Cần xem việc sử dụng ma túy là vi phạm pháp luật
Chính trị - Ngày đăng : 15:58, 11/09/2020
Theo tờ trình của Chính phủ, dự thảo Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi) gồm 8 chương, 69 điều, so với Luật Phòng, chống ma túy năm 2000, sửa đổi, bổ sung năm 2008 đã tăng 13 điều, trong đó giữ nguyên 7 điều, sửa đổi, bổ sung 47 điều và 15 điều mới.
Đáng lưu ý, dự thảo luật mở rộng thêm phạm vi áp dụng so với Luật Phòng, chống ma túy hiện hành trong quy định về phòng ngừa, ngăn chặn, đấu tranh chống tội phạm và tệ nạn ma túy; kiểm soát các hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy; quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy, cai nghiện ma túy; trách nhiệm của cá nhân, gia đình, cơ quan, tổ chức trong phòng, chống ma túy; hợp tác quốc tế về ma túy và quản lý nhà nước về phòng, chống ma túy…
Đánh giá đây là dự án luật rất quan trọng, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho rằng, ma túy ảnh hưởng đến mọi mặt của đời sống, dù đã có nhiều giải pháp, nhưng công tác ngăn chặn, phòng ngừa chưa đáp ứng được yêu cầu.
Đưa ra thực trạng hiện nay nhiều đối tượng mua bán, vận chuyển ma túy với số lượng lên đến hàng trăm kilôgam, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho rằng, quy định xử lý hình sự cũng cần được sửa đổi để phù hợp với tình hình đấu tranh với tội phạm ma túy. Các cơ quan chức năng liên quan cần có sự tham gia trực diện hơn trong đấu tranh với tội phạm ma túy, thay cho việc chỉ phối hợp với lực lượng Công an như hiện nay.
Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển băn khoăn khi đặt người sử dụng ma túy vào vị trí người bệnh, nhưng nếu đặt người sử dụng ma túy vào vị trí của tội phạm thì lại thiếu nhân đạo. Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đồng tình với quan điểm, công tác phòng, chống ma túy cần được làm mạnh, cứng rắn, cương quyết, nghiêm khắc hơn.
“Đơn cử như đối với người mới nghiện ma túy thì có biện pháp khuyến khích, giúp đỡ cai nghiện, nếu tái nghiện lần thứ hai thì phải cưỡng chế cai nghiện, nếu tái nghiện lần thứ ba thì phải coi như là một loại tội phạm, cần thiết phải cách ly ra khỏi xã hội”, đồng chí Phùng Quốc Hiển nêu.
Một số ý kiến khác của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng cho rằng, không thể chờ đến khi người sử dụng ma túy gây án thì mới coi là tội phạm, mà phải xem việc sử dụng ma túy là vi phạm pháp luật.
Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu cho biết, qua các cuộc tiếp xúc cử tri, thực trạng về người nghiện ma túy nhiều hơn so với con số báo cáo. Do đó, cần đánh giá sâu, kỹ hơn việc đưa người hoàn thành cai nghiện về cộng đồng. Với nhiều trường hợp, việc cai nghiện là rất khó, có thể tái nghiện bất cứ lúc nào, gây ảnh hưởng đến an ninh, trật tự của địa phương.
Đồng quan điểm cai nghiện là vấn đề khó, đối tượng nghiện ma túy lại có nhiều thành phần, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc nêu quan điểm phải chú trọng công tác phòng ngừa từ xa, chứ không chờ đến lúc phát hiện nghiện mới đưa đi cai. Vai trò của chính quyền, cấp ủy, tổ chức đoàn thể địa phương là rất quan trọng trong theo dõi, kiểm soát người nghiện ma túy.
Kết luận phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí sự cần thiết sửa đổi Luật Phòng, chống ma túy để bảo đảm hiệu lực, hiệu quả của công tác phòng, chống ma túy trong tình hình mới.
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội yêu cầu các cơ quan soạn thảo, thẩm tra tiếp thu các ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để tiếp tục hoàn thiện dự thảo Luật trước khi trình Quốc hội tại kỳ họp thứ mười.