Vốn đầu tư phát triển kinh tế - xã hội khu vực đồng bào dân tộc thiểu số mới đạt 45% kế hoạch
Đời sống - Ngày đăng : 16:52, 18/09/2020
Theo Trưởng ban Dân tộc thành phố Nguyễn Tất Vinh, thời gian qua, mặc dù thành phố rất quan tâm bố trí nguồn vốn đầu tư theo Kế hoạch 138/KH-UBND ngày 15-7-2016 của UBND thành phố Hà Nội về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi của Thủ đô giai đoạn 2016-2020, nhưng đến nay, mức giải ngân còn hạn chế, mới chỉ đầu tư được 1.050 tỷ đồng/2.324 tỷ đồng, đạt khoảng 45% kế hoạch đề ra.
Trong đó, nhiều hạng mục thuộc lĩnh vực văn hóa, nước sinh hoạt, hỗ trợ phát triển sản xuất chưa được bố trí vốn, ảnh hưởng đến quá trình phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số. Bên cạnh đó, việc đầu tư thực hiện các chương trình, dự án còn dàn trải, công tác triển khai thi công kéo dài, nhất là các dự án về giao thông.
Theo đại diện các sở, ngành của thành phố, nguyên nhân là do chưa thu hút được nguồn lực của các doanh nghiệp, cộng đồng; kiến thức về khoa học - kỹ thuật của người dân các xã vùng đồng bào dân tộc còn hạn chế; phương thức sản xuất chủ yếu theo truyền thống nên hiệu quả không cao. Ngoài ra, chính sách đặc thù còn thiếu và doanh nghiệp khó tiếp cận nguồn tài nguyên đất đai để phát triển.
Kết luận buổi làm việc, Trưởng ban Văn hóa - Xã hội HĐND thành phố Nguyễn Thanh Bình đánh giá, khảo sát thực tế và tổng hợp từ báo cáo của các sở, ngành cho thấy, nhiều chỉ tiêu cơ bản đã được thực hiện đối với các xã vùng đồng bào dân tộc miền núi. Đáng chú ý, tỷ lệ hộ nghèo khu vực này giảm nhanh so với đầu nhiệm kỳ 2015-2020, cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, xuất hiện nhiều mô hình kinh tế hiệu quả.
Tuy nhiên, qua rà soát cũng cho thấy, thu nhập bình quân đầu người của bà con khu vực miền núi còn thấp, việc giảm nghèo chưa bền vững, có thể xuất hiện tái nghèo. Những dự án đầu tư vào khu vực này còn chậm tiến độ, hiệu quả giúp phát triển kinh tế, nâng cấp về cơ sở hạ tầng xã hội chưa cao.
Trước tình hình đó, đồng chí Nguyễn Thanh Bình đề nghị các sở, ngành, đặc biệt là Ban Dân tộc thành phố rà soát lại toàn bộ các chương trình, dự án để dự báo, tham mưu lập kế hoạch sát thực tế, có trọng tâm. Từ đó, nâng cao hiệu quả đầu tư vào khu vực dân tộc miền núi, góp phần củng cố khối đại đoàn kết toàn dân, giúp thành phố phát triển đa dạng.