Nội đô Hà Nội úng ngập khi mưa lớn: Đâu là nguyên nhân?

Đời sống - Ngày đăng : 06:30, 07/09/2020

(HNM) - Từ đầu mùa mưa bão 2020 đến nay, đặc biệt trong tháng 7, 8, Hà Nội đã hứng chịu liên tiếp những trận mưa lớn, gây úng ngập cục bộ nhiều tuyến phố, kể cả những nơi không được coi là trọng điểm ngập mùa mưa. Vậy đâu là nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên? Thành phố đã chuẩn bị các giải pháp ứng phó như thế nào?

Công nhân Công ty TNHH một thành viên Thoát nước Hà Nội nạo vét, hút bùn cống thoát nước trên địa bàn thành phố nhằm tránh úng ngập. Ảnh: Quang Thái

Mới đáp ứng thoát nước khi mưa dưới 50mm/2 giờ

Từ đầu năm 2020 đến nay, các tỉnh, thành phố phía Bắc xuất hiện nhiều hiện tượng thời tiết bất thường, như: Mưa đá, dông, lốc, cuối tháng 4 vẫn mưa rét... Theo Tiến sĩ Võ Văn Hòa, Giám đốc Đài Khí tượng thủy văn khu vực Đồng bằng Bắc Bộ (Trung tâm Khí tượng thủy văn quốc gia), thời điểm xảy ra những hiện tượng trên cũng rất hiếm, thậm chí chưa từng có trong lịch sử quan trắc. Nguyên nhân là do tác động của biến đổi khí hậu, tính bất ổn định của các hệ thống hoàn lưu khí quyển diễn ra ở quy mô toàn cầu.

Trong diễn biến đó, Hà Nội đã hứng chịu nhiều trận mưa cường độ lớn, liên tiếp, gây úng ngập cục bộ trên nhiều tuyến phố. Đáng chú ý, trận mưa lớn chiều tối 17-8 còn gây úng ngập cả những tuyến phố không phải là các điểm ngập cố hữu.

Trưởng phòng Hạ tầng kỹ thuật (Sở Xây dựng Hà Nội) Nguyễn Mạnh Hùng lý giải: Trong khu vực nội thành (gồm 12 quận với diện tích khoảng 300km2), mới có lưu vực sông Tô Lịch (diện tích khoảng 77,5km2 gồm các quận: Đống Đa, Ba Đình, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Hoàng Mai và một phần các quận: Tây Hồ, Thanh Xuân) được đầu tư xây dựng, cải tạo hệ thống thoát nước tương đối đồng bộ, hoàn chỉnh; có thể giải quyết tiêu thoát cho những trận mưa cường độ 300mm/2 ngày. Còn ở các khu vực khác, nước mưa vẫn chủ yếu tiêu thoát tự chảy.

Là đơn vị đảm trách công tác bảo đảm thoát nước khu vực nội thành, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Thoát nước Hà Nội (Công ty Thoát nước Hà Nội) Nguyễn Việt Hương cho biết, với các trận mưa dưới 50mm/2 giờ, cơ bản chỉ tồn tại một vài vị trí ứ đọng nước do mặt đường trũng hoặc hệ thống thoát nước gặp sự cố. Với các trận mưa 50-100mm/2 giờ, trên các tuyến phố chính còn tồn tại 16 điểm úng ngập cục bộ.

Tuy nhiên, theo bà Nguyễn Việt Hương, số liệu từ các trận mưa gây úng ngập vừa qua cho thấy, lượng mưa đo được trung bình 70-80mm/2 giờ. Đáng chú ý, trận mưa chiều tối 17-8 vừa qua có lượng mưa lên đến 107mm tại quận Hoàn Kiếm, 92,3mm tại quận Hai Bà Trưng..., dồn dập trong thời gian ngắn, dẫn đến vượt quá khả năng tiêu thoát nước của hệ thống, gây úng ngập cục bộ tại một số tuyến phố không phải là các điểm ngập cố hữu.

Theo dõi diễn biến thời tiết, chủ động điều tiết thoát nước tại Trung tâm Giám sát hệ thống thoát nước (Công ty TNHH một thành viên Thoát nước Hà Nội). Ảnh: Yên Khánh

Nhiều giải pháp nhằm tiêu thoát nhanh nước trên đường

Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Hoàng Cao Thắng cho biết, nhằm hạn chế tình trạng úng ngập do mưa lớn, Sở đã xây dựng kế hoạch bảo đảm thoát nước, chống úng ngập khu vực nội thành mùa mưa năm 2020. Theo đó, Trung tâm Điều hành hệ thống thoát nước đã được nâng cấp nhằm chủ động dự báo, giám sát diễn biến mưa, lượng mưa, mực nước, giám sát tình hình hoạt động của các trạm bơm, đập điều tiết thoát nước. Khi dự báo có mưa lớn, mực nước đệm trên hệ thống cống, kênh mương, hồ điều hòa được hạ thấp nhằm tăng khả năng thoát nước nhanh.

Thông tin thêm, Phó Tổng Giám đốc Công ty Thoát nước Hà Nội Nguyễn Việt Hương cho hay, hệ thống ga thu, cống ngang, cống ngầm đến các trục tiêu thoát nước chính... thường xuyên được công ty nạo vét, duy trì. Khi dự báo có mưa, công ty thực hiện ứng trực 24/24 giờ, huy động nhân lực, xe hút, xe bơm di động... để xử lý tiêu thoát nước tại các trọng điểm ngập.

Để xóa dần các điểm úng ngập, thành phố Hà Nội đã triển khai một số dự án cải tạo hệ thống thoát nước. Năm 2019, đã có 4 dự án cải tạo hệ thống thoát nước trên các tuyến phố: Đội Cấn, Phạm Văn Đồng, Thanh Đàm, Trường Chinh hoàn thành, đang được theo dõi, đánh giá hiệu quả trong mùa mưa năm nay. Ngoài ra, 4 dự án đang thi công, sau khi hoàn thành sẽ xóa bỏ các điểm úng ngập tại: Phố Nguyễn Khuyến, ngã năm Đường Thành - Bát Đàn - Nhà Hỏa; phố Thụy Khuê (dốc La Pho); phố Hoa Bằng. Đáng chú ý, giải pháp xây bể điều tiết ngầm chống úng ngập tại phố Nguyễn Khuyến do UBND quận Đống Đa triển khai đã phát huy hiệu quả đầu tư.

Trao đổi về công trình này, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng quận Đống Đa Lê Anh Tuấn thông tin, bể điều tiết nước ngầm được xây dựng (từ tháng 3 đến tháng 8-2020) trong khuôn viên Trường Trung học cơ sở Lý Thường Kiệt, công suất trữ nước khoảng 2.000m3. Nước sẽ theo đường ống từ ga thu trên đường Nguyễn Khuyến chảy vào bể. Sau đó, 3 máy bơm công suất 250m3/giờ sẽ bơm nước từ bể ngầm vào hệ thống thoát nước của thành phố. “Hiện tại, sau một số trận mưa vừa qua, trên đường Nguyễn Khuyến chưa xảy ra úng ngập”, ông Lê Anh Tuấn nói.

Trước đó, năm 2018, Công ty Thoát nước Hà Nội đã đề xuất UBND thành phố xây bể ngầm chứa nước mưa chống ngập cho khu vực Đường Thành, chợ Hàng Da. Đây cũng là cách được nhiều nước áp dụng tại khu dân cư, không gian công cộng. Theo các chuyên gia, bể ngầm có thể giúp giảm tải cho hệ thống thoát nước khi có mưa lớn.

Rõ ràng, để chống ngập hiệu quả cho khu vực nội thành, giải pháp căn cơ vẫn là đầu tư hệ thống thoát nước hoàn chỉnh, việc này cần nhiều thời gian, kinh phí. Do đó, với những trận mưa lớn, dồn dập trong thời gian ngắn, khả năng úng ngập vẫn có thể xảy ra trên nhiều tuyến phố. Vì vậy, bên cạnh sự cảnh báo, nỗ lực của cơ quan chức năng, người dân cũng cần chủ động phòng tránh.

Dạ Khánh