Giới trẻ ''nghiện'' nhạc chế: Cần có sự định hướng
Giải trí - Ngày đăng : 06:20, 12/09/2020
Thuộc lòng nhạc chế
Gia đình nào có con, cháu đang đi học hẳn sẽ không lạ lẫm gì với việc các cháu thuộc lòng bài Sức mạnh sao đỏ của Hậu Hoàng, gương mặt “siêu hot” về làm clip nhạc chế. Tháng 10-2019, Hậu Hoàng cho ra mắt clip nhạc chế Sức mạnh sao đỏ (dựa trên nền nhạc ca khúc Ông xã em number one quen thuộc một thời), đáng kinh ngạc là chỉ sau hơn 1 tuần, clip này đã có tới 37 triệu lượt xem - vượt xa những ca sĩ có sản phẩm đầu tư công phu với lượng fan đông đảo. Hiện clip này đã có tới hơn 173 triệu lượt xem, một kỷ lục khó ai vượt qua, đưa Hậu Hoàng lên vị trí “nữ hoàng nhạc chế”.
Cô gái này đang sở hữu kênh YouTube với hơn 6,6 triệu lượt người đăng ký, có hàng chục clip nhạc chế thuộc dạng “nhiều triệu view”. Clip Chiếc ví thần của cô vừa ra mắt ngày 31-8, tính đến cuối tuần trước đã có hơn 8 triệu lượt xem, đứng thứ 2 trong top thịnh hành của YouTube và nhanh chóng trở thành “ca khúc cửa miệng” của nhiều bạn trẻ.
Không chỉ riêng Hậu Hoàng, hiện có nhiều người đầu tư mạnh cho các kênh nhạc chế như Thiên An, Di Di, Đỗ Duy Nam, Trung Ruồi... Theo thống kê của YouTube Rewind 2019, trong top 10 video được xem nhiều nhất tại Việt Nam có 3 video về nhạc chế: Những chị đại học đường (Hậu Hoàng, 93 triệu lượt xem), Sau sáu rưỡi (Trung Ruồi, 38 triệu lượt xem), Để Mị nói cho mà nghe parody (BB Trần, 18 triệu lượt xem). Bên cạnh đó, trên top thịnh hành của YouTube hằng tuần thường xuyên có sự xuất hiện của những ca khúc nhạc chế. Những con số trên cho thấy, có một bộ phận không nhỏ công chúng, đặc biệt là giới trẻ đang “nghiện” loại hình âm nhạc này.
Đại diện một công ty truyền thông chuyên làm nội dung trên YouTube đánh giá: Những năm gần đây, lĩnh vực nhạc chế phát triển nhanh, lượng view lớn nên thu hút rất đông nhà đầu tư và các đơn vị làm quảng cáo. Loại nhạc này thường ăn theo những ca khúc nổi tiếng, có phần nhạc “bắt tai” và được chế thêm phần lời hài hước nên dễ ảnh hưởng tới số đông. Tuy nhiên, số ca khúc nhạc chế có chất lượng, có ý nghĩa lại không nhiều.
Quản lý thế nào?
Thực tế, nhạc chế (thay đổi một phần hoặc toàn bộ ca từ của những ca khúc nổi tiếng theo cách hài hước) không phải đến bây giờ mới xuất hiện. Nhưng trước đây, nhạc chế thường “gói gọn” trong những sân chơi nhỏ, nằm trong các tiểu phẩm hài, mức độ phủ sóng cũng như sức ảnh hưởng thấp. Tuy nhiên, với sự phát triển mạnh mẽ của mạng xã hội, các clip nhạc chế hiện nay có sức ảnh hưởng không nhỏ, đặc biệt là với giới trẻ.
Chị Đỗ Ngọc (quận Đống Đa, Hà Nội) chia sẻ: “Bên cạnh những clip nhạc chế vui tai, đề cập đến các vấn đề xã hội một cách dí dỏm thì cũng có không ít ca khúc nhạc chế có ca từ rất phản cảm, nghe mà không cười nổi. Cách dùng từ kiểu “thằng điên/con điên”, “đồ khốn”..., thậm chí bậy bạ, xuất hiện rất nhiều, có cả trong những “clip triệu view”. Nội dung nhiều clip được chế theo hướng “giang hồ mạng”, thiếu lành mạnh nhằm câu view. Tôi rất lo ngại khi thấy con em mình thuộc lòng những ca khúc như vậy, điều đó sẽ ảnh hưởng nhiều đến ngôn ngữ cũng như cách hành xử của con trẻ”. Trên các diễn đàn, thậm chí ngay dưới phần bình luận của các clip nhạc chế trên YouTube cũng có không ít ý kiến cho rằng nhiều ca khúc nhạc chế đang “đầu độc” giới trẻ.
Vậy có thể quản lý nhạc chế được không? Theo YouTuber Hậu Hoàng, trước đây các YouTuber thường thích bài nào thì chế bài ấy, nhưng hiện nay, với sự quản lý chặt chẽ về bản quyền trên YouTube, hầu hết người chế nhạc đều phải xin phép tác giả, mua tác quyền ca khúc.
Nhạc sĩ Đinh Trung Cẩn, Tổng Giám đốc Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC) khẳng định: Muốn làm nhạc chế hay viết lời khác cho một tác phẩm thì phải được sự cho phép của tác giả hoặc chủ sở hữu tác phẩm. Như vậy, nếu mỗi nghệ sĩ nắm bản quyền ca khúc gốc chặt chẽ hơn trong việc quyết định cho ai chế ca khúc của mình, chế như thế nào thì sẽ hạn chế được những “chế phẩm” âm nhạc kém chất lượng gây ảnh hưởng tới thẩm mỹ âm nhạc của cộng đồng.