Kênh quảng bá cho hàng Việt Nam

Kinh tế - Ngày đăng : 06:21, 13/09/2020

(HNM) - Mở rộng thêm nhóm sản phẩm, dịch vụ bình chọn; điều chỉnh về quy chế bình chọn nhằm bảo đảm tính khách quan và phù hợp với xu hướng phát triển của xã hội là những điểm mới trong chương trình bình chọn “Hàng Việt Nam được người tiêu dùng yêu thích” năm 2020. Phóng viên Báo Hànộimới đã có cuộc trao đổi với bà Trần Thị Phương Lan, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội, Trưởng ban Tổ chức chương trình bình chọn để tìm hiểu rõ hơn về chương trình năm nay và những hoạt động liên quan.

Sản phẩm nhận danh hiệu “Hàng Việt Nam được người tiêu dùng yêu thích” năm 2020 sẽ được hỗ trợ vào hệ thống phân phối hiện đại. Trong ảnh: Khách mua nông sản ở Trung tâm thương mại Aeon Mall (quận Long Biên).

- Bà có thể cho biết về nội dung chương trình bình chọn “Hàng Việt Nam được người tiêu dùng yêu thích” năm 2020?

- Năm 2020 là năm thứ 11 thành phố Hà Nội tổ chức chương trình bình chọn “Hàng Việt Nam được người tiêu dùng yêu thích”. Thời gian qua, Ban Chỉ đạo cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” thành phố Hà Nội đã liên tục mở rộng đối tượng tham gia, cải tiến và cập nhật các hình thức bình chọn, tạo dựng kênh thông tin khách quan, truyền tải thông điệp ưu tiên dùng hàng Việt Nam đến người tiêu dùng và doanh nghiệp.

Năm 2020, chương trình bình chọn gồm các chuỗi hoạt động như: Công bố danh sách sản phẩm và tổ chức bình chọn trực tuyến qua website binhchonhangviet.com.vn; tổ chức bình chọn trực tiếp tại các điểm công cộng, hội chợ, doanh nghiệp, đồng thời giải đáp thông tin chương trình trên Tổng đài 024.1081. Từ ngày 6 đến 8-11, sẽ trưng bày, giới thiệu các sản phẩm, dịch vụ được người tiêu dùng yêu thích tại khu nhà Bát Giác, Vườn hoa Lý Thái Tổ thuộc quận Hoàn Kiếm…

- Vậy những điểm mới của chương trình năm nay là gì, thưa bà?

- Chương trình năm nay sẽ triển khai bình chọn trên 12 nhóm sản phẩm, dịch vụ, tăng một nhóm so với năm 2019 và mở rộng phạm vi của một số nhóm sản phẩm, dịch vụ. Trong đó, 8 nhóm sản phẩm là: Ngành hàng tiêu dùng; sản phẩm công nghiệp; xây dựng, trang trí nội thất; dược phẩm, hóa mỹ phẩm; giáo dục - đào tạo; thủ công mỹ nghệ; hàng nông sản thực phẩm; các sản phẩm của Chương trình mỗi xã một sản phẩm (đây là nhóm mới được bổ sung). 4 nhóm dịch vụ gồm: Ngân hàng; vận chuyển; du lịch, nhà hàng, khách sạn, nghỉ dưỡng trong đó có mở rộng lĩnh vực nhà hàng, khách sạn, nghỉ dưỡng; truyền thông, viễn thông, công nghệ - thông tin trong đó có mở rộng lĩnh vực viễn thông, công nghệ - thông tin.

Các sản phẩm được bình chọn năm 2020 sẽ được Ban Tổ chức trao giấy chứng nhận, được sử dụng danh hiệu “Hàng Việt Nam được người tiêu dùng yêu thích” trong truyền thông, quảng bá sản phẩm và được tham gia trưng bày, giới thiệu trên các ấn phẩm, các hội chợ, triển lãm thương mại của thành phố; hỗ trợ đưa hàng vào hệ thống phân phối hiện đại, thúc đẩy xuất khẩu.

- Bà có thể cho biết, các sản phẩm tham gia bình chọn được xét điểm như thế nào?

- Về biểu điểm xét bình chọn sản phẩm, dịch vụ, Ban Tổ chức vẫn giữ nguyên thang điểm 100, với 14 tiêu chí chấm điểm, trong đó 7 tiêu chí cho doanh nghiệp và 7 tiêu chí cho sản phẩm, dịch vụ. Tuy nhiên, Ban Tổ chức đã điều chỉnh tỷ lệ mức tăng doanh thu, nộp ngân sách, lợi nhuận sau thuế, thu nhập bình quân 5%/năm sẽ được tính 1 điểm thay vì 10% được 1 điểm như năm 2019. Các yếu tố về chất lượng, giá cả, bao bì đóng gói thân thiện môi trường và sức ảnh hưởng thị trường của sản phẩm, dịch vụ được đánh giá tối đa 10 điểm thay vì mức 5 điểm; các yếu tố về dịch vụ chăm sóc khách hàng và các chứng nhận giải thưởng được quy định tối đa 5 điểm thay vì 10 điểm như năm 2019.

- Sau 10 năm triển khai chương trình, đã có gần 800 lượt sản phẩm được bình chọn. Điều này có ý nghĩa như thế nào đối với các doanh nghiệp tham gia, thưa bà?

- Qua 10 năm tổ chức, nhiều sản phẩm “Hàng Việt Nam được người tiêu dùng yêu thích” được Ban Tổ chức hỗ trợ kết nối vào các hệ thống phân phối hiện đại và xuất khẩu. Việc này không chỉ giúp doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất, xây dựng thương hiệu, mà còn góp phần phát triển kinh tế trên địa bàn thành phố; đồng thời giúp người tiêu dùng tiếp cận mặt hàng có chất lượng cao. Đặc biệt năm nay, trước những ảnh hưởng của dịch Covid-19, thì đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng của thành phố nhằm kích cầu tiêu dùng nội địa.

- Từ nay đến cuối năm 2020, ngoài chương trình bình chọn “Hàng Việt Nam được người tiêu dùng yêu thích”, thành phố sẽ tiếp tục triển khai những chương trình gì nhằm hỗ trợ doanh nghiệp khắc phục khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh, thưa bà?

- Trong những tháng cuối năm 2020, thành phố sẽ tiếp tục triển khai cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” và chương trình bình ổn thị trường. Bên cạnh đó, thành phố tập trung triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất hàng Việt Nam theo hướng nâng cao chất lượng và sức cạnh tranh; phát triển thương mại điện tử, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ để truy xuất nguồn gốc sản phẩm…

Thành phố cũng chỉ đạo tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các đối tượng sản xuất, kinh doanh trái pháp luật, đầu cơ, găm hàng, tăng giá; lợi dụng chính sách ưu đãi, kích cầu, khuyến khích tiêu dùng hàng Việt Nam để trục lợi, kinh doanh, tiêu thụ hàng lậu, hàng giả…

- Trân trọng cảm ơn bà!

Thanh Hiền