Công bố danh sách dự kiến xét tặng danh hiệu ''Công dân Thủ đô ưu tú'' năm 2020

Đời sống - Ngày đăng : 11:10, 10/09/2020

(HNMO) - Thực hiện quy trình xét tặng danh hiệu "Công dân Thủ đô ưu tú" quy định tại Quyết định số 03/2018/QĐ-UBND ngày 16-1-2018 của UBND thành phố Hà Nội, ngày 8-9, Ban Thi đua - Khen thưởng (Sở Nội vụ thành phố) công bố tổng hợp trích ngang thành tích các cá nhân dự kiến đề nghị tặng thưởng danh hiệu "Công dân Thủ đô ưu tú" năm 2020, để xin ý kiến trong 15 ngày.

1. Ông Vũ Duy Trương (tức Vũ Oanh), nguyên Trưởng ban liên lạc chiến sĩ Việt Minh thành Hoàng Diệu, nguyên Bí thư Đoàn Thanh niên cứu quốc thành Hoàng Diệu; sinh năm 1924: 

Từ năm 1941, ông tham gia Việt Minh, hoạt động trong Đoàn Thanh niên cứu quốc. Tháng 3-1945, khi Nhật đảo chính Pháp tại Đông Dương, ông là Bí thư Chi bộ Đoàn Thanh niên cứu quốc của Thành ủy Hà Nội. Cuối tháng 7-1945, ông là Trưởng đoàn đại biểu cách mạng Hà Nội đi dự Đại hội Quốc dân Tân Trào và báo cáo trước đại hội về phong trào cách mạng của các tầng lớp nhân dân Hà Nội. Tổng khởi nghĩa nổ ra, ông được cử làm Chủ nhiệm Mặt trận Việt Minh thành Hoàng Diệu, phụ trách khối tự vệ thanh niên Hà Nội. Sau ngày toàn quốc kháng chiến, ông được chỉ định làm Bí thư Tỉnh ủy Hà Đông (1946), Bí thư Tỉnh ủy Hà Nam (1947). Năm 1948, ông được bổ nhiệm làm Chánh Văn phòng Quân ủy Trung ương khi mới 24 tuổi. Sau đó, ông lần lượt giữ các chức vụ Ủy viên Liên khu ủy khu 3, Phó Chính ủy Đại đoàn Đồng Bằng, Cục trưởng Cục Địch vận, Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương.

Từ năm 1979 đến năm 1981, ông lần lượt giữ chức Phó Trưởng ban Công tác giúp nước bạn Campuchia, sau đó là Phó Trưởng ban Thứ nhất Ban Tổ chức Trung ương. Năm 1982, ông làm Trưởng ban Nông nghiệp Trung ương, sau đó là Trưởng ban Kinh tế Trung ương. Ông được bầu làm Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa IV và trở thành Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam các khóa V, VI, VII; được bầu vào Ban Bí thư Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa VI, VII và Ủy viên Bộ Chính trị khóa VII, giữ các chức vụ: Trưởng ban Dân vận Trung ương, Trưởng ban Nông nghiệp Trung ương, Trưởng ban Kinh tế Trung ương. Ông là Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế, Kế hoạch và Ngân sách của Quốc hội từ năm 1987 đến năm 1989.

Khi nghỉ hưu, ông làm Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam, Chủ tịch Hội Người cao tuổi Việt Nam, Chủ tịch Hội Giáo dục chăm sóc sức khỏe cộng đồng Việt Nam.

Với những đóng góp trên, ông đã được Đảng, Nhà nước tặng thưởng nhiều danh hiệu cao quý: Huân chương Sao Vàng, Huân chương Hồ Chí Minh, Huy hiệu 75 năm tuổi Đảng.

2. Trung tướng Lê Đỗ Nguyên (tức Phạm Hồng Cư), nguyên Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, Phó Tư lệnh về chính trị Quân khu 2; sinh năm 1926: 

Từ năm 1940-1944, ông là học sinh trường Bưởi, tham gia các hoạt động yêu nước tại nhà trường và bị đế quốc Pháp bắt, giam tại xà lim Thanh Hoá. Tháng 3-1945, ông trốn ra, tiếp tục tham gia hoạt động cách mạng tại Hà Nội trong Tiểu đội Phạm Hồng Thái. 

Năm 1945, sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công, ông được giao làm Trung đội trưởng Tự vệ chiến đấu Cứu quốc thành Hoàng Diệu (Thành bộ Việt Minh Hà Nội). Đây là đơn vị bộ đội địa phương đầu tiên của Hà Nội do Thành ủy Hà Nội thành lập ngay sau Cách mạng Tháng Tám, có nhiệm vụ bảo vệ các cơ quan lãnh đạo của Đảng và Mặt trận Việt Minh ở cấp Trung ương, bảo vệ Bác Hồ, các đồng chí lãnh đạo khác và bảo vệ một số cơ quan công khai của Xứ ủy Bắc kỳ và Thành ủy Hà Nội. Đặc biệt, Đội có vinh dự được Thành ủy Hà Nội giao nhiệm vụ tham gia bảo vệ Lễ đài độc lập tại Quảng trường Ba Đình trong ngày 2-9-1945. Với những nỗ lực phấn đấu trong công tác và chiến đấu, năm 1946, ông vinh dự được kết nạp Đảng tại Đảng bộ Hà Nội.

Trong kháng chiến chống Pháp, ông là Chính trị viên Tiểu đoàn Bình Ca, tham gia chiến dịch Việt Bắc thu đông, đánh thắng quân Pháp trận đầu trên sông Lô (1947), Phó Chính ủy Trung đoàn 36, Đại đoàn 308, tham gia các chiến dịch lớn, trong đó có Chiến dịch Điện Biên Phủ (1954) và đặc biệt, ông cũng chính là một trong số những cán bộ vinh dự được trực tiếp gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh tại đền Hùng (Phú Thọ) ngày 19-9-1954 để nghe Bác trực tiếp giao nhiệm vụ về tiếp quản Thủ đô. Sau kháng chiến chống Pháp, qua rèn luyện, chiến đấu và trưởng thành, tiếp đến kháng chiến chống Mỹ, ông đã phấn đấu và giữ nhiều chức vụ quan trọng trong quân đội. Ông là một trong những "Bộ đội Cụ Hồ" có mặt tại Dinh Độc lập đúng ngày chiến thắng 30-4-1975.

Trải qua hai cuộc kháng chiến, cá nhân ông đã có nhiều đóng góp cho sự phát triển kinh tế, giữ gìn các di tích lịch sử của Hà Nội, của đất nước. Đến khi nghỉ hưu về sinh hoạt tại phường Liễu Giai, quận Ba Đình, ông vẫn tích cực tham gia nhiều buổi nói chuyện truyền thống về kháng chiến chống Pháp, kháng chiến chống Mỹ.

Với những đóng góp trên, ông đã được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương Quân công hạng Nhì, Ba; Huân chương Chiến thắng hạng Nhì; Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng Nhất; Huân chương Chiến sĩ vẻ vang hạng Nhất, Nhì, Ba; Huy chương Quân kỳ Quyết thắng; Kỷ niệm chương Chiến sĩ cách mạng bị bắt và tù đày; Huy hiệu 70 năm tuổi Đảng. 

3. GS.TS.NSND Lê Ngọc Canh, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu văn hóa - Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam; sinh năm 1933: 

Tham gia cách mạng từ năm 1946, làm nhiệm vụ liên lạc truyền tin, ông đã có nhiều đóng góp cùng Trung đoàn Thủ đô trong cuộc chiến đấu 60 ngày đêm giam chân quân đội Pháp để bảo vệ Thủ đô. Do yêu cầu của cách mạng, ông trở thành diễn viên của đội tuyên truyền, biểu diễn văn nghệ phục vụ chiến sĩ và nhân dân chiến khu; sau đó, ông là một trong số các nghệ sĩ múa được chọn sang Bulgaria để đào tạo tiến sĩ nghệ thuật học.

Từ năm 2010 đến nay, ông cùng nhóm hội viên Hội Nghệ sĩ múa Hà Nội sưu tầm, phục dựng hơn 54 điệu múa cổ, đồng thời cá nhân ông đã có nhiều tác phẩm múa nổi tiếng; trực tiếp biên soạn, xuất bản 20 cuốn sách, công trình nghiên cứu về múa và văn hóa như: Nghệ thuật múa tín ngưỡng dân tộc Việt Nam, 100 điệu múa truyền thống Việt Nam, nghệ thuật múa cổ truyền vùng Hà Nội mở rộng, múa cổ truyền Thăng Long - Hà Nội… Từ năm 1999 đến nay, ông là chủ nhiệm nhiều công trình, đề tài như: Đề tài nghiên cứu kế thừa phát triển nghệ thuật múa Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội và đề tài sưu tầm phát huy múa cổ truyền Thăng Long - Hà Nội, nghiệm thu đoạt giải xuất sắc (A) của Hội Nghệ sĩ múa Việt Nam; là tác giả phần múa đề tài văn hóa Hà Nội thế kỷ XX và đề tài bản sắc tinh hoa văn hóa Thăng Long. Ông là đồng tác giả công trình sách Tổng tập Thăng Long và được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen. Ông cũng là tác giả phần múa trong công trình đề tài cấp thành phố: Bách khoa thư Hà Nội.  

Với những cống hiến của ông trong hoạt động nghệ thuật, ông được các cấp tặng nhiều phần thưởng cao quý: Năm 2000 được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh tác phẩm kịch múa “Ngọn lửa Nghệ Tĩnh”; năm 2001 được tặng Giải thưởng Nhà nước và danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân; năm 2014, được Nhà nước phong hàm Giáo sư; năm 2017 được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về các cụm công trình nghiên cứu khoa học. Cá nhân ông có 9 công trình khoa học đoạt giải cấp bộ, nhà nước và thành phố Hà Nội. Năm 2010, ông được Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội tặng Bằng khen; năm 2013, 2014 được Bộ VH-TT&DL tặng Bằng khen; năm 2014 được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen. Ông đã được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhì năm 1998.  

4. Ông Vũ Ngọc Chúc (bút danh: Vũ Quần Phương), nguyên Chủ tịch Hội Liên hiệp văn học nghệ thuật Hà Nội, Tổng Biên tập Báo Người Hà Nội; sinh năm 1940: 

Trải qua nhiều vị trí công tác: Trưởng ban biên tập Tiếng Thơ - Đài Tiếng nói Việt Nam; Trưởng ban Văn học hiện đại, NXB Văn học; Chủ tịch Hội Liên hiệp văn học nghệ thuật Hà Nội; Tổng Biên tập Báo Người Hà Nội; đại biểu Quốc hội khóa IX; Ủy viên Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội; Phó Tổng Biên tập Tạp chí Văn chương Việt Nam; Phó Giám đốc Trung tâm Bồi dưỡng viết văn Nguyễn Du, Chủ tịch Hội đồng Thơ Việt Nam.

Từ năm 1972 đến nay, ông đã có trên 2.000 cuộc nói chuyện thơ ở nhiều nơi trong nước và quốc tế. Các cuộc nói chuyện thơ của ông phần lớn về Nhật ký trong tù của Bác Hồ, thơ về tình yêu đất nước, về lịch sử, con người của Thủ đô. Ông là người đề xuất tổ chức Ngày thơ Hà Nội tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Ngày thơ đầu tiên được tổ chức thành công. Từ ý tưởng ban đầu đó, Ngày thơ đã trở thành buổi sinh hoạt thơ thường niên của toàn quốc. Năm 1977, lần đầu tiên ông đã đưa bình thơ và trình diễn thơ vào Nhà hát Lớn trong ba đêm liên tiếp, thể hiện được tính học thuật và tính biểu diễn cao, được công chúng Thủ đô yêu thích đón nhận, qua đó NXB Giáo dục Việt Nam đã in tập thơ và tái bản nhiều lần với lời bình của ông, được dùng để giảng dạy trong nhà trường. Ông cũng là người đầu tiên giới thiệu hình thức hát xẩm vào Nhà hát Lớn. Dịp kỷ niệm Đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, ông đã chủ trì nhiều chương trình trò chuyện về Hà Nội với nhiều nội dung phong phú, như lịch sử, địa dư, văn hóa, kinh tế, lối sống, ăn mặc, ẩm thực, tâm lý…

Với những đóng góp trên, ông đã được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng Ba; được các bộ, ngành tặng Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp y tế, Vì sự nghiệp văn học nghệ thuật, Vì sự nghiệp giáo dục… Ông có nhiều tác phẩm đoạt giải của Hội Văn nghệ Hà Nội, Hội Nhà văn Việt Nam, Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam; Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật (2007); Giải thưởng loại A Hội đồng Lý luận văn học nghệ thuật trung ương (2014); Bộ trưởng VH-TT&DL tặng Bằng khen (2016).

5. GS.TS.NGND Nguyễn Quang Ngọc, Giám đốc Trung tâm Hà Nội học và phát triển Thủ đô; sinh năm 1952: 

Khi đang là sinh viên, năm 1972 ông đã đăng ký tham gia lên đường đi kháng chiến chống Mỹ ở biên giới Sơn La - Thượng Lào. Đến năm 1977, sau khi hoàn thành nhiệm vụ và trở về địa phương, ông tham gia làm cán bộ giảng dạy môn lịch sử rồi giữ chức vụ Chủ nhiệm khoa Lịch sử, Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn. 

Năm 2005, là Viện trưởng Viện Việt Nam học và khoa học phát triển, ông luôn xác định lấy địa bàn Hà Nội là trọng tâm nghiên cứu và phục vụ của Viện, bắt tay vào xây dựng ngành học Hà Nội học. Là Chủ tịch Hội sử học Hà Nội, Thành viên Hội đồng tư vấn khoa học Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến, Thành viên Hội đồng tư vấn khoa học Trung tâm Hoàng thành Thăng Long, ông đã có nhiều đóng góp cho Thủ đô: Chủ trì tổ chức thành công Hội thảo khoa học cấp quốc gia kỷ niệm 1.000 năm Vương triều Lý năm 2009; trực tiếp tham gia xây dựng hồ sơ khu di tích Trung tâm Hoàng thành Thăng Long thành Di sản văn hóa thế giới năm 2010; tham gia tổ chức Hội thảo khoa học quốc tế “Phát triển bền vững Thủ đô Hà Nội văn hiến, anh hùng, vì hòa bình”, được công nhận là hoạt động khoa học nổi bật của Đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội; chủ trì xuất bản sách Phát triển bền vững Thủ đô Hà Nội (2012). Là chủ biên, tác giả nhiều tập sách trong dự án Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến được đánh giá cao như: Địa chí Cổ Loa, Vương triều Lý.... Đồng chủ biên sách hoàn thiện mô hình tổ chức và quản lý đô thị Hà Nội hiện nay (2010); chủ nhiệm 5 đề tài nhánh trong chương trình khoa học cấp Nhà nước phát huy tiềm lực tự nhiên, kinh tế, xã hội và giá trị lịch sử - văn hóa phát triển bền vững Thủ đô Hà Nội đến năm 2020.

Từ năm 2013 đến nay, là Giám đốc Trung tâm Hà Nội học và Phát triển Thủ đô, cá nhân ông đã có nhiều đề tài nghiên cứu về Hà Nội như: Chịu trách nhiệm nội dung sách Thủ đô Hà Nội truyền thống, nguồn lực, định hướng phát triển (2015); đồng Chủ biên Giáo trình Hà Nội học (2018); Chủ biên sách Không gian khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long: Tư liệu và nhận thức (2016); Chủ biên Bách khoa thư Hà Nội (phần mở rộng 2017); Chủ biên sách Vương triều Lê (2019). Phó Chủ tịch Hội đồng tư vấn khoa học dự án Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến (giai đoạn II)... Hiện nay, ông là Chủ biên cuốn sách Định đô Thăng Long - Tầm nhìn Thiên niên kỷ, là ấn phẩm kỷ niệm 1010 năm Thăng Long - Hà Nội.

Với những đóng góp trên, ông đã được Thủ tướng Chính phủ 3 lần tặng Bằng khen (năm 2001, 2011 và 2012); Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba, hạng Nhì các năm 2004, 2013; Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội 6 lần tặng Bằng khen (năm 1981, 2009, 2010, 2011, 2017 và 2019). Ông được vinh danh là Trí thức tiêu biểu vì sự nghiệp phát triển Thủ đô năm 2014; nhận danh hiệu Nhà giáo ưu tú năm 2006, Nhà giáo nhân dân năm 2014; Chiến sĩ thi đua toàn quốc năm 2014; 10 lần đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp bộ, cấp thành phố và cấp Đại học Quốc gia Hà Nội; 11 lần đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp trường, cấp viện và nhiều bằng khen của các bộ, ban, ngành, tỉnh, thành phố.

6. Thạc sĩ, Thầy thuốc ưu tú, bác sĩ chuyên khoa cấp II Nguyễn Trung Cấp, Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương, Bộ Y tế; sinh năm 1970: 

Năm 1995, tốt nghiệp Đại học Y Hà Nội, ông về công tác tại Bệnh viện Nông nghiệp (xã Ngọc Hồi, huyện Thanh Trì, Hà Nội). Trong 12 năm công tác tại bệnh viện, ông đã tham mưu triển khai thành lập Khoa Hồi sức cấp cứu, tổ chức cấp cứu và điều trị cho hàng chục nghìn người bệnh nặng như ngộ độc thuốc bảo vệ thực vật, rắn cắn hay những bệnh lây truyền từ động vật sang người của khu vực huyện Thanh Trì, Thường Tín và cán bộ ngành Nông nghiệp trên cả nước. Đến năm 2006, ông chuyển công tác về Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương và tiếp tục đóng góp vào việc chẩn đoán chữa trị những bệnh nhân nhiễm trùng nặng như nhiễm trùng huyết, nhiễm liên cầu lợn... và có nhiều đóng góp trong quá trình phòng, chống dịch bệnh như: Dịch cúm A (H5N1), dịch tả năm 2007-2008, dịch cúm A (H1N1) năm 2009, các đợt dịch sốt xuất huyết hằng năm. Ông đã trực tiếp và cùng tập thể khoa điều trị cho hàng chục nghìn bệnh nhân là người dân Hà Nội cũng như tham gia hội chẩn, tập huấn, hỗ trợ chuyên môn cho nhiều bệnh viện của Hà Nội.

Trong đợt dịch Covid-19, với vai trò là Trưởng khoa Cấp cứu, ngay từ ngày tiếp nhận những bệnh nhân Covid-19 đầu tiên, ông đã cùng tập thể khoa xây dựng kế hoạch, thu thập tài liệu, soạn thảo những chuyên đề sinh hoạt khoa học và chia sẻ cho các đồng nghiệp, trong đó có nhiều bác sĩ của Hà Nội, hiểu hơn về vi rút corona (cá nhân ông có 1 bài báo nghiên cứu khoa học được đăng tải trên tạp chí quốc tế; 1 bài được đăng tải trên tạp chí khoa học trong nước, nghiên cứu khoa học về bệnh do SARS-CoV-2 gây ra; tham gia 1 đề tài nghiên cứu cấp Nhà nước về thử nghiệm lâm sàng thuốc điều trị bệnh Covid-19; là người trực tiếp nghiên cứu cải tiến bộ mũ trùm đầu và thiết bị lọc không khí cá nhân di động cho thầy thuốc khi thao tác trong môi trường ô nhiễm; phối hợp với Công ty BKAV nghiên cứu thiết kế sản xuất thiết bị thở ôxy lưu lượng cao để chuẩn bị sẵn sàng cho tình huống dịch bùng phát trên phạm vi rộng). Đồng thời, ông đã tổ chức khám, phân loại, sàng lọc cho hàng nghìn đối tương nghi ngờ, trực tiếp điều trị cho hơn 30 bệnh nhân dương tính, trong đó có gần 20 bệnh nhân nặng và nguy kịch.

Ông đã có nhiều sáng kiến cải tiến trong chiến lược điều trị cũng như phòng ngừa lây nhiễm cho nhân viên y tế. Trong quá trình chống dịch Covid-19, ông cũng tham gia giảng dạy tại 4 lớp tập huấn, xây dựng chương trình đào tạo khẩn cấp về thở máy, hỗ trợ hô hấp và trực tiếp tham gia 2 buổi chia sẻ kinh nghiệm cho các đồng nghiệp do Sở Y tế Hà Nội tổ chức và thường xuyên kết nối, tư vấn cho các đồng nghiệp tại các bệnh viện và CDC trong cả nước nói chung và Hà Nội nói riêng.

Với những cống hiến xuất sắc trong ngành Y tế, ông được trao tặng danh hiệu Thầy thuốc ưu tú; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tặng Bằng khen năm 1988, 1999; Bộ Y tế tặng Bằng khen năm 2007, 2009; Công đoàn ngành Y tế tặng Bằng khen năm 2010, 2020; Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen năm 2016.

7. Thầy giáo Nguyễn Đức Trường, Tổ trưởng Tổ Khoa học tự nhiên, Trường THCS Đa Tốn, huyện Gia Lâm, thành phố Hà Nội; sinh năm 1973: 

Là một nhà giáo nghị lực, bản thân bị tật, với sự tận tâm, nhiệt huyết với nghề, thầy giáo Nguyễn Đức Trường đã không ngừng nỗ lực trong việc tìm ra những phương pháp giảng dạy ngắn gọn, linh hoạt, kết hợp giữa học và chơi, tạo nên cảm hứng thích học cho học sinh. Thầy còn viết nhiều bài, đăng báo chuyên ngành: Toán học và tuổi trẻ, toán tuổi thơ; cùng với đồng nghiệp tham gia biên soạn sách tham khảo môn toán THCS cho NXB Giáo dục Việt Nam, NXB Đại học Quốc gia Hà Nội, NXB Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh (tham gia được 31 đầu sách). Trong năm học 2016-2017, xuất bản cuốn: Bài tập tài liệu môn toán lớp 7, lớp 8 tập 1 (NXB Giáo dục Việt Nam, phát hành tháng 10-2016); Ôn luyện cuối tuần môn toán lớp 8 (NXB Giáo dục Việt Nam, phát hành tháng 11-2016); Phát triển tư duy sáng tạo giải toán hình học, đại số lớp 8 (NXB Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh, phát hành tháng 2-2017). Cuối tháng 6-2018, xuất bản tiếp 2 cuốn sách: Phát triển tư duy sáng tạo giải toán hình học, đại số lớp 7. Tháng 7-2019 xuất bản cuốn: Thực hành kiểm tra, đánh giá năng lực toán 8. Cuối tháng 11-2019 xuất bản tiếp 2 cuốn sách: Phát triển tư duy sáng tạo giải toán lớp 6 tập 1, tập 2. 

Cá nhân thầy giáo Nguyễn Đức Trường còn giúp đỡ 6 giáo viên toán trong huyện thi đoạt giải Giáo viên giỏi cấp thành phố; trực tiếp hướng dẫn cho nhiều học sinh đoạt giải, như: Giải cấp quốc gia (1 em đoạt Huy chương đồng, 1 em đoạt giải Khuyến khích); giải cấp thành phố có 130 em đoạt giải (trong đó, 2 em đoạt giải Nhất, 29 em đoạt giải Nhì, 40 em đoạt giải Ba, 59 em đoạt giải Khuyến khích); giải Toán học Hà Nội mở rộng (17 em đoạt giải). Trong nhiều năm liên tục, thầy luôn đi đầu trong việc vận dụng sáng tạo phương pháp mới để nâng cao chất lượng giáo dục, đã được các cấp công nhận: 24 sáng kiến kinh nghiệm cấp huyện, 13 sáng kiến kinh nghiệm cấp thành phố được xếp loại. 

Với những đóng góp trên, thầy giáo Trường đã được các cấp ghi nhận, khen thưởng: Từ năm 2009 đến 2017 liên tục đạt Chiến sĩ thi đua cơ sở; năm 2012 được nhận danh hiệu "Người tốt, việc tốt" cấp thành phố, Bằng khen của Chủ tịch UBND thành phố; năm 2013 được nhận Bằng khen của Chủ tịch UBND thành phố, Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp giáo dục; năm 2016 nhận Bằng khen của Bộ Giáo dục và Đào tạo; năm 2017 được Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội tặng Giấy khen về thành tích xuất sắt trong 10 năm thực hiện Cuộc vận động “Mỗi thầy, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo” (giai đoạn 2007-2017); năm 2018 nhận Bằng khen của Chủ tịch UBND thành phố; năm 2019 được Sở Giáo dục và Đào tạo tặng Giải thưởng “Nhà giáo Hà Nội tâm huyết, sáng tạo”; nhiều năm liên tục được UBND huyện, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Gia Lâm, UBND xã Đa Tốn tặng Giấy khen. 

8. Anh Đoàn Văn Tiến, Quản đốc bộ phận bảo an, Công ty TNHH Sản xuất phụ tùng Yamaha Motor Việt Nam; sinh năm 1987: 

Gắn bó với Công ty TNHH Sản xuất phụ tùng Yamaha Motor Việt Nam đến nay đã được 14 năm; trải qua các vị trí khác nhau, từ người công nhân trực tiếp tham gia sản xuất, tổ trưởng bộ phận mạ, anh Đoàn Văn Tiến luôn được lãnh đạo công ty tín nhiệm và đánh giá rất cao về tay nghề, ý thức và tác phong trong công việc, đặc biệt là ý chí phấn đấu, tính kỷ luật trong công việc. Năm 2015, anh được lãnh đạo công ty tin tưởng và giao cho chức vụ Quản đốc bộ phận bảo an. Anh luôn gần gũi với công nhân và tích cực tham gia phong trào của công ty; được bầu làm thành viên công đoàn cơ sở và Phó Bí thư Đoàn Thanh niên của công ty.

Bên cạnh các thành tích đạt được nêu trên, anh còn có nhiều ý tưởng, sáng kiến trong công việc, cụ thể như: Năm 2015 đoạt giải Nhất cuộc thi “Sáng kiến, sáng tạo” toàn công ty do Công ty TNHH Sản xuất phụ tùng Yamaha Motor Việt Nam tổ chức với đề tài “Giảm chi phí mua máy hút cho hai bộ phận mạ và bộ phận basket”; năm 2017 đoạt giải Ba cuộc thi “Sáng kiến, sáng tạo” toàn công ty do Công ty TNHH Sản xuất phụ tùng Yamaha Motor Việt Nam tổ chức với đề tài “Cải tiến khay xếp chi tiết nhỏ”, giúp thao tác lấy chi tiết dễ dàng hơn và giảm thời gian lấy chi tiết từ 3,3 giây xuống 1,8 giây. Đặc biệt, năm 2018, anh đã đoạt giải Nhất cuộc thi "Sáng kiến, sáng tạo" với đề tài “Giảm thời gian cấp dầu chống gỉ và đảm bảo chống gỉ chi tiết” do toàn Tập đoàn Yamaha tổ chức tại Nhật Bản. Sáng kiến này đã được tập đoàn áp dụng có hiệu quả.

Những sáng kiến của anh Tiến mỗi năm làm lợi cho doanh nghiệp trên 1 tỷ đồng. Ngoài ra, mỗi năm anh đào tạo, kèm cặp, giúp đỡ, hỗ trợ nhân viên mới vào nghề từ 80 đến 120 công nhân, góp phần vào sự phát triển của doanh nghiệp.

Với những đóng góp trên, anh đã được tặng danh hiệu “Công nhân giỏi” do Công đoàn Các khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội trao tặng các năm 2016-2019; nhận danh hiệu “Công nhân giỏi Thủ đô năm 2019” do Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội trao tặng. Năm 2019, anh được nhận danh hiệu “Người tốt, việc tốt” cấp thành phố.

9. Bà Lưu Thị Phẩm, công dân thôn Hoàng Xá, xã Hoàng Kim, huyện Mê Linh, thành phố Hà Nội; sinh năm 1934: 

Sinh ra ở vùng đất có bề dày lịch sử văn hóa lâu đời, miền quê giàu truyền thống cách mạng, với tấm lòng yêu nước, trong kháng chiến chống Mỹ, bà Lưu Thị Phẩm đã tích cực tham gia dân công hỏa tuyến. Khi trở về quê hương, bà tiếp tục lao động sản xuất, phát triển kinh tế, thực hành tiết kiệm, luôn mong muốn làm được điều gì đó để góp phần xây dựng quê hương, đất nước. Bà luôn giáo dục các con học tập, lao động, sản xuất để trở thành những công dân có ích cho xã hội. Bà luôn gương mẫu và đi đầu trong công tác xã hội từ thiện, tham gia hầu hết các phong trào do địa phương phát động, nhất là phong trào “Uống nước nhớ nguồn”, “Đền ơn đáp nghĩa”.

Đặc biệt, hưởng ứng phong trào “Toàn dân chung sức xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2011-2020”, từ năm 2013 đến nay, bà cùng lãnh đạo thôn, xã tích cực vận động các hộ gia đình trong xóm thực hiện hiến đất mở đường (đã vận động được 15 hộ gia đình ký biên bản hiến đất mở rộng đường trung bình 5 - 5,5m và tự phá dỡ tường rào, bếp, các công trình phụ trợ của gia đình). Bà và gia đình tự nguyện hỗ trợ hoàn toàn kinh phí xây dựng lại tường rào, công trình phụ cho các hộ dân hiến đất mở đường, kinh phí xây dựng cống rãnh, đổ đường bê tông cho xóm với chiều dài 550m. Kinh phí đóng góp xây dựng nông thôn mới của bà và gia đình đến nay đã là 1,7 tỷ đồng. Hiện nay, đường làng, ngõ xóm đã được mở rộng, khang trang, sạch đẹp. Ngoài ra, các dịp lễ, Tết, bà đều tích cực ủng hộ các suất quà cho các gia đình hộ nghèo và có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn xã. Năm 2020, hưởng ứng phong trào “Toàn dân tham gia phòng, chống dịch Covid-19”, bà đã ủng hộ Bệnh viện Đa khoa Mê Linh 100 bộ quần áo bảo hộ, 3.000 khẩu trang y tế trị giá 20 triệu đồng.

Với những đóng góp trên, bà Lưu Thị Phẩm nhiều lần được UBND huyện Mê Linh khen thưởng danh hiệu “Người tốt, việc tốt”. Năm 2018, UBND thành phố Hà Nội tặng Bằng khen trong phong trào “Toàn dân chung sức xây dựng nông thôn mới”.

10. Đại tá Lê Đức Hùng, Trưởng Công an quận Bắc Từ Liêm; sinh năm 1974: 

28 năm công tác trong lực lượng Công an nhân dân, trải qua nhiều vị trí công tác: Trưởng Công an huyện Đan Phượng; Trưởng phòng Công tác chính trị, Công an thành phố; Trưởng phòng Công tác Đảng và công tác quần chúng, Công an thành phố; Trưởng Công an quận Bắc Từ Liêm, cá nhân ông Lê Đức Hùng cùng tập thể lãnh đạo các đơn vị luôn chủ động, tích cực triển khai có hiệu quả các chương trình, kế hoạch, chuyên đề công tác đảm bảo giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, không để xảy ra đột biến, bất ngờ, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội, an ninh, quốc phòng và đối ngoại của địa phương và đơn vị.

Đặc biệt, ông đã trực tiếp chỉ đạo các lực lượng Công an quận Bắc Từ Liêm điều tra khám phá nhiều vụ án lớn, có tiếng vang như: Khám phá nhanh vụ đe dọa đặt mìn để cưỡng đoạt tài sản tại trụ sở Công ty Hoàng Vũ, Khu công nghiệp Minh Khai, quận Bắc Từ Liêm (tháng 4-2019); giải tán các đối tượng chống đối lực lượng làm nhiệm vụ triển khai thực hiện kế hoạch cưỡng chế thu hồi đất, giải phóng mặt bằng thực hiện dự án xây dựng Nhà văn hóa Tổ dân phố số 2, số 4, phường Cổ Nhuế 2 năm 2019, đảm bảo tuyệt đối an toàn, không để xảy ra tình huống phức tạp ảnh hưởng đến an ninh trật tự; khống chế đối tượng tẩm xăng tự thiêu xảy ra vào tháng 5-2019 tại đường Phạm Văn Đồng, phường Xuân Đỉnh (ông đã tiếp cận, khống chế được đối tượng, tước bật lửa và can xăng, đảm bảo an toàn cho đối tượng và tính mạng, tài sản của quần chúng nhân dân trong khu vực); bắt giữ đối tượng cướp tài sản, khống chế con tin xảy ra vào tháng 6-2019 tại số 48 đường Thụy Phương, quận Bắc Từ Liêm (ông trực tiếp thương thuyết, tước dao và khống chế thành công đối tượng, đảm bảo an toàn cho con tin, đối tượng, được đông đảo quần chúng nhân dân biểu dương, khen ngợi)...

Đại tá Lê Đức Hùng đã triển khai thực hiện quyết liệt nhiều chuyên đề, kế hoạch theo chỉ đạo của Công an thành phố. Đặc biệt, đối với những trường hợp ốm đau, bệnh tật không có khả năng đi lại, ông đã chỉ đạo cán bộ Công an quận đến tận nhà làm căn cước công dân, được nhân dân ghi nhận, gửi thư khen ngợi vì thái độ tận tình, phục vụ nhân dân của cán bộ, chiến sĩ Công an quận.

Công an quận Bắc Từ Liêm được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Nhì (tháng 3-2019); được Bộ Công an, UBND thành phố và Công an thành phố tặng thưởng nhiều bằng khen, giấy khen về những thành tích xuất sắc đạt được trong công tác và chiến đấu. 

Cá nhân ông được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Nhì (với thành tích bắt giữ đối tượng khống chế con tin, cướp tài sản năm 2019), Huân chương Chiến công hạng Ba; danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở (các năm từ 2015-2019); danh hiệu Chiến sĩ thi đua toàn lực lượng (năm 2017); Bộ trưởng Bộ Công an tặng thưởng 3 Bằng khen; Chủ tịch UBND thành phố tặng thưởng danh hiệu “Người tốt, việc tốt” năm 2016, 2019 và tặng Bằng khen các năm 2015, 2017, 2019, 2020; cùng nhiều giấy khen của Công an thành phố và các ban, ngành, đoàn thể về những thành tích xuất sắc đạt được trong công tác và chiến đấu.