Hàn Quốc - một điển hình phát triển kinh tế ban đêm

Du lịch - Ngày đăng : 15:20, 15/09/2020

(HNNN) - Những năm gần đây, nhiều quốc gia trên thế giới đã phát huy rất tốt các ngành dịch vụ về đêm để tối đa hóa nguồn thu và tăng cường sức hút đối với khách du lịch. Theo thống kê, kinh tế ban đêm (Night Time Economy - NTE) mang lại 102 tỷ USD cho Australia mỗi năm, đóng góp tới 6% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Vương quốc Anh. Tại châu Á, ngoài Thái Lan, Đài Loan (Trung Quốc), một điển hình không thể không nhắc tới trong phát triển NTE là Hàn Quốc.

Một góc chợ đêm Bupyeong khi dịch Covid-19 chưa xuất hiện.

Không ít quốc gia trên thế giới đã nhận ra kinh tế ban đêm là cỗ máy “hái ra tiền”. Nhìn vào những “thành phố không ngủ” như Ibiza, Madrid (Tây Ban Nha), London (Anh), New York, Las Vegas (Mỹ)..., không khó để thấy mẫu số chung thu hút khách du lịch là sự đa dạng về trải nghiệm thông qua hoạt động giải trí, văn hóa, mua sắm, đặc biệt là khi đêm về. Nhiều nghiên cứu cho thấy, những trải nghiệm đa dạng về đêm tại Madrid đã giữ chân mỗi du khách quốc tế lưu trú tại thành phố này trung bình là 1 tuần và “móc hầu bao” chi tiêu khoảng 219 euro/ngày. Còn tại thủ đô London của Vương quốc Anh, nếu chú trọng phát triển, khu vực kinh tế ban đêm có thể đóng góp gần 30 tỷ bảng Anh vào đầu năm 2030, cao hơn 15% so với hiện nay.

Cùng với xu thế du lịch chung và nhu cầu tất yếu cần có trong cuộc sống hiện đại, các chợ đêm tại Hàn Quốc lần lượt ra đời. Bupyeong (hay Kkangtong) là khu chợ đêm đầu tiên được mở tại xứ Kim chi vào cuối năm 2013. Tọa lạc ở thành phố cảng Busan sôi động, Bupyeong nổi tiếng với những mặt hàng nhập khẩu được đóng gói sẵn, đúng như tên gọi Kkangtong - có ý nghĩa là “đồ hộp”, rất tiện lợi để khách du lịch mua về làm quà. Món ăn nổi tiếng tại chợ Kkangtong là món bánh cá. Bên cạnh đó là rất nhiều gian hàng bày bán các món ẩm thực của nhiều quốc gia như Việt Nam, Trung Quốc, Thái Lan, Nhật Bản... Vì là khu chợ đêm mở cửa tất cả các ngày trong tuần nên chợ Bupyeong rất đông khách, đặc biệt là vào mùa du lịch cao điểm của Hàn Quốc, mang tới nguồn thu không nhỏ cho địa phương.

Sau sự thành công của Bupyeong, mô hình chợ đêm nhanh chóng được nhân rộng ra nhiều thành phố khác của Hàn Quốc. Tới thời điểm hiện tại, riêng thủ đô Seoul đã có hàng trăm chợ đêm, phục vụ nhu cầu mua sắm, tham quan, ăn uống... của người dân và du khách, khiến thành phố này thực sự trở nên sống động vào lúc thành phố lên đèn. Một trong những điểm đến đáng chú ý nhất là Dongdaemun - khu chợ đêm lớn nhất của Hàn Quốc.

Với hơn 20 khu mua sắm lớn như Migliore, Doota và Mesa, Dongdaemun luôn đông khách ở mọi lứa tuổi, quốc tịch. Khu chợ có diện tích rộng nhưng lại rất ngăn nắp do được quy hoạch, quản lý tốt. Tại đây, luôn có các nhà thiết kế trẻ tài năng liên tục cho ra những mẫu thiết kế thời trang mới nhất làm say mê giới trẻ Seoul. Mọi người cũng có thể đến Dongdaemun để thưởng thức một bữa ăn tối bổ dưỡng tại một nhà hàng ẩm thực địa phương hoặc lang thang cả đêm để khám phá ẩm thực đường phố. 

Theo Tổ chức Du lịch Hàn Quốc (KTO), ngoài đóng góp về mặt kinh tế, việc mở rộng các hoạt động thương mại về đêm cũng được kỳ vọng góp phần làm giảm tỷ lệ tội phạm lợi dụng thời điểm “tối lửa, tắt đèn” để manh động.

Hiện tại, KTO đang xây dựng kế hoạch thúc đẩy các chương trình du lịch đêm với sự hợp tác của chính quyền địa phương nhằm thu hút thêm nhiều khách du lịch nước ngoài và vực dậy ngành “công nghiệp không khói” sau khi dịch Covid-19 được kiểm soát. Tổ chức này cho biết, Hàn Quốc có môi trường tốt để phát triển các chương trình du lịch ban đêm vì nước này nổi tiếng với những con phố an toàn và các cửa hàng mở cửa 24 giờ có mặt trên toàn quốc. Tăng cường các chuyến tham quan ban đêm sẽ góp phần tăng mức tiêu dùng và tạo ra nhiều việc làm hơn.

Để chuẩn bị cho kế hoạch này, KTO đã bắt đầu thiết kế nội dung du lịch đêm cho từng khu vực và tạo danh bạ điểm du lịch trên các phần mềm ứng dụng cho điện thoại thông minh. KTO cũng sẽ tổ chức một diễn đàn quốc tế về du lịch đêm và xây dựng các chương trình Tuần du lịch theo chủ đề. Đối với khách du lịch nước ngoài, các tài liệu quảng cáo bằng tiếng Anh, tiếng Trung và tiếng Nhật sẽ được in ấn và phân phối.

Ông Ha Sang-seok, một thành viên KTO, cho biết: “Đã có nhiều chương trình du lịch về đêm hấp dẫn ở đây như tham quan các cung điện cổ và chợ. Chúng tôi sẽ tiếp tục nghiên cứu thêm những tuyến du lịch táo bạo hơn và xem xét các cách thức bảo đảm an toàn cho du khách. Điều này cần sự hợp tác của chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng để loại bỏ sự rủi ro trong hoạt động kinh doanh du lịch đêm”.

Giáo sư Jeong Ran-soo (Khoa du lịch Đại học Hanyang - Seoul), cho biết: “Phân tích của chúng tôi cho thấy, các chương trình du lịch về đêm đã giúp giữ chân du khách nước ngoài ở lại lâu hơn. Nếu phát huy tốt những thế mạnh của NTE, nền kinh tế của mỗi quốc gia sẽ có thêm được một mũi nhọn quan trọng”. Nói một cách khác, đó thực sự là nguồn lợi khổng lồ được “đánh thức”.

Phương Chi