Australia sẽ giúp các nước khu vực sông Mê Kông giám sát phát hiện Covid-19 trong nước thải
Đối ngoại - Ngày đăng : 18:48, 10/09/2020
Tại hội nghị, các nước nhất trí quan hệ Đối thoại ASEAN - Australia đã có những bước phát triển mạnh mẽ kể từ khi thiết lập vào năm 1974 và đóng góp tích cực vào hòa bình, ổn định của khu vực. Hợp tác ASEAN- Australia đã đóng góp đáng kể vào việc hiện thực hóa Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025, trong đó có các Kế hoạch Tổng thể của ba trụ cột Cộng đồng, Kế hoạch Công tác Sáng kiến Hội nhập ASEAN (IAI) giai đoạn III và Kế hoạch Tổng thể về Kết nối ASEAN (MPAC) 2025.
Australia là đối tác thương mại quan trọng và là đối tác thương mại lớn thứ 7 của ASEAN, trong khi ASEAN là đối tác thương mại lớn thứ 3 của Australia. Hiện nay, ASEAN đang chuẩn bị đàm phán để nâng cấp Hiệp định Thương mại Tự do ASEAN- Australia - New Zealand (AANZFTA), đem lại lợi ích thiết thực hơn nữa cho cộng đồng doanh nghiệp và các bên liên quan. Đáng chú ý, trong thời gian qua, Australia luôn là một trong những quốc gia hàng đầu được sinh viên ASEAN lựa chọn để học tập và tu nghiệp.
Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Ngoại giao Australia Maris Payne khẳng định cam kết xây dựng mối quan hệ đối tác mạnh mẽ hơn, tương xứng với tiềm năng của ASEAN. Bộ trưởng Ngoại giao Australia thông báo sẽ hỗ trợ 1 triệu AUD cho Quỹ ASEAN ứng phó Covid-19.
Về hỗ trợ những nỗ lực chống Covid-19 toàn cầu, Australia khẳng định cam kết hỗ trợ 350 triệu AUD hỗ trợ nghiên cứu và phát triển vắc xin; đồng thời cam kết ủng hộ 80 triệu AUD để hỗ trợ các nước đang phát triển tăng cường tiếp cận vắc xin Covid-19 thông qua Cơ chế tiếp cận toàn cầu vắc xin Covid-19 (COVAX Advance Market commitment facility) của Liên minh Toàn cầu về vắc xin và tiêm chủng (GAVI).
Bộ trưởng Ngoại giao Australia cho biết sẽ tài trợ triển khai công nghệ giám sát môi trường nhằm giúp các nước Mê Kông phát hiện Covid-19 trong nước thải, để phòng, chống dịch bệnh hiệu quả. Australia khẳng định ủng hộ hợp tác cụ thể với ASEAN theo Tài liệu Quan điểm của ASEAN về Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, qua đó hỗ trợ khoảng 60 triệu AUD để tăng cường thúc đẩy hội nhập kinh tế theo Chương trình Hợp tác Phát triển ASEAN - Australia, ưu tiên phục hồi kinh tế, với trọng tâm là kết nối, thúc đẩy cơ sở hạ tầng và chuyển đổi số, bày tỏ mong đợi Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện khu vực (RCEP) sớm được ký kết. Về việc hỗ trợ sinh viên các nước ASEAN đang theo học tại Australia, Bộ trưởng Ngoại giao Australia khẳng định tiếp tục hỗ trợ thông qua các chính sách như gia hạn visa, hoãn thu lệ phí và tạo cơ hội việc làm.
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh hoan nghênh những hỗ trợ của Australia cho các nước ASEAN trong việc thúc đẩy an ninh y tế, phục hồi kinh tế và ổn định ở khu vực, trong đó có gói hỗ trợ trị giá 23 triệu AUD. Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao đánh giá cao sự ủng hộ của Australia đối với những nỗ lực của ASEAN trong đảm bảo hòa bình, an ninh, ổn định, tự do hàng hải, hàng không ở Biển Đông.
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao đã nhắc lại lập trường nguyên tắc của ASEAN, đề nghị các bên đề cao kiềm chế, không có các hành động gây phức tạp thêm tình hình, không quân sự hóa, giải quyết các tranh chấp thông qua các biện pháp hòa bình, thượng tôn pháp luật, tiếp tục thực hiện đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố về ứng xử các bên ở Biển Đông (DOC) và sớm hoàn tất Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) hiệu lực, hiệu quả, phù hợp với luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982, đóng góp duy trì hòa bình, an ninh, ổn định ở Biển Đông và trong khu vực.
Kết thúc hội nghị, các Bộ trưởng đã thông qua Kế hoạch Hành động mới (2020-2024) để tiếp tục thúc đẩy triển khai mối quan hệ Đối tác Chiến lược ASEAN- Australia đi vào chiều sâu. Hai bên nhất trí sẽ tổ chức Cấp cao ASEAN - Australia thường niên, bắt đầu từ năm 2021.