Tăng cường trách nhiệm

Góc nhìn - Ngày đăng : 06:16, 14/09/2020

(HNM) - Năm học mới 2020-2021 đã bắt đầu, vấn đề bảo đảm an toàn giao thông cho học sinh lại thu hút sự chú ý của dư luận xã hội. Câu hỏi đặt ra là làm thế nào để con đường đến trường của học sinh được thuận lợi và an toàn?

Những năm qua, công tác bảo đảm an toàn giao thông cho học sinh luôn được thành phố Hà Nội quan tâm, chỉ đạo. Điều này thể hiện rõ qua việc các cấp, ngành cùng tham gia bảo đảm trật tự trước cổng trường học; ngoài các buổi học ngoại khóa, an toàn giao thông được đưa vào giảng dạy chính khóa cho học sinh các cấp. Đồng thời, lực lượng Cảnh sát giao thông triển khai các chuyên đề tuyên truyền, xử lý hành vi vi phạm Luật Giao thông đường bộ đối với học sinh… Những giải pháp trên đã góp phần hình thành, nâng cao ý thức, văn hóa giao thông trong lứa tuổi học trò.

Không thể phủ nhận kết quả đã đạt được, song cũng cần nhìn nhận những tồn tại. Đó là không khó để bắt gặp cảnh học sinh chen chúc, lưu thông lộn xộn trước cổng trường sau giờ tan học; học sinh đi xe máy, xe đạp điện không đội mũ bảo hiểm. Thậm chí, nhiều học sinh vượt đèn đỏ; đi đường dàn hàng ba, hàng tư. Đáng nói, không ít phụ huynh còn giao xe máy có dung tích xi lanh trên 50cm3 cho con khi chưa đủ tuổi điều khiển…

Trước thềm năm học mới 2020-2021, ngày 31-8-2020, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Văn bản số 4171/UBND-ĐT chỉ đạo các sở, ngành chức năng và địa phương thực hiện nhiều biện pháp trong "Tháng cao điểm an toàn giao thông cho học sinh đến trường" (tháng 9-2020). Tuy vậy, việc bảo đảm an toàn giao thông cho học sinh không chỉ diễn ra trong một tháng, mà phải là việc làm thường xuyên, liên tục.

Để làm tốt công tác này, mấu chốt đó là tạo ý thức tự giác chấp hành pháp luật về giao thông trong mỗi học sinh. Do vậy, lực lượng Cảnh sát giao thông cần thường xuyên kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp học sinh vi phạm Luật Giao thông đường bộ; duy trì việc thông báo định kỳ danh sách các trường hợp vi phạm đến nhà trường để cùng phối hợp quản lý, giáo dục.

Với chính quyền cơ sở, ngoài bố trí lực lượng hỗ trợ bảo đảm an toàn giao thông ở các cổng trường cũng cần tăng cường kiểm tra, xử lý các điểm trông giữ xe không phép quanh trường, nhất là trường hợp trông giữ xe máy có dung tích xi lanh trên 50cm3 của học sinh...

Với các nhà trường, cần tăng cường trách nhiệm trong việc quản lý, bao quát, kịp thời nhắc nhở, hướng dẫn các phương tiện giao thông di chuyển trong khuôn viên trường đúng quy định. Nếu có hợp đồng xe ô tô đưa, đón học sinh phải lựa chọn đơn vị cung cấp dịch vụ có uy tín, lái xe thực hiện nghiêm Luật Giao thông đường bộ... Cùng với đó là đa dạng hóa các hoạt động sinh hoạt ngoại khóa, đổi mới hình thức giảng dạy, tuyên truyền, giáo dục pháp luật giao thông phù hợp tâm lý, lứa tuổi của học sinh nhằm đạt kết quả cao nhất.

Ý thức của học sinh phụ thuộc rất nhiều vào gia đình. Do đó, việc phụ huynh cần làm đó là gương mẫu thực hiện nghiêm các quy định khi tham gia giao thông; thường xuyên giáo dục, nhắc nhở con em mình chấp hành nghiêm Luật Giao thông đường bộ; kiên quyết yêu cầu con em mình đội mũ bảo hiểm khi ngồi trên xe gắn máy, xe đạp điện; không giao cho con em mình sử dụng xe máy có dung tích xi lanh trên 50cm3 khi chưa đủ tuổi.

Hình thành ý thức tham gia giao thông an toàn cho học sinh từ nhỏ không kém việc dạy kiến thức nên rất cần được coi trọng. Muốn vậy, giải pháp căn cốt vẫn là tăng cường trách nhiệm, tăng cường phối hợp giữa nhà trường, gia đình và xã hội trong việc quản lý, giáo dục học sinh.

Thế Đan