Phòng, chống đại dịch Covid-19: Nước Nga vững vàng vượt thử thách
Thế giới - Ngày đăng : 06:59, 12/09/2020
Tổng thống Nga Vladimir Putin trong cuộc họp về các vấn đề kinh tế ngày 10-9 đã đánh giá sự sụt giảm tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nước này do đại dịch Covid-19 ít hơn so với các quốc gia khác. Theo đó, trong quý II năm 2020, mức suy giảm GDP của Nga là 8,5%. Con số này thấp hơn so với Mỹ (giảm 9,5%) và Khu vực đồng tiền chung châu Âu (giảm 15%). Người đứng đầu Điện Kremlin cho rằng, thành tựu này không chỉ xuất phát từ cấu trúc của nền kinh tế, mà phần lớn là do các biện pháp có mục tiêu, trong đó quan trọng nhất là hỗ trợ kịp thời các tập thể lao động, doanh nghiệp và các ngành công nghiệp.
Theo đánh giá của giới chuyên môn, việc đạt thống nhất cao trong các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 và những giải pháp “tăng lực” cho nền kinh tế đã giúp Nga giải quyết hiệu quả các khó khăn nảy sinh. Mátxcơva hiện đã tung ra gói hỗ trợ 18 tỷ USD nhằm đưa đất nước vượt qua khó khăn và đang theo đuổi kế hoạch khôi phục nền kinh tế quốc gia sau đại dịch với ngân sách chi dự kiến lên tới 72 tỷ USD. Nhờ gói tài chính này, lĩnh vực dịch vụ và khối doanh nghiệp nhỏ của Nga thiệt hại ít hơn so với các nước khác. Mátxcơva đặt mục tiêu đạt tăng trưởng dương ít nhất 2,5% vào cuối năm 2021 - con số đáng ngưỡng mộ trong bối cảnh hiện nay.
Trên thực tế, những lệnh trừng phạt của phương Tây từ năm 2014 từng gây ảnh hưởng lớn đến nước Nga lại đang hỗ trợ quốc gia này trụ vững trước sóng gió. Mátxcơva đã xây dựng khoản dự trữ khổng lồ, lên tới 2.300 tấn vàng, đồng thời đủ khả năng tự cung ứng các mặt hàng thiết yếu cho người dân, đặc biệt là lương thực. Khi giá dầu thế giới chao đảo vì dịch bệnh, Nga cũng không bị ảnh hưởng nhiều do trước đó đã áp mức giá rất thấp mặt hàng này để cân đối ngân sách quốc gia. Điều đó giúp nguồn thu không bị ảnh hưởng khi giá dầu tụt sâu.
Sức sống bền bỉ của nền kinh tế Nga trước dịch Covid-19 có sự đóng góp rất lớn của những thành công trong công tác phòng, chống dịch bệnh. Sau khi ghi nhận ca nhiễm đầu tiên vào ngày 31-1-2020, tới đầu tháng 4, số ca mắc Covid-19 tại Nga đã vượt qua Trung Quốc. Tới tháng 6, nước này đã có hơn nửa triệu người nhiễm bệnh, mức cận kề hai quốc gia có số ca mắc lớn nhất thế giới là Mỹ và Brazil. Tuy nhiên, trong những tháng sau đó, tốc độ lây nhiễm đã chậm lại. Đầu tháng 9, số ca mắc Covid-19 tại Nga dù vượt ngưỡng 1 triệu, nhưng thấp hơn nhiều so với các điểm nóng về dịch bệnh khác.
Nga cũng thành công trong nghiên cứu phát triển vắc xin phòng bệnh và đã triển khai tiêm trên diện rộng vắc xin Sputnik V cho các tình nguyện viên từ ngày 10-9 vừa qua. Những diễn biến tích cực này đã tạo niềm tin lớn cho các nhà đầu tư và người tiêu dùng, qua đó bảo đảm được sự ổn định của nền kinh tế.
Những đối sách hiệu quả khiến hãng tin Bloomberg lạc quan rằng kinh tế Nga sẽ chỉ suy giảm 4,8% trong năm 2020, bằng một nửa so với lo ngại của Mátxcơva ở thời điểm dịch bệnh bắt đầu bùng phát. Ngân hàng Thế giới dự báo kinh tế Nga sẽ chạm mốc tăng trưởng 3,1% vào năm 2022. Thông tin này có cơ sở khi xứ Bạch dương hiện nằm trong số ít các nước có thuận lợi để phục hồi kinh tế sau đại dịch như giá trị nợ công nhỏ, tỷ lệ thất nghiệp thấp, thuế và phí thấp.
Thực tế này cũng mang lại niềm tin rằng nước Nga sẽ là một trong những yếu tố quan trọng đóng góp cho công cuộc tái thiết nền kinh tế toàn cầu sau khủng hoảng Covid-19.