Nâng chất lượng phát triển đô thị

Kinh tế - Ngày đăng : 06:05, 24/11/2022

(HNM) - Việt Nam được đánh giá là có quá trình đô thị hóa diễn ra nhanh với mức tăng trung bình khoảng 0,53%/năm. Các đô thị đã và đang là động lực phát triển quan trọng của các vùng miền và cả nước. Tuy nhiên, sự phát triển của các đô thị còn nhiều yếu tố chưa bền vững. Vì vậy, các chuyên gia khuyến nghị, Việt Nam cần đổi mới cơ chế, chính sách để nâng chất lượng phát triển đô thị.

Chính sách đô thị quốc gia sẽ tập trung ưu tiên phát triển và cải tạo không gian xanh, không gian công cộng. Ảnh: Nguyễn Quang

Còn nhiều yếu tố chưa bền vững

Cục trưởng Cục Phát triển đô thị (Bộ Xây dựng) Trần Quốc Thái cho biết, phát triển đô thị là quy luật khách quan của xã hội. Tại Việt Nam, đô thị đã có lịch sử hình thành, phát triển lâu đời, trải qua nhiều giai đoạn thăng trầm. Đến tháng 9-2022, cả nước đã có 888 đô thị, là nơi sinh sống của khoảng 41,5% dân số cả nước. Đô thị hóa và phát triển đô thị tại Việt Nam đã có những đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo và nâng cao chất lượng sống của người dân khi kinh tế đô thị đóng góp khoảng 70% tổng sản phẩm nội địa (GDP) của cả nước. Đặc biệt, sau các tác động mạnh của thiên tai và dịch bệnh thời gian qua, các đô thị cũng là những nền tảng trung tâm, hình thành các cơ hội mới, cung cấp những giải pháp thúc đẩy hoạt động phục hồi.

Tuy nhiên, theo Tiến sĩ Nguyễn Quang, cố vấn cao cấp, nguyên Giám đốc Chương trình định cư con người của Liên hợp quốc tại Việt Nam (UN-Habitat Việt Nam), một loạt vấn đề cũng đã xuất hiện từ quá trình đô thị hóa nhanh chóng này. Đó là nhiều đô thị thiếu cơ sở hạ tầng và dịch vụ cơ bản; thiếu nhà ở phù hợp với khả năng chi trả của đa số người dân cũng như phát sinh các vấn đề: Ô nhiễm không khí, suy thoái môi trường, ùn tắc giao thông. Bên cạnh đó, tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu cũng đang làm trầm trọng thêm những thách thức ở đô thị... Thực tế, mưa lớn và ngập lụt đang ngày càng phổ biến và gia tăng trong mùa mưa tại nhiều đô thị.

Tiến sĩ Nguyễn Đăng Mậu (Tổ chức Hợp tác phát triển Đức GIZ) cho rằng, các đô thị đang ngày càng dễ bị tổn thương do thiên tai. “Một trận mưa to khoảng 1-2 tiếng ở Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh cũng có thể gây ngập nhiều khu vực đô thị. Một trận nắng nóng kéo dài cũng gây ra những ảnh hưởng nghiêm trọng về sức khỏe của người dân và độ bền của công trình...”, ông Nguyễn Đăng Mậu nói.

Người dân xem đồ án Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng tại trụ sở UBND quận Hoàn Kiếm. Ảnh: Triệu Hoa

Để đô thị phát triển bền vững

Theo Tiến sĩ Nguyễn Quang, quá trình đô thị hóa và phát triển đô thị bền vững không tự diễn ra mà phải nhờ hoạch định và thực hiện chính sách. Do đó, chính sách đô thị quốc gia phải tập trung vào các ưu tiên thiết thực như: Thiết kế và áp dụng mô hình đô thị bền vững cả về hình thái lẫn mật độ (mô hình đô thị nén) nhằm hạn chế việc phát triển đô thị thiếu kiểm soát làm lãng phí tài nguyên; kết nối đô thị qua các hành lang giao thông và thúc đẩy sản xuất tập trung để tận dụng lợi ích quy mô kinh tế; phát triển các khu đô thị có mật độ cao (chứ không phải các khu đô thị “ma”), tái tạo và phục hồi các khu ở, khu trung tâm xuống cấp, hạn chế mở rộng đô thị vào các vùng nông thôn qua xác định ranh giới đô thị; phát triển và cải tạo không gian xanh, không gian công cộng... “Cách hiệu quả nhất để giải quyết những cơ hội và thách thức trong phát triển đô thị là thúc đẩy áp dụng các giải pháp xanh, thông minh, lấy người dân làm trung tâm”, Tiến sĩ Nguyễn Quang nói.

Còn Giám đốc quốc gia cơ quan Phát triển Pháp (AFD) tại Việt Nam Hervé Conan cho rằng, các cơ quan chính quyền phải quản lý đất đai theo một khuôn khổ nghiêm ngặt hơn với những công cụ pháp chế cả về mặt quy hoạch chiến lược và áp dụng trong thực tiễn đô thị hóa, với mục tiêu hạn chế phát triển đô thị dàn trải; có quy hoạch chiến lược dài hạn cho phép bảo vệ quỹ đất có thể xây dựng, đồng thời xác định những khu vực không thể xây dựng. Khung pháp lý quốc gia và quy hoạch địa phương gắn kết chặt chẽ với nhau thông qua sự kết hợp đồng bộ giữa các văn bản pháp lý và công cụ quy hoạch.

Đô thị hóa và phát triển đô thị cần nguồn lực lớn. Nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Hùng Võ cho rằng, đất đai là nguồn lực chủ yếu để phát triển và chỉnh trang đô thị. Theo đó, các thành phố cần có giải pháp hợp lý để tạo giá trị tăng thêm của đất và thu được các giá trị tăng thêm này, như: Cải cách hệ thống thuế về bất động sản; sử dụng công cụ thuế đánh vào giá trị đất đai tăng thêm tại các khu vực đang có những dự án phát triển hạ tầng; đánh thuế sử dụng, sở hữu, chuyển nhượng đất, tài sản gắn liền với đất và các loại thuế có liên quan khác; thu từ hình thức chuyển dịch đất đai khi tái thiết, chỉnh trang đô thị... 

Theo các chuyên gia, kinh nghiệm ở một số quốc gia phát triển cho thấy, có thể tạo nguồn lực phát triển đất đai, nhà ở, đô thị theo nguyên tắc thị trường, tức là Nhà nước đầu tư hoàn thiện hạ tầng, trên cơ sở kinh doanh, thu hồi giá trị gia tăng của đất đai nơi có đường giao thông đi qua nhằm tái đầu tư vào hạ tầng và tiện ích xã hội. Bên cạnh đó, các thành phố cần bảo đảm quyền tài sản thông qua đăng ký đất đai và có hệ thống cho phép cập nhật định kỳ thông tin tài sản và quyền sở hữu tài sản. Qua công cụ này có thể tạo ra nhiều doanh thu hơn từ thuế tài sản và hướng các nguồn lực đó vào việc cải thiện nhà ở cho người dân hay bù đắp thu nhập cho chủ sở hữu thông qua các mô hình tái cấu trúc đất đai.

Dạ Khánh