Phát triển hợp tác xã nông nghiệp ở Hà Nội: Chủ động tháo gỡ bất cập

Nông nghiệp - Ngày đăng : 06:07, 15/09/2020

(HNM) - Qua gần 3 năm Hà Nội triển khai Đề án phát triển 15.000 hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã nông nghiệp hoạt động có hiệu quả đến năm 2020 (theo Quyết định số 461/QĐ-TTg ngày 27-4-2018 của Thủ tướng Chính phủ), có thể thấy, hiệu quả kinh tế - xã hội mang lại là rất lớn. Tuy nhiên, thực tế triển khai bộc lộ một số bất cập, đòi hỏi các cấp, ngành chức năng cần chủ động có giải pháp tháo gỡ, từ đó thúc đẩy khu vực kinh tế hợp tác xã phát triển năng động, bền vững hơn.

Nhiều hợp tác xã nông nghiệp của Hà Nội đã ứng dụng công nghệ cao, liên kết theo chuỗi, mang lại hiệu quả kinh tế hàng tỷ đồng/năm. Trong ảnh: Dây chuyền đóng gói rau tại Hợp tác xã Rau quả sạch Chúc Sơn (huyện Chương Mỹ). Ảnh: Nguyễn Quang

Những nhân tố điển hình

Hợp tác xã Sản xuất, kinh doanh dịch vụ nông nghiệp xã Tam Hưng (huyện Thanh Oai) được chuyển đổi theo Luật Hợp tác xã năm 2012, hiện có hơn 2.500 xã viên. Là đơn vị đầu tiên của Hà Nội xây dựng chuỗi liên kết sản xuất lúa gạo với nhãn hiệu gạo thơm Bối Khê, đến nay, hợp tác xã có gần 700ha trồng lúa theo tiêu chuẩn VietGAP, hiệu quả kinh tế đạt 180-200 triệu đồng/ha. Xã viên Hoàng Thị Lý, thôn Văn Khê (xã Tam Hưng) chia sẻ: "Gia đình tôi có gần 2ha trồng lúa đạt tiêu chuẩn VietGAP, mỗi năm thu về hơn 300 triệu đồng. Điều đáng mừng là gạo đều được thu mua hết sau khi thu hoạch".

Từ việc đổi mới hoạt động, chọn hướng sản xuất rau, củ, quả ứng dụng công nghệ cao, Hợp tác xã Sông Hồng (xã Đại Mạch, huyện Đông Anh) đã đầu tư xây dựng 1.500m2 nhà phủ màng công nghệ của Israel, đạt doanh thu hơn 600 triệu đồng/năm. Giám đốc Hợp tác xã Sông Hồng Lê Văn Tám nhận định: "Chúng tôi đã phát huy vai trò, điểm mạnh của kinh tế tập thể, huy động sự tham gia của các thành viên trong việc gia tăng giá trị sản phẩm nông nghiệp".

Nói về hoạt động của hợp tác xã trên địa bàn, Trưởng phòng Tài chính - Kế hoạch huyện Đông Anh Nguyễn Anh Dũng thông tin: "Đông Anh hiện có 86 hợp tác xã liên kết với doanh nghiệp, 47 hợp tác xã ứng dụng công nghệ cao hoạt động hiệu quả. Hiện, trung bình mỗi thành viên hợp tác xã liên kết, ứng dụng công nghệ cao có thu nhập từ 6 triệu đồng/tháng trở lên". 

Còn theo Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Oai Nguyễn Trọng Khiển, hiện trên địa bàn huyện có 24 hợp tác xã đổi mới hoạt động. Qua đó, các hợp tác xã đều có phương án sản xuất kinh doanh hiệu quả, thu nhập đạt từ 400 triệu đồng đến hàng tỷ đồng/năm.

Đánh giá về việc triển khai Đề án phát triển 15.000 hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã nông nghiệp hoạt động có hiệu quả đến năm 2020 (Đề án), Giám đốc Sở NN& PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ cho rằng: “Từ năm 2018 đến hết năm 2020, toàn thành phố thành lập thêm 165 hợp tác xã nông nghiệp (đạt 165% so với chỉ tiêu được giao), nâng tổng số hợp tác xã nông nghiệp lên con số 1.225. Các hợp tác xã đang là những nhân tố điển hình trong phát triển nông nghiệp, nhiều hợp tác xã ứng dụng công nghệ cao, liên kết theo chuỗi cho hiệu quả kinh tế từ hàng tỷ đồng/năm trở lên”.

Chăm sóc đàn lợn giống tại Hợp tác xã Chăn nuôi tổng hợp Hòa Mỹ (huyện Ứng Hòa). Ảnh: Nhật Nam

Chủ động hỗ trợ hợp tác xã vươn lên

Mặc dù đạt được những kết quả tích cực, song thực tế, việc triển khai Đề án còn nhiều vướng mắc, bất cập.

Giám đốc Hợp tác xã Rau quả sạch Chúc Sơn (huyện Chương Mỹ) Hoàng Văn Khảm cho biết, nguồn vốn để mở rộng ngành nghề kinh doanh mới và phát triển các ngành nghề cũ rất thiếu, đặc biệt với các hợp tác xã muốn phát triển ứng dụng công nghệ cao. Còn theo Giám đốc Hợp tác xã Sản xuất, kinh doanh dịch vụ nông nghiệp xã Tam Hưng (huyện Thanh Oai) Đỗ Văn Kiên, việc thiếu quỹ đất và chưa hình thành được vùng sản xuất tập trung chính là rào cản để hợp tác xã phát triển bền vững. 

Trong khi đó, theo đánh giá của Sở NN&PTNT Hà Nội, một trong những vướng mắc lớn nhất hiện nay là giải thể các hợp tác xã đã ngừng hoạt động. Trong gần 3 năm qua, Hà Nội mới giải thể được 18 hợp tác xã nông nghiệp, còn 145 hợp tác xã chưa thực hiện giải thể do vướng mắc về thủ tục.

Để giải quyết những khó khăn nêu trên, từ thực tế hoạt động, Giám đốc Hợp tác xã Sông Hồng Lê Văn Tám (xã Đại Mạch, huyện Đông Anh) cho rằng, ngoài sự hỗ trợ của thành phố, các địa phương, bản thân các hợp tác xã phải chủ động xây dựng phương án sản xuất, kinh doanh phù hợp thực tế.

Ở góc độ các ngành chức năng và địa phương, nhiều giải pháp chủ động tháo gỡ bất cập, hỗ trợ các hợp tác xã vươn lên trong sản xuất kinh doanh đã, đang được triển khai.

Theo đó, các huyện Hoài Đức, Ứng Hòa, Đông Anh, Thanh Oai… đã chủ động bố trí quỹ đất theo quy hoạch về phát triển nông nghiệp. Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Oai Nguyễn Trọng Khiển cho biết, huyện đã quy hoạch vùng lúa, vùng rau, vùng cây ăn quả phù hợp với địa bàn từng xã nhằm phát huy tối đa hiệu quả sản xuất. Còn theo Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Anh Nguyễn Xuân Linh, huyện sẽ tập trung hỗ trợ các hợp tác xã đẩy mạnh xúc tiến thương mại, quảng bá, giới thiệu và xây dựng thương hiệu.

Về việc giải thể hợp tác xã hoạt động không hiệu quả, Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ cho biết, Sở sẽ kiến nghị thành phố sớm có chính sách giải quyết dứt điểm. Sở cũng kiến nghị bổ sung vốn điều lệ cho Quỹ Hỗ trợ phát triển hợp tác xã nhằm kịp thời hỗ trợ vốn cho hợp tác xã, nhất là các đơn vị sản xuất theo chuỗi giá trị, công nghệ cao; đồng thời tiếp tục tạo điều kiện để các hợp tác xã tiếp cận nguồn vốn vay, bình đẳng như các thành phần kinh tế khác.

“Thời gian tới, thành phố Hà Nội sẽ tiếp tục triển khai hiệu quả Đề án. Từ đó, giúp các hợp tác xã nâng cao năng lực, sản xuất kinh doanh hiệu quả, mang lại thu nhập và việc làm cho thành viên”, ông Chu Phú Mỹ nhấn mạnh.

Đỗ Minh