Nỗi lo thực phẩm ''handmade'' đóng hộp
Xã hội - Ngày đăng : 06:25, 12/09/2020
Hút khách vì tiện lợi
Gần đây, vì nhiều nguyên nhân, nhiều người chọn mua thực phẩm online, trong đó có dịch vụ đồ ăn “handmade”. Chị Nguyễn Thị Thùy Dung (ở Giảng Võ, Ba Đình) là một "tín đồ" của đồ ăn “handmade”. Chị cho biết, vì còn độc thân, gần đây lại thường xuyên hơn 19h mới về nên chị ít nấu ăn, thường đặt mua đồ ăn “handmade” online cho bữa tối. Dù kỹ tính trong chuyện ăn uống nhưng chị Dung khá yên tâm với đồ ăn “handmade” vì sản phẩm mà chị chọn mua đều do bạn bè, đồng nghiệp giới thiệu.
Tương tự, chị Dương Thị Kim Ngân (ở Dương Nội, Hà Đông) thường xuyên mua đồ ăn “handmade” như mắm tép chưng thịt, ruốc cá. Theo chị Ngân, loại sản phẩm này không những ngon mà giá cả cũng phải chăng. Nhà sản xuất chế biến cẩn thận, hút chân không, đóng hộp đẹp mắt. Chị Ngân nói: “Tôi tận mắt thấy quy trình chế biến nên rất yên tâm. Chưa kể, hiện đang trong thời kỳ dịch Covid-19 có diễn biến phức tạp nên tôi chọn mua thực phẩm “handmade”, hàng được ship tận nơi nên rất tiện”.
Có cung ắt có cầu, nhiều người hiện có thêm “nghề” làm thực phẩm “handmade” như kim chi, bánh bao, ruốc, nem... Ban đầu, đa số làm để phục vụ gia đình, bạn bè, sau đó, vì được nhiều người giới thiệu và đặt mua mà trở thành người bán hàng “chuyên nghiệp”.
Nguy cơ tiềm ẩn
Người tiêu dùng vẫn sẽ an tâm với sản phẩm thực phẩm thủ công nếu như gần đây không có chuyện hàng loạt người phải nhập viện sau khi sử dụng sản phẩm pate Minh Chay nhiễm khuẩn botulinum.
Nói về vụ việc trên, bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai, cho biết: “Vi khuẩn botulinum thường phát triển trong môi trường thiếu không khí như các loại đồ hộp, túi nilon hút chân không... Nếu việc chế biến không bảo đảm vệ sinh, vi khuẩn sẽ phát triển, gây độc tố”. Do đó, trong quá trình sản xuất, cần phải bảo đảm tiệt trùng dụng cụ ở nhiệt độ cao. Hầu hết các loại vi khuẩn bị tiêu diệt bằng cách đun sôi thông thường, nhưng để tiêu diệt các bào tử của vi khuẩn clostridium botulinum thì cần tạo nhiệt độ tới hơn 100oC. Quy trình này được các doanh nghiệp sản xuất thực phẩm quy mô lớn, có công nghệ và dây chuyền hiện đại thực hiện dễ dàng. Ngược lại, người dân chế biến thực phẩm đóng hộp bằng phương pháp thủ công ít có điều kiện thực hiện quy trình nói trên, dẫn đến nguy cơ thực phẩm nhiễm độc.
Theo Tiến sĩ Từ Ngữ, Tổng Thư ký Hội Dinh dưỡng Việt Nam, ngoài nguy cơ nhiễm khuẩn botulinum, người tiêu dùng cần thận trọng khi dùng sản phẩm “handmade” bởi có rất nhiều vấn đề về chất phụ gia, nấm mốc, nhiễm khuẩn mà cơ quan quản lý nhà nước không kiểm soát được, do sản phẩm được phân phối qua các kênh cá nhân. “Nguy hiểm nhất là không kiểm soát được nguyên liệu đầu vào. Mỗi gia đình làm sản phẩm “handmade” có kỹ thuật riêng, khó có thể kiểm soát được theo quy chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm. Chưa kể, các nguyên liệu như rau, củ, quả, đường, bột nằm trong danh mục cho phép nhưng khi làm trong điều kiện chật hẹp thì khó bảo đảm an toàn, không thể loại trừ nguy cơ gây ngộ độc”, Tiến sĩ Từ Ngữ nêu.
Chia sẻ về nguy cơ gây ngộ độc của thực phẩm thủ công, ông Nguyễn Duy Thịnh, Viện Công nghệ sinh học và thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội, cho rằng, ngoài nguy cơ nhiễm khuẩn, nhiều người sản xuất thực phẩm “handmade” có thói quen tận dụng vỏ hộp kim loại hoặc vỏ nhựa, như thế thì không bảo đảm chất lượng. Với vỏ đồ hộp làm bằng kim loại, thực phẩm có chứa axít hay dầu mỡ sẽ hòa tan và hấp thu kim loại rất nhanh, gây hại cho người dùng.
Các chuyên gia lưu ý: Chỉ nên sử dụng sản phẩm “handmade” nếu tự tay làm được, và thời gian sử dụng nằm trong khoảng từ 3 - 5 ngày; không dùng thực phẩm đóng hộp quá 24 giờ sau khi mở nắp; không nên sử dụng đồ hộp đã bị phồng ở 2 mặt. Mọi người nên mua sản phẩm “handmade” ở những cơ sở sản xuất uy tín có đăng ký kiểm định về chất lượng và điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm.