Chơi “mẹc”và xưởng “mẹc” tư nhân đầu tiên ở Hà Nội
Giới trẻ - Ngày đăng : 07:55, 30/01/2005
Với không ít người việc sở hữu một con "mẹc" là chuyện trong tầm tay
“Ngôi nhà di động”
“Mẹc” đang là biểu tượng của sự giàu có và thịnh vượng. Nhiều cậu ấm cô chiêu cũng cảm nhận được điều ấy và cùng với điện thoại, quần áo hàng hiệu, các cô, các cậu cũng đòi phụ huynh cho sở hữu một “con”. N, sinh năm 1981, là một ví dụ. Cố gắng ba năm vẫn chưa xong năm thứ 4 một trường đại học ngoại ngữ nhưng N đã chễm chệ trong một “ngôi nhà di động”. Bố cậu là một doanh nhân khá thành đạt, mẹ buôn bán. Nhà có mỗi quý tử nên khi N “dè dặt” đề xuất mong muốn ấy thì được đáp ứng liền. N cũng không phải là trường hợp cá biệt. Ai cũng ao ước được sở hữu một ô tô bình dân, chưa nói gì đến “mẹc” hay BMW nhưng với đại bộ phận, đủ tiền tậu một chiếc vẫn là một giấc mơ xa vời.
Nếu quy đổi ra tiền Việt, một chiếc Mercedes cao cấp hiện có ở nước ta còn giá trị hơn cả một ngôi nhà trong ngõ có diện tích khoảng 40 m2 trên địa bàn mấy quận như Đống Đa, Thanh Xuân, thậm chí ngay tại quận trung tâm Hoàn Kiếm... Tất nhiên, so sánh như thế thì vô cùng.
Không biết ai là người đầu tiên mua “mẹc” ở Hà Nội nhưng dân chơi sành điệu hay nhắc tới “Sơn Bà Triệu”, nguyên giám đốc một doanh nghiệp tư nhân. Gọi thế vì nhà ông này ở phố Bà Triệu. ‘’Sơn Bà Triệu” chơi “mẹc” từ đầu những năm 90 của thế kỷ trước và được xem là người đầu tiên ở Hà Nội mua “mẹc”. Chiếc xe “mẹc” đầu tiên mà ông này mua là chiếc E230, đời 1984. Mỗi khi xuất hiện một đời “mẹc” mới ông lại tậu về. Tính sơ sơ, mỗi con “mẹc” xấp xỉ tỷ rưỡi bạc, sang trọng hơn, cao cấp hơn thì trên ba tỷ. ở nhà ông bây giờ có tới “4 con mẹc” các đời khác nhau. Nhà rộng, ga- ra rộng, lại có thú sưu tầm nên gia đình cũng chẳng muốn bán. Cứ để đấy chơi. Chịu chơi như thế, dám bỏ cả đống tiền ra như thế để tậu mấy “ngôi nhà di động”, con nhà trâm anh thế phiệt ngày xưa cũng phải chào thua.
Con “mẹc” đầu tiên được nhập vào nước ta đã được vài chục năm và là xe Nhà nước. Theo dân chơi “mẹc”, ban đầu nhược điểm của loại xe này là không thích ứng với môi trường nhiệt đới nóng ẩm. Trời nóng, điều hoà phải bật hết công suất nên càng tốn xăng và hại, trong khi đường sá kém, bưởng máy lại làm bằng nhựa nên không chịu được va đập. Những nhược điểm này sau đó đã được khắc phục cho phù hợp với điều kiện khí hậu, địa hình nước ta. Chẳng hạn, điều hòa, hệ thống làm mát tăng công suất, bưởng máy được thay bằng tôn...
Sự tiện nghi, sang trọng khiến nhiều người mê dòng xe này. Đời xe, tiện nghi liên tục được thay đổi: E 200 K, C240... Khác với những dòng xe hơi được cho là bình dân, cũng như BMW, “mẹc” gần như không cần phải làm lại nội thất hay chỉnh trang. Tất cả đều hoàn hảo không chê vào đâu được. Con “mẹc” được cho là có giá nhất hiện nay, theo những người chơi “mẹc” vào khoảng 250 nghìn USD, xấp xỉ 4 tỷ đồng. Theo một thống kê không chính thức, hiện có khoảng 3000 con “mẹc” tại khu vực phía Bắc, chủ yếu tập trung ở Hà Nội. Con số “mẹc” của cả nước vào khoảng 10 nghìn.
Mua “mẹc” để khẳng định vị thế, để làm đồ trang sức và với không ít người, có “mẹc” để đua, để quậy. Mới đây, nhiều người xôn xao bởi nhiều quý tử đua “mẹc”, rồi gây hấn... Cũng có một điều lạ là theo nhiều người đi nước ngoài về, phải thực sự giàu có thì “tây” mới dám chơi “mẹc” bởi phí bảo dưỡng rất cao. Trong khi đó ở ta... Tất nhiên, mua, chơi “mẹc” là một nhu cầu chính đáng.
Dân chơi xe hơi Hà thành nói chung, dân chơi “mẹc” nói riêng ai cũng biết đến Nguyễn Văn Tân- GĐ Cty Thương mại và dịch vụ Văn Tân. Tân không chỉ là tay sửa xe nổi tiếng mà còn là tư nhân đầu tiên mở xưởng “mẹc” ở Hà Nội. Vốn năm 1994, Nguyễn Văn Tân đang là chủ của một xưởng sửa chữa ô tô nhỏ thì tình cờ biết Ngân hàng Nhà nước có bán chiếc xe Mercedes cũ. Tân tìm đến và mua với giá 10 triệu đồng. Con “mẹc” lúc ấy gần như... một đống sắt vụn nên anh phải thuê kéo về xưởng để “phẫu thuật”.
Tuy nhiên, anh đã rất ngạc nhiên vì bề ngoài xe cũ gỉ nhưng máy vẫn vận hành trơn tru. Con “mẹc” phiên bản 1959 đó được sản xuất đúng năm sinh của anh (1961). Nguyễn Văn Tân quyết định sang sửa lại theo đúng nguyên bản để... “chơi”. Phần nội thất bị mọt, anh nhờ người quen trong TP Hồ Chí Minh mua hộ một khối gỗ Cẩm Lai và thuê thợ Từ Sơn (Bắc Ninh) về làm lại. Một số chi tiết máy bị hỏng cũng phải nhờ đến các đồng nghiệp ở TP Hồ Chí Minh mua giúp. Riêng chiếc chụp bụi cầu mềm bằng cao su không có trên thị trường, anh đi đặt riêng một cái khuôn để đúc... Hai năm sau chiếc xe được đại tu xong. Sắp tới, con “mẹc” này sẽ ra mắt công chúng trong bộ phim “Miền đất hứa”, một trong những bộ phim có kinh phí lớn nhất từ trước đến nay. Khi đi tìm đạo cụ cho bộ phim với bối cảnh những năm giữa thế kỉ trước, hãng phim truyện VN đã rất mừng khi gặp được chiếc Mercedes của ông Tân. Người của hãng Mercedes- Benz khi sang Việt Nam rất thích đi chiếc xe này. Nhiều người, thậm chí cả tham tán của Đại sứ quán Đan Mạch đã tìm đến Nguyễn Văn Tân đặt vấn đề mua lại chiếc xe với giá hơn 10.000USD nhưng anh không muốn bán.
Sau khi Tân mua con “mẹc” đó không lâu, con “mẹc” còn mới tinh của khách sạn Metropol bị hỏng mà không tìm được thợ sửa. Nghe dân trong nghề mách, người của khách sạn đến tận nhà đề nghị anh sửa giúp. Kiểm tra, anh phát hiệnxe bị gẫy con quay nhưng loại phụ tùng này vào thời điểm đó còn rất hiếm nên phải tự chế. Một điều thật tuyệt vời là khi đưa chiếc xe đó vào xưởng của chính hãng kiểm tra bằng máy chiếc con quay mà anh tự chế đã được chấp nhận.
Từ niềm đam mê xe Mercedes cổ cho đến việc tự tay chế thành công con quay, Nguyễn Văn Tân nghĩ tới việc lập xưởng chuyên sửa chữa bảo trì loại xe này. May mắn là năm 1997, đúng lúc định lập xưởng bảo trì, sửa chữa “mẹc” thì nghe tin trong TP Hồ Chí Minh có một công ty liên doanh thanh lý lô thiết bị chuyên phục vụ sửa chữa xe Mercedes, anh đã dốc tiền mua toàn bộ lô thiết bị đó. Xưởng “mẹc” tư nhân đầu tiên ở Hà Nội ra đời. Cũng không lâu sau đó, Mercedes- Benz Việt Nam bắt đầu đưa ra thị trường những sản phẩm đầu tiên. Anh làm đơn xin làm đại lý bảo dưỡng bảo trì của hãng và được chấp nhận.
Trước khi xưởng sửa chữa, bảo dưỡng Mercedes Văn Tân được thành lập đã có hai xưởng sửa chữa, bảo dưỡng “mẹc”, song không phải của tư nhân. Sắp tới, câu lạc bộ Mercedes- Benz, câu lạc bộ ô tô đầu tiên tại Hà Nội, sẽ ra đời và được đặt “văn phòng” tại xưởng của anh.
Không biết bao giờ thì với người dân Việt Nam, ô tô trở thành một phương tiện giao thông thông dụng, chưa nói gì tới “mẹc”...
HNM