Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với lũ muộn
Công nghệ - Ngày đăng : 07:23, 14/09/2020
Nguy cơ thiếu nước ngọt và xâm nhập mặn
Số liệu quan trắc ghi nhận ngày 10-9-2020 cho thấy, nước lũ mới đổ về một số nơi vùng đầu nguồn Đồng bằng sông Cửu Long là các tỉnh An Giang, Đồng Tháp. Dù nước về muộn gần 2 tháng so với những năm trước, nhưng mực nước thấp. Ông Võ Văn Út, nông dân ở phường Thuận An, quận Thốt Nốt (thành phố Cần Thơ) cho biết: “Nước lũ thấp, về muộn sẽ gây khó khăn cho nông dân trồng lúa, cây ăn quả và nuôi trồng thủy sản”.
Theo dự báo của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, khả năng đỉnh lũ năm 2020 sẽ xuất hiện vào cuối tháng 9 và mực nước cao nhất năm trên sông Tiền (tại Tân Châu) và sông Hậu (tại Châu Đốc) có thể thấp hơn đỉnh lũ trung bình nhiều năm, từ 0,2 đến 0,4m. Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Anh Tuấn, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu (Trường Đại học Cần Thơ) nhận định: “Trước tình trạng nước lũ về muộn, mực nước thấp như hiện nay, mùa khô tới đây, Đồng bằng sông Cửu Long sẽ đối mặt với nguy cơ thiếu nước ngọt”.
Nước lũ thấp, về muộn còn khiến cho Đồng bằng sông Cửu Long đối mặt với nguy cơ xâm nhập mặn tại các địa phương ven biển khi triều cường. Theo Đài khí tượng thủy văn khu vực Nam Bộ, từ nay đến cuối năm 2020, Đồng bằng sông Cửu Long sẽ xuất hiện 4 đợt triều cường (mỗi tháng xuất hiện một đợt). Cụ thể, đợt triều cường đầu tiên sẽ xuất hiện từ ngày 18 đến 21-9; các đợt triều cường kế tiếp lần lượt xuất hiện từ ngày 15 đến 19-10; từ ngày 14 đến 18-11 và từ ngày 13 đến 17-12. Độ cao của các đợt triều cường này có thể chạm mức kỷ lục vào ngày 18-10, nếu trùng với kỳ hoạt động của gió chướng.
Tiến sĩ Hoàng Văn Thắng, nguyên Thứ trưởng Bộ NN& PTNT, Chủ tịch Hội Đập lớn Việt Nam cho biết: “Để chủ động ứng phó, về lâu dài các địa phương vùng Đồng bằng sông Cửu Long cần chuyển dịch sản xuất, đặc biệt là sản xuất nông nghiệp thích ứng với tình hình mới”.
Chủ động thích ứng với điều kiện tự nhiên
Nhận định sớm tình hình mùa lũ năm 2020 sẽ xuất hiện muộn, mực nước thấp, để chủ động thích ứng, bảo đảm sản xuất nông nghiệp được duy trì ổn định, Bộ NN&PTNT đã chỉ đạo các địa phương vùng đầu nguồn sông Cửu Long tranh thủ xuống giống sớm, tăng diện tích trồng lúa vụ thu đông. Các tỉnh hạ nguồn, ven biển tăng cường tích trữ nước ngọt và chuyển đổi vật nuôi, cây trồng phù hợp với độ mặn tăng cao khi triều cường lấn sâu vào nội đồng. Theo đó, Đồng bằng sông Cửu Long có thể sản xuất 800.000ha lúa thu đông năm 2020 tăng 75.800ha so với cùng kỳ; sản lượng ước đạt 4,4 triệu tấn, tăng 492.000 tấn so với năm 2019.
Những ngày qua, nông dân Đồng bằng sông Cửu Long đã xuống giống khoảng 600.000ha và sẽ dứt điểm gieo sạ vào giữa tháng 9-2020. Tại tỉnh đầu nguồn An Giang, Giám đốc Sở NN& PTNT Nguyễn Sĩ Lâm, cho hay: “Chúng tôi lên kế hoạch sản xuất hơn 161.500ha lúa thu đông. Đến nay xuống giống được 106.000ha, số diện tích còn lại đang tiếp tục gieo sạ…”. Hay tại tỉnh Bạc Liêu đã có kế hoạch chủ động mở rộng diện tích trồng giống lúa ST24 và ST25 của kỹ sư Hồ Quang Cua và cộng sự (từng lọt vào tốp 3 “gạo ngon thế giới”). Đây là giống lúa chịu mặn và tiêu thụ tốt, kết hợp với nuôi tôm tại các vùng đồng đất có độ mặn cao, gồm các huyện Hồng Dân, Phước Long và một phần thị xã Giá Rai, trên tổng diện tích khoảng 60.000ha (chiếm 51,47% diện tích nuôi trồng toàn tỉnh). Ông Lý Thanh Tuấn, nông dân xã Vĩnh Phú Tây, huyện Phước Long (tỉnh Bạc Liêu) phấn khởi nói: “Vụ lúa trên đất tôm vừa rồi tôi gieo sạ gần 2ha giống lúa ST24. Lúa phát triển tốt, đồng đều, ít sâu bệnh; bán được với giá cao nên thu nhập cũng tăng đáng kể”.
Ngành Nông nghiệp tỉnh Đồng Tháp đang có kế hoạch xả lũ trên 56.000ha vào đồng ruộng vùng Đồng Tháp Mười, lấy phù sa ở những huyện đầu nguồn. Trong khi đó, các tỉnh Kiên Giang, An Giang đã phối hợp thực hiện chương trình sinh kế mùa lũ và tạm trữ nước ở vùng Tứ giác Long Xuyên. Theo đó, hai địa phương sẽ xây dựng lịch xuống giống lúa xen kẽ nhau, tránh trường hợp nông dân 2 tỉnh đồng loạt lấy nước phục vụ sản xuất vào cùng thời điểm, dẫn đến cạn kiệt nguồn nước trên các dòng sông nội đồng.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Anh Tuấn, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu (Trường Đại học Cần Thơ) nhận định: "Để ứng phó với biến đổi khí hậu, các tỉnh, thành phố vùng Đồng bằng sông Cửu Long đã và đang đẩy mạnh công tác quy hoạch vùng. Các tỉnh có diện tích đất lúa lớn đang tiến hành giảm bớt diện tích độc canh cây lúa, chuyển sang các mô hình canh tác tiết kiệm nước và có giá trị nông sản cao hơn như lúa - màu/ cây ăn trái, hoặc lúa - tôm, hoặc các mô hình đa canh, xen canh khác, nhằm mang lại hiệu quả cao nhất".