Nước Anh rời khỏi Liên minh châu Âu: Nguy cơ ''Brexit không thỏa thuận''

Thế giới - Ngày đăng : 06:40, 13/09/2020

(HNM) - Tiến trình đàm phán về thỏa thuận cho mối quan hệ tương lai sau khi Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU), hay còn gọi là Brexit đang rơi vào bế tắc. Kết thúc vòng đàm phán lần thứ tám, hai bên không đạt được tiến triển tích cực nào. Những diễn biến mới nhất cho thấy nguy cơ nước Anh rời khỏi “mái nhà chung” châu Âu theo kịch bản "Brexit không thỏa thuận" hiện hữu.

Nguy cơ “Brexit không thỏa thuận” sẽ khiến mức thuế quan hàng hóa giữa EU và Anh được thực hiện theo các quy định của WTO.

Anh và EU bước vào vòng đàm phán thứ tám, từ ngày 8 đến 10-9-2020. Sự kiện này được xem là cơ hội cuối cùng để hai bên đạt được một thỏa thuận khung và có thể trình các nhà lãnh đạo ký kết tại Hội nghị Thượng đỉnh vào giữa tháng 10 tới, trước khi Quốc hội Anh, Nghị viện châu Âu và quốc hội các nước thành viên EU phê chuẩn. Tuy nhiên, tiến trình đàm phán gặp khủng hoảng mới do Anh có kế hoạch lật lại các nội dung của Thỏa thuận rút lui đã được ký kết năm 2019 với EU. Mâu thuẫn mới phát sinh liên quan chủ yếu tới vùng Bắc Ireland thuộc Anh, nơi có đường biên giới trên bộ duy nhất với Cộng hòa Ireland, một thành viên EU.

Theo Hiệp định "Ngày thứ sáu tốt lành" giúp chấm dứt nhiều thập kỷ xung đột ở Bắc Ireland, đường biên giới trên phải luôn luôn trong trạng thái mở. Để bảo đảm điều này, Thỏa thuận rút lui nêu rõ, một số quy định của EU sẽ được duy trì tại vùng Bắc Ireland sau khi Anh rời khỏi khối. Tuy nhiên, dự luật Thị trường nội địa - dự luật mới của Chính phủ Anh (vừa công bố hôm 9-9-2020) lại bác bỏ thỏa thuận trên.

Theo dự luật này, hàng hóa từ Bắc Ireland đi sang đảo Anh (England, Scotland và xứ Wales) sẽ không phải khai báo hải quan và Bắc Ireland cũng sẽ không chịu sự ràng buộc bởi những quy định về trợ cấp nhà nước của EU sau khi thời gian chuyển tiếp của tiến trình Brexit kết thúc. Những điểm này bị cho là vi phạm điều khoản Bắc Ireland trong Thỏa thuận rút lui mà Thủ tướng Anh Boris Johnson ký với EU hồi tháng 10 năm ngoái và đã được cơ quan lập pháp hai bên phê chuẩn để nước Anh rời khỏi EU vào ngày 31-1 vừa qua.

Thủ tướng Anh Boris Johnson khẳng định dự luật Thị trường nội địa sẽ bảo vệ việc làm và nền hòa bình cho vùng Bắc Ireland, đồng thời cho rằng dự luật này là cần thiết để bảo đảm giao thương giữa các vùng England, Scotland, xứ Wales và Bắc Ireland diễn ra thuận lợi khi giai đoạn chuyển tiếp kết thúc vào cuối năm nay.

Tuy nhiên, dự luật này vấp phải sự phản đối mạnh mẽ từ EU và trở thành một nút thắt mới khiến cuộc đàm phán hậu Brexit càng cam go. Chia sẻ trên Twitter, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen bày tỏ "quan ngại sâu sắc trước những tuyên bố từ Chính phủ Anh về việc vi phạm Thỏa thuận rút lui một cách có chủ ý".

Phát biểu sau vòng đàm phán thứ tám về quan hệ đối tác mới với Vương quốc Anh tại London, Trưởng đoàn đàm phán Brexit của EU Michel Barnier cho biết, EU đã thể hiện sự linh hoạt trước yêu cầu từ phía Anh về các vấn đề nghề cá và tư pháp tại Tòa công lý châu Âu cũng như nhiều lĩnh vực khác, song Anh đã không thể hiện thiện chí đối với các nguyên tắc và lợi ích cơ bản của EU.

Trong thông cáo ngày 10-9, EC đã ra tối hậu thư yêu cầu Chính phủ Anh rút lại dự luật Thị trường nội địa vào cuối tháng 9, nhấn mạnh EU “sẽ không do dự” sử dụng luật pháp nếu yêu cầu này không được đáp ứng. Tuy nhiên, Anh đã thẳng thừng từ chối.

Theo các nhà phân tích, nguy cơ việc Anh rời khỏi “mái nhà chung” châu Âu theo kịch bản “Brexit không thỏa thuận” đang dần hiện hữu. Nếu điều đó xảy ra, cả Anh và EU sẽ phải thực hiện theo các quy định của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) từ ngày 1-1-2021. Khi đó, các mức thuế quan sẽ cao hơn và các doanh nghiệp của hai bên có thể phải đối mặt với nhiều thủ tục phiền hà, ảnh hưởng lớn tới hoạt động thương mại và đầu tư.

Thùy Dương