C. Bà Nguyễn Thị Phương, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Central Retail cho biết: “Ngoài chương trình trên, chúng tôi còn phối hợp tổ chức “Phiên chợ nông sản cuối tuần” tại Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Cần Thơ nhằm hỗ trợ việc hình thành và phát triển các chuỗi giá trị nông sản bền vững”.
Nhấn mạnh tầm quan trọng của các hoạt động kết nối, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải khẳng định, tăng cường liên kết chuỗi cung ứng hàng Việt là một trong những hoạt động trọng tâm được Bộ cũng như các cấp, ngành, địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp triển khai thời gian qua. Hoạt động này không chỉ giúp tạo đầu ra cho doanh nghiệp mà còn đem đến nguồn hàng phong phú, chất lượng, có xuất xứ rõ ràng tới người tiêu dùng, thúc đẩy thị trường nội địa phát triển.
Tại Hà Nội, bà Trần Thị Phương Lan, Phó Giám đốc Sở Công Thương thông tin, từ năm 2014 đến nay Hà Nội tổ chức gần 3.000 chuyến hàng về ngoại thành; tổ chức trên 200 sự kiện, hội chợ, triển lãm kết nối cung - cầu, tạo chuỗi cung ứng hàng hóa. Qua đó, hàng hóa được lưu thông hai chiều từ Hà Nội tới các tỉnh, thành phố và ngược lại. Ngoài ra, ngành Công Thương Hà Nội còn hỗ trợ để hàng hóa trong nước xuất khẩu qua các nhà phân phối nước ngoài đóng trên địa bàn.
Tuy nhiên, để các kết nối cung - cầu ngày càng phát triển rất cần sự nỗ lực cùng những hỗ trợ nhiều mặt. Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong, vấn đề cốt lõi để hàng Việt lưu thông tốt hơn vẫn là nhà sản xuất nâng cao chất lượng, cải tiến mẫu mã, giá thành phù hợp với túi tiền và thị hiếu của người Việt Nam. Còn bà Mai Thị Thùy đề xuất, cùng với nỗ lực của các doanh nghiệp, hiệp hội, thời gian tới, cơ quan chức năng cần hỗ trợ để tổ chức các chương trình kết nối có quy mô lớn hơn nhằm mang lại hiệu quả tốt hơn, tạo chuỗi cung ứng bền vững.
Ngoài ra, các chuyên gia cũng cho rằng, các ngành chức năng cần đưa ra nhiều hình thức kết nối hiệu quả như hỗ trợ, mở rộng điểm bán hàng Việt; tăng cường hoạt động xúc tiến thương mại trực tuyến, đưa hàng Việt lên các sàn thương mại điện tử. Đối với các nhà bán lẻ, cần tổ chức nhiều hoạt động mới, có sức hút với nhà sản xuất và người tiêu dùng. Cùng với đó, các cơ quan thông tin đại chúng cần đẩy mạnh hơn nữa hoạt động tuyên truyền để người tiêu dùng, nhà bán lẻ thêm hiểu và ưu tiên sử dụng, phân phối hàng hóa trong nước.