Nhà văn Vũ Tú Nam: Còn mãi Mùa xuân tiếng chim!

Văn hóa - Ngày đăng : 11:46, 18/09/2020

(HNMCT) - Nhà văn Vũ Tú Nam, nguyên Tổng Thư ký Hội Nhà văn Việt Nam khóa IV đã rời xa chúng ta vào ngày 9-9 vừa qua ở tuổi 92. Nhớ về ông là nhớ về một gương mặt lớn của văn học nước nhà với những tình cảm gần gũi và thương mến, và mãi còn đó như tên gọi một tác phẩm của ông - Mùa xuân tiếng chim...

1. Với nhà văn Vũ Tú Nam, tôi là kẻ hậu sinh. Nhưng tôi sớm biết tên tuổi ông qua văn chương. Cũng là do cơ duyên khi cuối năm 1974, sau khi tốt nghiệp khoa Ngữ văn, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, tôi chính thức được giữ lại làm trợ giảng. Tôi được thụ giáo một người thầy đáng kính, tài hoa nghệ sĩ - thầy Hoàng Như Mai. Giáo trình đại học tôi tiếp thu để lên lớp sau hai năm là Văn học Việt Nam 1945 - 1960. Thầy Hoàng Như Mai và thầy Trần Hữu Tá viết giáo trình về giai đoạn văn học này, đã in thành sách. 

Nhưng lên lớp mà chỉ đọc giáo trình của người đi trước là chưa đủ, phải có thực tiễn văn học. Theo lời khuyên của thầy hướng dẫn, tôi vào Thư viện Quốc gia đọc tài liệu. Quan trọng nhất là Tạp chí Văn nghệ (1948 - 1954).

Dạo đó tài liệu còn ít, phương tiện photocopy chưa có, nên muốn tích lũy được “bột” thì chỉ còn cách ghi chép. Tôi “gặp” nhà văn Vũ Tú Nam trên Tạp chí Văn nghệ thời kháng chiến chín năm là như thế. Rồi đọc rộng ra và ghi chép cẩn thận nội dung chính tập truyện Bên đường 12 của ông (tác phẩm được giải Nhất về văn xuôi của Trại Văn nghệ Lam Sơn, Liên khu Bốn, 1950). Tuy chất ký sự còn trội nhưng những truyện Bên đường 12, Sau trận núi Đanh, Nhân dân tiến lên có cái tươi nguyên của chất liệu sống, theo cách diễn đạt của nhà văn Nguyễn Đình Thi là “ròng ròng sự sống” (dễ nhìn thấy cả trong các tác phẩm của những “nhà văn binh nhì” như Từ Bích Hoàng, Hồ Phương, Siêu Hải, Sao Mai...).

Sáng tác của nhà văn Vũ Tú Nam thời ban đầu được gọi một cách trìu mến là thuộc dòng “văn học bộ đội” (về sau gọi là “văn nghệ quân đội”). Tôi quan sát thấy một thực tế: Các nhà văn mặc áo lính thường “hòa mạng” vào văn học dân tộc nhanh nhạy, trong những thời kỳ chuyển biến lịch sử quan trọng họ thường là những người tiên phong đổi mới văn học. Trong số hơn 10 tác phẩm văn xuôi của nhà văn Vũ Tú Nam, thấy chỉ có mấy tác phẩm đầu tiên gắn chặt với môi trường quân đội và khung cảnh chiến tranh, còn lại vươn ra xa, thẩm sâu vào đời sống rộng lớn của nhân quần: Kể chuyện quê nhà (1954), Thử thách thầm lặng (1971), Sống với thời gian hai chiều (1983), Mùa xuân tiếng chim (1985), Vũ Tú Nam 20 truyện ngắn (1994).

Vợ chồng nhà văn Vũ Tú Nam và cuốn Hồi ức tình yêu qua những lá thư riêng.

2. Vũ Tú Nam là ngòi bút có tình (có người gọi là “duy tình”). Quy luật sáng tạo nghệ thuật là quy luật tình cảm, lý lẽ của con chữ là lý lẽ của trái tim. Tôi không chỉ căn cứ vào 5 tập thơ của Vũ Tú Nam (theo tư liệu của nhà thơ Phạm Đình Ân trong bài Vũ Tú Nam - Nhà thơ, in trên Báo Văn nghệ số 35 - 36, ra ngày 29-8-2020) hay Hồi ức tình yêu (gồm 500 bức thư tình cùng người bạn đời Thanh Hương) có sức mê dụ người đọc hôm nay vốn thông minh nhưng khó tính và quá tỉnh táo.

Dẫu sao thì thơ và những bức thư này cũng chứa đựng nhiều điều riêng tư thầm kín, đôi khi là những bí mật cuộc đời được bạch hóa khi có điều kiện. Tôi muốn nói đến chất “duy tình” trong văn Vũ Tú Nam. Mùa xuân tiếng chim là một trong những truyện hay nhất của Vũ Tú Nam (được tuyển chọn vào bộ sưu tập 100 truyện ngắn hay Việt Nam, 3 tập, Nhà xuất bản Hội Nhà văn, 1997).

Truyện được viết theo dòng hồi ức, kể từ ngôi thứ nhất. Một câu chuyện buồn: Mẹ “tôi” có người bạn thân tên Mai, vì cảnh ngộ ngặt nghèo mà đã quyên sinh, để lại một cô con gái mới lên mười tuổi, tên Thu, em kém “tôi” bốn tuổi. Mẹ “tôi” nhận nuôi. Thu ốm yếu, cần được chăm sóc. Nhà có con gà mái đẻ được 13 trứng, “tôi” đem ra chợ bán 10, còn 3 quả để lại luộc cho em Thu bồi dưỡng sức khỏe. Nhưng hai anh em cứ nhường nhịn nhau...

Truyện Mùa xuân tiếng chim của nhà văn Vũ Tú Nam rất nhiều dư vị nên gợi nhiều liên tưởng. Khi “tôi” 18 tuổi, xa nhà đi làm gia sư. Một bận bị ốm, Thu đã tìm gặp chăm sóc. Sau đại thắng Điện Biên Phủ, “tôi” nhập ngũ, khoác bộ quân phục mới thơm mùi hồ. Sau hai năm “tôi” về thăm nhà. Lúc này Thu đã là một thiếu nữ thực thụ: “Sau bữa cơm, Thu dẫn tôi đi thăm các bạn bè và gia đình trong xóm. Hai đứa đi trong bóng tối dìu dịu mùi hoa xoan, hoa bưởi. Chốc chốc Thu đứng lại, hỏi tôi có nghe tiếng chim gọi vịt kêu không. Tôi bảo có. Thu nói, giọng rầu rầu: “Như tiếng ai gọi ấy, anh nhỉ...”. Thế là từ đấy, tiếng chim gọi vịt vời vợi khi xa, khi gần mùa xuân nào cũng gợi cho tôi nhớ đến Thu, một nỗi nhớ giằng xé gần như là một nỗi đau không bao giờ dứt”. Sau đó Thu lấy chồng (theo ý mẹ “tôi”, vả lại chồng Thu cũng là người con trai tốt).

Câu chuyện được nhân vật “tôi” kể lại cho một người bạn nhằm: “Để sống lại những kỷ niệm xa xưa”. Tôi nghĩ, một câu chuyện tình yêu trong chiến tranh, có nhiều phần éo le, nhiều chịu đựng được nhà văn kể lại với một thái độ bình tĩnh, san sẻ, đồng cảm. Trên hết là sự chắt chiu tình thương. Ai đó nói: “Cái đẹp có thể cứu rỗi thế giới”. Tôi thì nghĩ: “Tình thương có thể cứu rỗi thế giới”.  

3. Đọc văn của Vũ Tú Nam, tôi nghĩ đến một vấn đề căn cơ của “nghề” văn (đúng hơn là “nghiệp văn”), đó là văn hóa của nhà văn và sự phát triển văn học. Khi nói về văn hóa nhà văn, tôi nghĩ, cần trước hết nói về thái độ ứng xử của người nghệ sĩ ngôn từ đối với tiếng mẹ đẻ - tiếng Việt. Thế hệ nhà văn Vũ Tú Nam tất nhiên đều giỏi tiếng Pháp. Nhưng đọc văn ông tôi thấy đượm đà một lối văn thuần Việt. Quý vị hãy cùng tôi đọc lại một đoạn văn trong Mùa xuân tiếng chim: “Thu đã đón tôi một cách thật là bồng bột. Em đang vo gạo. Thấy tôi bước vào cổng, em quăng cả rá gạo, reo lên, chạy ù ra nắm chặt lấy hai tay tôi mà lắc (...). Bữa cơm tối đó, Thu hầu như không ăn mà chỉ ngồi nói chuyện líu lo và gắp cho tôi. Dưới ánh đèn, trông Thu càng đẹp. Người em dỏng cao, chắc lẳn; hai con mắt to, đen nhánh. Thu nhìn tôi, lộ rõ niềm vui rạng rỡ và sự cảm mến không che giấu”.

Tôi chưa đọc được nhiều thơ Vũ Tú Nam, theo nhà thơ Phạm Đình Ân thì ông đã in 5 tập thơ. Trong đó “có những tứ tuyệt tài hoa, chẳng kém là bao so với thơ của một bậc thầy nào đó”, kiểu như bài Thu đêm: “Trong đêm mơ anh đắp áo cùng em/ Gió bổi hổi - em nhìn anh náo nức.../ Gió xô cửa/ Một mình anh chợt thức/ Xa thật xa đơn chiếc mảnh trăng vàng”.

Văn hóa nhà văn còn thể hiện ở cách nhìn con người, cách đặt niềm tin vào nó dù trong bất kỳ cảnh ngộ nào, kể cả lúc bĩ cực nhất vẫn nhìn thấy thái lai. Dân gian có câu “Người ta là hoa của đất”. Nói thế là chạm đến “linh hồn” của con người như một tinh túy của trời đất, tạo hóa. Trong bài thơ Hai trong một, Vũ Tú Nam viết thật phóng khoáng: “Nằm cùng giường mà vẫn mơ thấy vợ/ Nhớ em đâu cứ lúc xa em/ Từng miếng ăn, bước đi, giấc ngủ/ Ta là hoa trong một linh hồn”.

Sự hình dung của tôi về nhà văn Vũ Tú Nam là thế, những gì được viết ra đều nương theo quy tắc “Văn là người”.

Nhà văn Vũ Tú Nam sinh năm 1929 trong một gia đình nhà nho tại huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định. Ông từng trải qua các vị trí công tác như Giám đốc Nhà xuất bản Tác phẩm mới, Tổng Thư ký Hội Nhà văn Việt Nam khóa IV, đại biểu Quốc hội khóa IX, Ủy viên Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam các khóa I, II, III, IV. Các tác phẩm chính đã xuất bản gồm 10 tác phẩm văn xuôi, thơ, thơ dịch và nhiều sáng tác khác. Các giải thưởng văn học: Giải Nhất văn xuôi năm 1950 cho tập truyện Bên đường 12, Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật đợt I năm 2001.

Bùi Việt Thắng