Ví điện tử gia tăng tiện ích, tạo nhiều giá trị sử dụng cho người dùng

Kinh tế - Ngày đăng : 17:02, 09/09/2020

Bên cạnh việc nâng cao trải nghiệm của người dùng, các ví điện tử hiện còn gia tăng liên kết nhằm mang đến nhiều tiện ích trên cùng một ứng dụng và đáp ứng mọi nhu cầu mua sắm của người tiêu dùng Việt.

Ví điện tử phát triển song hành cùng thương mại điện tử, trở thành xu thế tất yếu

Theo ghi nhận của Cục Thương mại điện tử và kinh tế số, Bộ Công Thương, trong thời gian gần đây, người tiêu dùng ưa thích mua sắm trực tuyến hơn. Nhiều doanh nghiệp trước đây chưa từng sở hữu cửa hàng trực tuyến nay đã mở rộng kênh bán trực tuyến, nhiều người tiêu dùng chưa bao giờ mua hàng trực tuyến nay đã bắt đầu tìm hiểu cách thức mua hàng trực tuyến.

Theo dự báo của Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM), tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử (TMĐT) năm nay sẽ trên 30% và quy mô TMĐT Việt Nam sẽ vượt con số 15 tỷ USD. Đi cùng với sự tăng trưởng của TMĐT là tiềm năng phát triển của thanh toán trực tuyến, cụ thể là ví điện tử.  

Ví điện tử là một loại tài khoản điện tử dùng để thanh toán các giao dịch trực tuyến.

Bên cạnh đó, trong 96 triệu người Việt Nam, số người sử dụng internet thông qua thiết bị điện thoại chiếm 34%; chính vì thế, Việt Nam được xem là một thị trường tiềm năng để phát triển TMĐT cũng như thanh toán trực tuyến. Trong đó, thanh toán bằng ví điện tử là hình thức thanh toán khá tiện dụng và rất phổ biến trong giới trẻ ngày nay.

Chị Nguyễn Thị Mai, 28 tuổi, nhân viên văn phòng một doanh nghiệp Hàn Quốc tại quận Nam Từ Liêm (thành phố Hà Nội) cho biết: “Tôi và đồng nghiệp thường hay đặt đồ ăn trên Now và chọn thanh toán bằng AirPay, cứ hóa đơn 80.000 đồng thì được giảm 20.000 đồng. Ngoài ra, thanh toán bằng ví điện tử cũng có nhiều ưu điểm, khi tôi đặt mua hàng thiết yếu trên trang TMĐT Shopee được miễn phí vận chuyển, tặng mã giảm giá, hoàn Shopee xu”.

Và theo quan sát từ trang TMĐT Shopee, ông Trần Tuấn Anh, Giám đốc Điều hành Shopee Việt Nam chia sẻ: “Năm 2020 đã đem lại nhiều thay đổi đáng kể trong cách chúng ta sống, làm việc và mua sắm trực tuyến, đáng chú ý là sự tăng tốc của thanh toán số, hướng đến xã hội không tiền mặt trên toàn khu vực. Tương tự, Shopee tiếp tục cung cấp các hình thức tùy chọn thanh toán phi tiền mặt, bao gồm ví điện tử AirPay để kịp thời đáp ứng những thay đổi về nhu cầu của người dùng”.

Cuộc đua cạnh tranh thị phần và xu hướng gia tăng liên kết của ví điện tử

Theo ghi nhận của các chuyên gia kinh tế - tài chính, sự cạnh tranh thị trường ví điện tử đang ngày càng nóng lên với nhiều khuyến mại và tiện ích trên ứng dụng. Đặc biệt, khi tình hình dịch Covid-19 bùng phát trở lại từ cuối tháng 7, nhiều cửa hàng chủ động liên kết với các hình thức thanh toán tiện lợi đã áp dụng chương trình khuyến mại, cụ thể, nếu khách hàng chọn thanh toán bằng ví điện tử sẽ nhận được mức giảm thông thường dao động từ 10%, 20% đến 50% tại các cửa hàng ăn uống, điểm bán hàng. Khách hàng chỉ cần mở điện thoại, quét QR Code và thanh toán đơn hàng. Hình thức này đang được đông đảo người dùng đón nhận vì không phải chờ đợi đến các đợt khuyến mại đặc biệt tại cửa hàng mà vẫn được hưởng ưu đãi giảm giá và hoàn tiền.

Nhiều người dùng ưa chuộng quét QR tại cửa hàng để hưởng khuyến mại.

Đáp ứng nhu cầu này, ví điện tử AirPay tung ra các ưu đãi cho người dùng như: Thanh toán bằng QR code tại các điểm bán được hoàn tiền 30%; thanh toán đơn mua sắm trên Shopee được miễn phí vận chuyển và tặng mã giảm giá 80.000 đồng cho người dùng lần đầu chọn thanh toán bằng ví AirPay. Bên cạnh đó, ví điện tử này vừa công bố liên kết với Ngân hàng Techcombank nhằm mang đến sự lựa chọn đa dạng trong liên kết thẻ nội địa ngân hàng cho người dùng ví AirPay và khách hàng của Techcombank.

Bạn Hoàng Anh (sinh viên tại Hà Nội) chia sẻ: “Mua hàng trên Shopee đã lâu nhưng nay tôi mới liên kết và thanh toán lần đầu qua AirPay. Với hóa đơn 4 cuốn sách trị giá vài trăm nghìn đồng, tôi được giảm 80.000 đồng và được miễn phí vận chuyển đến 25.000 đồng. Những khoản lợi này khiến tôi và bạn bè càng thích sử dụng ví điện tử hơn”. 

Bà Lê Xuân Phương, Phó Giám đốc Công ty Nghiên cứu thị trường Cimigo nhận định: “Tần suất và giá trị giao dịch hằng ngày qua các ví điện tử cho thấy nhu cầu sử dụng chúng tại thị trường Việt Nam là rất lớn và còn nhiều triển vọng trong thời gian tới”. Cũng theo kết quả nghiên cứu của Cimigo, liên kết với nhiều ngân hàng khác nhau là một trong các yếu tố chính tác động đến quyết định lựa chọn thương hiệu ví điện tử của người dùng hiện nay.

Theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước, tính đến tháng 5-2020, có 34 tổ chức không phải là ngân hàng đã được cấp giấy phép cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán. Trong đó, các tổ chức trung gian thanh toán cung ứng 4,24 triệu ví đã được xác thực, có sự liên kết với tài khoản ngân hàng, trong tổng số gần 9 triệu ví đăng ký (tức tỷ lệ gần 50%).

Phương Ngân