Không chỉ vì dịch Covid-19
Góc nhìn - Ngày đăng : 18:36, 11/09/2020
Như trong bối cảnh dịch Covid-19 tại Việt Nam, một trong những bài học kinh nghiệm có thể rút ra và áp dụng trong tương lai, đó là người dân cần suy nghĩ về thói quen thăm người bệnh nội trú, từ đó điều chỉnh hành vi phù hợp.
Tháng 8 vừa qua, người viết từng vào một bệnh viện nằm trên đường Thái Thịnh (Hà Nội) thăm người nhà cao tuổi nhập viện để chăm sóc, điều trị sau khi bị ngã, gãy tay. Phòng bệnh có gần chục giường, đều đã có người bệnh nằm. Chưa kể người hỗ trợ bệnh nhân được chấp nhận ở lại, số khách đến thăm khá đông. Nhiều khách thăm không đeo khẩu trang, trong phòng ồn ã tiếng nói cười, không phù hợp với một không gian cần có sự yên tĩnh...
Đời người, hiếm có ai không vài lần vào bệnh viện chăm sóc hoặc thăm hỏi người thân, người quen, đồng nghiệp... đang phải điều trị nội trú. Trong điều kiện hiện nay của các cơ sở y tế và thói quen kéo nhau thành đoàn đi thăm bệnh nhân, hẳn không ai cảm thấy lạ lẫm với hình ảnh phòng bệnh “như chợ vỡ”. Chỉ có điều là không phải ai cũng đặt ra câu hỏi về sự an toàn từ những chuyến thăm đó. An toàn cho mình, cho gia đình và an toàn cho chính người bệnh mà mình đến thăm cũng như các y, bác sĩ. Liệu người mà mình tới thăm có mang trong mình một loại bệnh truyền nhiễm nào đó? Liệu bản thân mình có đủ khỏe mạnh để không trở thành nguồn bệnh đối với những người có mặt trong cơ sở y tế?... Những câu hỏi này nên được đặt ra, không chỉ trong bối cảnh toàn thế giới đang khổ sở bởi dịch Covid-19.
Ngày 18-8, Bộ Y tế ban hành Công văn số 4393/BYT-KCB về việc tăng cường phòng và kiểm soát lây nhiễm vi rút SARS-CoV-2 trong các cơ sở khám, chữa bệnh, trong đó có nêu: Giảm tối đa người nhà hỗ trợ chăm sóc bệnh nhân, dừng việc thăm hỏi người bệnh nội trú của người nhà bệnh nhân. Đã hơn nửa tháng trôi qua kể từ ngày Công văn số 4393/BYT-KCB được ban hành, vấn đề dừng việc thăm hỏi bệnh nhân nội trú vẫn còn được bàn luận. Nhìn chung, đa số ý kiến tán đồng với yêu cầu này, cho rằng đó là biện pháp phòng dịch cần thiết. Điều đáng lưu ý là có người mong muốn áp dụng “lệnh” hạn chế thăm bệnh nhân nội trú ngay cả khi dịch Covid-19 đã được khống chế hoàn toàn. Đó là mong muốn cần được xem xét bởi từ lâu, ở Việt Nam, nhiễm khuẩn bệnh viện, lây nhiễm chéo, quá tải bệnh viện là điều được cảnh báo gay gắt mà một trong các nguyên nhân liên quan tới sự xuất hiện quá nhiều người chăm sóc, thăm hỏi người bệnh, và không phải ai tới cơ sở y tế cũng thể hiện cách ứng xử an toàn, văn minh.
Đề ra lệnh cấm tuyệt đối việc thăm hỏi người bệnh nội trú khi không xuất hiện dịch bệnh nguy hiểm là điều không thể. Tuy nhiên, cần có cách ngăn chặn hệ lụy từ việc này. Ngoài những biện pháp, quy định của các cơ sở y tế, điều quan trọng là mỗi người dân cần xác định rõ về sự cần thiết của chuyến thăm cũng như tự ý thức về trách nhiệm ứng xử phù hợp với yêu cầu, quy định của cơ sở y tế. Hãy nghĩ và tự hỏi trước một chuyến thăm, rằng liệu sự có mặt của mình có đem lại lợi ích thật sự cho bệnh nhân hay chỉ khiến họ thêm mệt mỏi? Nên gửi quà, đồ dùng cần thiết hoặc tiền hỗ trợ bệnh nhân qua người quen, đại diện công đoàn, người thân, hay nhất nhất phải có mặt để trao trực tiếp với hàm ý “điểm danh”? Nếu việc đến thăm có thể giúp được bệnh nhân, không ảnh hưởng tới sức khỏe của họ, nên nghĩ tới việc ở lại trong bao lâu, có cách ứng xử văn minh để không làm phiền tới những người bệnh khác...
Thăm hỏi người đau ốm nói chung là hành vi thể hiện tình cảm, trách nhiệm giữa người với người, mang tính nhân văn. Nhưng tới cơ sở y tế là việc khác, bất kể trong tình huống có dịch bệnh nguy hiểm hay không, mọi người nên cân nhắc về sự có mặt của mình nhằm bảo vệ mình, bảo vệ người bệnh, các y, bác sĩ và cộng đồng nói chung.