Thúc đẩy ứng dụng chữ ký số trong giao dịch điện tử
Xe++ - Ngày đăng : 16:49, 10/09/2020
Có hiệu lực từ ngày 1-11-2020, Thông tư số 22/2020/TT-BTTTT áp dụng với cơ quan, tổ chức, cá nhân lựa chọn sử dụng phần mềm ký số, phần mềm kiểm tra chữ ký số trong giao dịch điện tử; các tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số; các tổ chức, cá nhân phát triển ứng dụng, sử dụng chữ ký số.
Cụ thể, bên cạnh việc phải tuân thủ các tiêu chuẩn kỹ thuật về chữ ký số trên thông điệp dữ liệu, Thông tư số 22/2020/TT-BTTTT quy định phần mềm ký số phải đáp ứng các yêu cầu tương ứng với từng chức năng của phần mềm.
Theo đó, với chức năng ký số, trường hợp người ký số trên thông điệp dữ liệu là cá nhân, cho phép người ký số sử dụng khóa bí mật cá nhân để thực hiện việc ký số vào thông điệp dữ liệu; trường hợp người ký số trên thông điệp dữ liệu là tổ chức, cho phép người ký số sử dụng khóa bí mật tổ chức để thực hiện việc ký số vào thông điệp dữ liệu.
Với chức năng kiểm tra hiệu lực của chứng thư số, Thông tư số 22/2020/TT-BTTTT quy định cho phép việc kiểm tra chứng thư số của người ký số trên thông điệp dữ liệu phải kiểm tra theo đường dẫn tin tưởng trên chứng thư số và phải thực hiện đến tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số quốc gia.
Tương tự, đối với phần mềm kiểm tra chữ ký số, ngoài việc tuân thủ các tiêu chuẩn kỹ thuật về chữ ký số trên thông điệp dữ liệu, phần mềm còn phải đáp ứng yêu cầu: Kiểm tra tính hợp lệ của chữ ký số trên thông điệp dữ liệu; lưu trữ và hủy bỏ các thông tin kèm theo thông điệp dữ liệu ký số; thay đổi (thêm, bớt) chứng thư số của tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số; thông báo (bằng chữ/bằng ký hiệu) việc kiểm tra tính hợp lệ của chữ ký số là hợp lệ hay không hợp lệ.
Theo Trung tâm Chứng thực điện tử quốc gia (thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông) cả nước đang có 16 nhà cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số (CA) công cộng. Tổng số chứng thư số đang hoạt động do các CA công cộng cấp là hơn 1,4 triệu.