Châu Phi đối diện nguy cơ bùng phát sốt rét do muỗi châu Á
Thế giới - Ngày đăng : 08:39, 15/09/2020
Chủng muỗi Anopheles gambiae là tác nhân chính dẫn đến sự lây lan của bệnh sốt rét ở Lục địa đen. Loài côn trùng này chủ yếu xuất hiện tại những khu vực nông thôn do không thích ứng với môi trường thành thị.
Tuy nhiên, theo Channel News Asia ngày 15-9, trong một nghiên cứu mới được công bố trên tạp chí của Viện Hàn lâm khoa học quốc gia Mỹ (Proceedings on the National Academy of Sciences), nhà côn trùng học Marianne Sinka đến từ Đại học Oxford (Anh) đã lập biểu đồ về sự lây lan của Anopheles stephensi, một chủng muỗi khác có nguồn gốc từ châu Á. Kết quả cho thấy, chủng muỗi này thường chui qua khe nứt của các bể chứa nước, đặc biệt là loại làm từ gạch và xi măng. Đây là cách chúng sinh sôi tại những khu vực đô thị trung tâm. Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, các khu vực đô thị mật độ cao với thời tiết nắng nóng và lượng mưa dồi dào là môi trường sống ưa thích của chủng muỗi Anopheles stephensi.
Dựa trên nghiên cứu này, 44 thành phố với các điều kiện như trên là những địa điểm thích hợp cho loài côn trùng này sinh sôi, khiến thêm 126 triệu người dân châu Phi chủ yếu sống xung quanh các vùng xích đạo có nguy cơ cao mắc bệnh sốt rét.
Năm 2012, Anopheles stephensi đã gây ra một đợt bùng phát bệnh sốt rét lớn tại Djibouti, nơi mà căn bệnh này hầu như không tồn tại. Kể từ đó, chủng muỗi này đã xuất hiện tại Ethiopia, Sudan và một số nơi khác.
Không giống như muỗi châu Phi thường hoạt động vào ban đêm, chủng muỗi Anopheles stephensi có thể hoạt động vào buổi tối, khiến việc sử dụng màn trở nên kém hiệu quả. Vì vậy, lắp lưới chống muỗi trên cửa sổ, phun thuốc diệt côn trùng và che phủ cơ thể là những cách tốt hơn để chống chủng muỗi này. Về lâu dài, biện pháp hữu hiệu nhất là diệt lăng quăng, dọn nước đọng và đậy kín các bể chứa nước.