Phát huy thế mạnh nông nghiệp, nông thôn

Góc nhìn - Ngày đăng : 06:40, 07/09/2020

(HNM) - Mới đây, phát biểu ý kiến nhằm bổ sung, hoàn thiện các dự thảo báo cáo văn kiện tại phiên họp toàn thể lần thứ 6 Tiểu ban Kinh tế - Xã hội của Đại hội lần thứ XIII của Đảng, lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng, cần đánh giá rõ hơn về an ninh lương thực, nông thôn... Năm nay, chúng ta gặp khó khăn kép, cả về dịch Covid-19 và thiên tai nhưng đến giờ, có thể khẳng định mục tiêu 43,5 triệu tấn lương thực đạt được, kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản có thể đạt mục tiêu 41 tỷ USD đề ra. Cả vùng nông thôn rộng lớn, chiếm 60% diện tích, 65% dân số là nền tảng, dư địa phát triển, ổn định xã hội, là thế mạnh của Việt Nam trước các cú sốc bên ngoài.

Có thể nói, trong bất kỳ thời điểm lịch sử nào, nông nghiệp, nông thôn Việt Nam cũng mang sứ mệnh quan trọng, là điểm tựa cho đất nước.

1. Mùa thu năm 1945, sau khi dân tộc ta giành được độc lập, trước “thù trong, giặc ngoài”, theo lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, toàn dân tăng gia sản xuất, từ đó đẩy lùi được nạn đói lịch sử. “Thực túc binh cường” nông nghiệp, nông thôn trở thành nền tảng của kinh tế kháng chiến - "nuôi quân, đánh giặc" để “Chín năm làm một Điện Biên/Nên vành hoa đỏ, nên thiên sử vàng”. Trong cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ, mặc dù chiến tranh tàn phá, nông thôn ở miền Bắc vẫn là “hậu phương lớn” chi viện cho tiền tuyến miền Nam với khẩu hiệu “Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”, góp phần làm nên Đại thắng mùa xuân năm 1975, thu non sông về một mối.

Đất nước thống nhất, nông nghiệp, nông thôn Việt Nam bước vào chặng đường mới với bước chuyển mạnh mẽ từ cơ chế quản lý kế hoạch hóa tập trung sang sản xuất gắn với thị trường và xuất khẩu. Ngày 13-1-1981, trên cơ sở tổng kết thực tiễn ở các địa phương, Ban Bí thư Trung ương Đảng ra Chỉ thị số 100-CT/TƯ về cải tiến công tác khoán, mở rộng “khoán sản phẩm đến nhóm lao động và người lao động” trong hợp tác xã nông nghiệp và ngày 5-4-1988, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 10-NQ/TƯ về đổi mới quản lý kinh tế nông nghiệp. Đây là những “cú hích” lớn cho nông nghiệp, nông thôn. Từ một đất nước thiếu lương thực, đến năm 1989, sản lượng lúa gạo cả nước đã lên tới 21,5 triệu tấn và lần đầu tiên Việt Nam xuất khẩu 1,2 triệu tấn gạo.

Ở thời điểm hiện tại, nhân loại đang đối mặt với hàng loạt thách thức như biến đổi khí hậu, thiên tai, đại dịch Covid-19, gần 900 triệu người đang thiếu đói, an ninh lương thực đã trở thành vấn đề của nhiều quốc gia. Trong bối cảnh đó, nông nghiệp, nông thôn của Việt Nam tiếp tục khẳng định vai trò điểm tựa của kinh tế - xã hội, bảo đảm lương thực, thực phẩm cho gần 100 triệu dân và đóng góp tích cực cho tăng trưởng kinh tế.

2. Tình hình thế giới hiện nay, đặc biệt là những ảnh hưởng do đại dịch Covid-19 buộc nhiều quốc gia phải có những thay đổi phù hợp, trong đó có cách nhìn mới về vấn đề lương thực. Với Việt Nam, bảo đảm an ninh lương thực luôn được coi là yếu tố sống còn. Với điều kiện tự nhiên, tập quán canh tác, năng lực sản xuất, chúng ta không chỉ bảo đảm được an ninh lương thực, mà còn có thể dựa trên thế mạnh, định hình vị thế cường quốc lúa gạo trong thời đại hội nhập kinh tế quốc tế.

Đất nước bước vào giai đoạn phát triển mới, dù tỷ trọng trong tổng sản phẩm quốc nội (GDP) có xu hướng giảm dần nhưng nông nghiệp vẫn tiếp tục giữ vai trò là trụ đỡ của nền kinh tế. Khi đất nước gặp khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, sản xuất nông nghiệp khẳng định vị thế của mình qua việc giữ vai trò quan trọng trong duy trì đà tăng trưởng của nền kinh tế. Cùng với đó, khu vực nông thôn với 65% dân số cũng khẳng định là một thị trường tiêu thụ nội địa quan trọng giúp các doanh nghiệp duy trì sản xuất khi chuỗi cung ứng toàn cầu bị đứt gãy.

Và như vậy, cần xác định rõ nông nghiệp, nông thôn là thế mạnh giúp nước ta đứng vững và vươn lên vượt qua những khó khăn. Từ đó cần có đánh giá đúng để đề ra định hướng chiến lược và giải pháp phát triển phù hợp với đòi hỏi từ thực tiễn để phát huy thế mạnh của nông nghiệp, nông thôn trong những năm tới.

Thời gian qua, nông nghiệp, nông thôn đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Tuy nhiên cũng bộc lộ những hạn chế như: Thu nhập từ sản xuất nông nghiệp chưa cao và thiếu bền vững, quy hoạch sử dụng đất nông nghiệp chưa đáp ứng được đòi hỏi tích tụ ruộng đất tập trung, việc áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất còn nhiều hạn chế, sản xuất nhỏ lẻ, được mùa mất giá …

Để nâng cao tiềm lực, chúng ta cần đổi mới mạnh mẽ hơn nữa tư duy phát triển; gắn nông nghiệp, nông thôn với công nghiệp và thương mại, với khoa học và tri thức; tạo tầm nhìn mới, quy hoạch lại sản xuất ở tầm quốc gia cũng như từng vùng, từng địa phương. Từ đó phát huy lợi thế so sánh của mỗi địa phương, mỗi vùng với đất nước; lợi thế của quốc gia với khu vực và thế giới; đồng thời khơi thông nguồn lực, tạo dư địa phát triển mới.

Phát huy tối đa tiềm lực cũng như thế mạnh đặc thù, nông nghiệp, nông thôn không chỉ là điểm tựa vững chắc cho nước ta trước những cú sốc từ bên ngoài mà còn tạo dựng được vị thế mới trong thời đại hội nhập kinh tế quốc tế.

Thế Văn