Để có tăng trưởng bền vững

Góc nhìn - Ngày đăng : 06:08, 08/09/2020

(HNM) - Trong bối cảnh dịch Covid-19 ảnh hưởng đến hầu hết lĩnh vực kinh tế nước ta thì xuất khẩu vẫn bật lên là điểm sáng của nền kinh tế. Trong tháng 8-2020, kim ngạch xuất khẩu tăng 6,5% so với tháng 7 và tăng 2,5% so với cùng kỳ năm 2019, đạt 26,5 tỷ USD, mức cao nhất trong năm 2020. Cán cân thương mại duy trì trạng thái xuất siêu. Tháng 8, cả nước ước tính xuất siêu 3,5 tỷ USD trong khi tính chung 8 tháng là 11,9 tỷ USD, cao nhất từ trước đến nay...

Thêm một tín hiệu vui, từ 1-8-2020, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA) chính thức có hiệu lực mở ra cơ hội rất lớn cho hàng hóa và doanh nghiệp của Việt Nam. Theo đó, nhiều mặt hàng có thế mạnh của nước ta sẽ được giảm và xóa bỏ thuế quan khi xuất khẩu sang thị trường EU.

Tuy nhiên, theo phân tích của chuyên gia kinh tế, xuất siêu 8 tháng năm 2020 không phải hoàn toàn do xuất khẩu tăng mà có một phần do nhập khẩu giảm. Trong khi đó, 90% lượng hàng nhập khẩu của nước ta là máy móc, tư liệu sản xuất. Điều này cũng đồng nghĩa với việc nước ta đang giảm nhập tư liệu sản xuất - đây là điểm đáng lo vì sẽ ảnh hưởng đến sản xuất trong tương lai. Mặt khác, xuất siêu của nước ta cũng còn phụ thuộc lớn vào các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài...

Chính vì vậy, để bảo đảm xuất khẩu tăng trưởng bền vững, cần có những giải pháp cho cả trước mắt và lâu dài. 

Trong đó, các doanh nghiệp xuất khẩu cần chủ động tổ chức khai thác, tận dụng cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã ký kết, nhất là Hiệp định EVFTA, để phát triển thị trường xuất khẩu và tháo gỡ rào cản để thâm nhập các thị trường mới; đa dạng hóa, hạn chế sự phụ thuộc vào một số ít thị trường... Đồng thời, các doanh nghiệp cần chủ động phòng ngừa, nâng cao năng lực phòng vệ thương mại cũng như giải quyết tranh chấp thương mại, đầu tư quốc tế.

Về phía cơ quan quản lý, cần tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu thông qua các chính sách tiền tệ và tài khóa cũng như tạo thuận lợi, minh bạch, công bằng trong cơ chế chính sách để doanh nghiệp không bỏ lỡ cơ hội khi nước ta đã tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới… Đồng thời triển khai kế hoạch thực hiện Hiệp định EVFTA cũng như tổ chức tuyên truyền, phổ biến các cam kết trong lĩnh vực thương mại hàng hóa, dịch vụ, đầu tư, phương án cam kết cắt giảm, xóa bỏ thuế nhập khẩu hàng hóa và các cam kết về tiếp cận thị trường châu Âu để nâng cao sự hiểu biết của người dân và doanh nghiệp. 

Mặt khác, các cơ quan chức năng cũng như các địa phương cần nhanh chóng triển khai xây dựng kế hoạch xúc tiến thương mại giai đoạn 2020-2025 với mục tiêu rà soát, chọn lọc những ngành hàng tiềm năng, còn dư địa phát triển tại thị trường các đối tác đã ký kết hiệp định thương mại tự do. Tăng cường xúc tiến thương mại qua hình thức trực tuyến để duy trì, mở rộng thị trường, hỗ trợ doanh nghiệp tìm đối tác trong bối cảnh dịch Covid-19 có thể còn tiếp diễn lâu dài...

Việc tiếp tục kiểm soát tốt dịch Covid-19 cũng là giải pháp giữ ổn định cho nền sản xuất, bảo đảm duy trì hoạt động xuất khẩu nên mỗi cơ sở sản xuất kinh doanh không lơ là, chủ quan, phải coi chống dịch Covid-19 là việc làm thường xuyên. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cần tận dụng hiệu quả sự hỗ trợ của Nhà nước về nguồn tài chính, cơ chế, chính sách để tăng tính chủ động, nỗ lực vượt qua khó khăn bằng thật lực...

Chỉ khi nền sản xuất trong nước đủ mạnh, điểm sáng xuất siêu này mới có đà tăng trưởng bền vững, dài lâu.

Văn Ngọc Thủy