Các hợp tác xã nông nghiệp của Hà Nội: Đẩy mạnh xây dựng chuỗi liên kết

Nông nghiệp - Ngày đăng : 07:31, 07/09/2020

(HNM) - Nhờ đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, xây dựng chuỗi sản xuất nông sản an toàn, các hợp tác xã của Hà Nội đang đóng góp rất lớn trong việc nâng cao giá trị sản phẩm, tạo đầu ra ổn định cho nông sản Thủ đô. Các hợp tác xã nông nghiệp đang là nhân tố tiên phong trong tái cơ cấu ngành Nông nghiệp Thủ đô.

Đóng gói xúc xích tại Hợp tác xã Chăn nuôi và Dịch vụ Đồng Tâm (xã Cấn Hữu, huyện Quốc Oai). Ảnh: Phong Minh

Những điển hình chăn nuôi, trồng trọt theo chuỗi

Năm 2016, ông Nguyễn Đình Tường ở xã Cấn Hữu (huyện Quốc Oai) đã liên kết với 10 thành viên thành lập Hợp tác xã Chăn nuôi và Dịch vụ Đồng Tâm. Theo đó, hợp tác xã đã xây dựng mô hình chăn nuôi lợn an toàn sinh học theo chuỗi từ chăn nuôi đến giết mổ, đóng gói và vận chuyển thịt lợn thành phẩm. “Hiện Hợp tác xã Chăn nuôi và Dịch vụ Đồng Tâm đang thực hiện chăn nuôi lợn theo một chuỗi khép kín từ khâu con giống đến giết mổ, đóng gói, bảo quản sản phẩm. Mỗi hộ đều nuôi 130-150 con lợn, doanh thu hàng tỷ đồng/năm” - ông Nguyễn Đình Tường khẳng định.

Tương tự, Hợp tác xã Nông nghiệp Tiền Lệ, xã Tiền Yên (huyện Hoài Đức) chọn triển khai mô hình chuỗi sản xuất rau an toàn áp dụng hệ thống bảo đảm có sự tham gia của người tiêu dùng. Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Tiền Lệ Nguyễn Văn Hòa cho hay, để đáp ứng nhu cầu thị trường về những sản phẩm sạch, chất lượng tốt, hợp tác xã đã chuyển đổi từ trồng rau truyền thống sang trồng rau theo quy trình an toàn thực phẩm. Hợp tác xã đã thành lập 10 nhóm giám sát nội bộ về quá trình sản xuất của từng thành viên trong vùng, đồng thời thường xuyên kiểm tra, nhắc nhở khắc phục lỗi trong sản xuất, góp phần bảo đảm chất lượng của vùng rau an toàn. Nhờ sản xuất sạch, trung bình mỗi năm hợp tác xã thu về khoảng 700 triệu đồng từ mô hình trồng rau sạch, an toàn theo chuỗi.

Thực tế cho thấy, những năm qua, nhờ chuyển đổi theo Luật Hợp tác xã năm 2012, đặc biệt là việc chuyển đổi sang các mô hình sản xuất ứng dụng công nghệ cao theo chuỗi đã giúp các hợp tác xã nông nghiệp khẳng định được thương hiệu cũng như giá trị sản phẩm. Có thể nói, các hợp tác xã chăn nuôi, trồng trọt theo chuỗi giá trị đang là những nhân tố quan trọng giúp đẩy mạnh tái cơ cấu ngành Nông nghiệp Thủ đô.

Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã thành phố Hà Nội Lê Văn Thư khẳng định, những năm qua, nhiều mô hình hợp tác xã nông nghiệp được triển khai phù hợp với điều kiện sản xuất từng vùng, hình thành các chuỗi liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Một số hợp tác xã thực hiện tiếp nhận và chuyển giao tiến bộ khoa học - kỹ thuật, tạo điều kiện cho thành viên chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi và tăng thu nhập. Đến nay, toàn thành phố có 130 hợp tác xã tham gia chuỗi giá trị, tập trung chủ yếu ở khâu liên kết sản xuất, ứng dụng khoa học, kỹ thuật…

Nhân rộng các mô hình

Vai trò của các hợp tác xã sản xuất ứng dụng công nghệ cao cũng như các hợp tác xã xây dựng mô hình sản xuất theo chuỗi đang tạo sự chuyển biến lớn trong sản xuất nông nghiệp tại các địa phương. Phó Chủ tịch UBND huyện Thạch Thất Nguyễn Kim Loan cho hay, toàn huyện có 31 hợp tác xã nông nghiệp, 100% hợp tác xã đã chuyển đổi theo Luật Hợp tác xã năm 2012 và cho hiệu quả kinh tế cao.

Tuy nhiên, theo Trưởng phòng Kinh tế huyện Thường Tín Uông Thị Phượng, để xây dựng thành công các hợp tác xã sản xuất ứng dụng công nghệ cao, theo chuỗi thì yếu tố con người - nguồn lực cho các hợp tác xã đang là những khó khăn, vướng mắc. Bên cạnh đó, nguồn vốn, quá trình xúc tiến thương mại sản phẩm của các hợp tác xã cũng đang là một trở ngại.

Để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc nêu trên, Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã thành phố Hà Nội Lê Văn Thư cho biết, hằng năm, Liên minh Hợp tác xã thành phố đều xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ thành viên hợp tác xã. Theo đó, các thành viên đã được tham gia các lớp tập huấn, tham quan trực tiếp các mô hình sản xuất điển hình của Hà Nội và các tỉnh, thành phố trên cả nước; trao đổi kinh nghiệm qua các hội thảo, hội nghị… Mặt khác, Liên minh Hợp tác xã thành phố duy trì liên kết với các ngân hàng hỗ trợ các hợp tác xã tiếp cận các nguồn vốn. Đối với Quỹ Hỗ trợ phát triển hợp tác xã, từ đầu năm đến nay, Quỹ đã giải ngân khoảng 12 tỷ đồng cho 35 hợp tác xã. Hiện, dư nợ của quỹ khoảng 115 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, Liên minh Hợp tác xã thành phố còn thực hiện tốt chức năng tư vấn, hướng dẫn các hợp tác xã thực hiện Luật Hợp tác xã năm 2012 và các văn bản pháp luật liên quan.

“Từ nay đến cuối năm, Liên minh tiếp tục tư vấn, hướng dẫn 50 hợp tác xã củng cố, phát triển hợp tác xã trong xây dựng nông thôn mới; xây dựng 6 mô hình kinh tế tập thể hiệu quả, điển hình tiên tiến, sản xuất gắn với chuỗi giá trị, sản phẩm chủ lực (OCOP) của địa phương; tiếp tục tư vấn hướng dẫn thành lập mới 70 tổ hợp tác, 25 hợp tác xã, hướng dẫn tổ chức lại hợp tác xã theo Luật Hợp tác xã năm 2012… Đặc biệt, Liên minh sẽ hỗ trợ các hợp tác xã tham gia chương trình xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu”, ông Lê Văn Thư khẳng định.

Đỗ Minh