Thành phố Hồ Chí Minh: ''Chạy nước rút'' với mục tiêu tăng trưởng
Kinh tế - Ngày đăng : 07:08, 18/09/2020
Các doanh nghiệp thích ứng với khó khăn
Năm nay, Công ty Nội thất Việt Products (trụ sở tại quận 2) nhận được đơn hàng 300 container đồ nội thất xuất khẩu đi Mỹ và châu Âu. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, đơn hàng giảm đến 30%. Để bù đắp, doanh nghiệp chuyển hướng sang tìm kiếm các thị trường mới, chắt chiu từng đơn hàng nhỏ hơn, đồng thời đẩy mạnh khai thác thị trường nội địa, tăng cường phân phối qua kênh thương mại điện tử… Giám đốc Công ty Nội thất Việt Products Nguyễn Văn Sang chia sẻ: “Nhờ chủ động tìm kiếm thị trường tiêu thụ thay thế, chúng tôi đã cơ bản duy trì được các hoạt động sản xuất, kinh doanh”.
Tương tự, để khắc phục khó khăn, Công ty TNHH Hitachi Vantara Việt Nam (trụ sở tại quận 12) đã đầu tư chuyển đổi số, giúp tối ưu hóa quy trình sản xuất. Nhờ vậy, công ty đã tiết kiệm chi phí, duy trì được đơn hàng và giữ nhịp độ tăng trưởng.
Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp thành phố Hồ Chí Minh Phạm Ngọc Hưng cho biết, những cách làm mang tính thích ứng như trên đã giúp nhiều doanh nghiệp vượt qua khó khăn. Không những thế, một số doanh nghiệp còn tăng trưởng khá tốt nhờ mạnh dạn thay đổi phương thức sản xuất kinh doanh, đổi mới sản phẩm.
Theo Sở Công Thương thành phố Hồ Chí Minh, trong 8 tháng năm 2020, dù bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, sản xuất công nghiệp của thành phố đã khởi sắc và dần phục hồi. Cụ thể, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 2,1% so với cùng kỳ năm 2019; trong đó, 4 ngành công nghiệp trọng yếu tăng 2,5% so với cùng kỳ, đặc biệt, ngành hóa chất - cao su - nhựa tăng 9,1%. Đây là tín hiệu lạc quan, tạo đà cho sự tăng trưởng cao hơn sau khi dịch bệnh được đẩy lùi.
Nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Hoàng Ngân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, để thúc đẩy phục hồi kinh tế trong điều kiện “bình thường mới”, thành phố Hồ Chí Minh cần tái cơ cấu nền kinh tế theo hướng ứng dụng công nghệ, khuyến khích doanh nghiệp chuyển đổi số, giảm thâm dụng lao động... Thời gian tới, các cấp chính quyền cần có nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp hơn nữa. Song song đó, chuẩn bị các điều kiện về đất đai, cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực để sẵn sàng đón nhận các dòng vốn đầu tư nước ngoài dịch chuyển, tập trung hướng vào các tập đoàn đa quốc gia sở hữu công nghệ cao, hiện đại, thân thiện với môi trường.
Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố Hồ Chí Minh Lê Thị Huỳnh Mai cho biết, để kinh tế thành phố tăng trưởng cao trong các tháng còn lại của năm 2020, thành phố đề ra nhiều nhóm giải pháp như: Triển khai hỗ trợ phát triển nhóm sản phẩm công nghiệp chủ lực và nhóm sản phẩm công nghiệp tiềm năng giai đoạn 2021-2025; triển khai gói hỗ trợ tín dụng lần hai cho các doanh nghiệp gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19; hướng dẫn, tập huấn về Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) nhằm giúp doanh nghiệp chủ động nắm bắt cơ hội, mở rộng thị trường, đẩy mạnh xuất khẩu. Bên cạnh đó, triển khai các cơ chế, chính sách khuyến khích, thúc đẩy khởi nghiệp, đổi mới công nghệ, hỗ trợ doanh nghiệp khôi phục, mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh…
Theo thống kê của Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố Hồ Chí Minh, trong 8 tháng năm 2020, thành phố có 26.543 doanh nghiệp được cấp phép thành lập mới, với tổng số vốn đăng ký là 562.199 tỷ đồng, giảm 6,75% số lượng doanh nghiệp, nhưng tăng 23,29% về vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2019. Điều này cho thấy “mạch máu” của nền kinh tế thành phố vẫn tiếp tục được khai thông.
Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong nhận định, mặc dù chịu ảnh hưởng không nhỏ của đợt bùng phát dịch Covid-19 mới đây, nhưng nhìn chung kinh tế thành phố đang có chiều hướng phục hồi và khả năng sẽ tăng trưởng cao trong quý IV-2020. Một trong những giải pháp quan trọng để thúc đẩy kinh tế thành phố tăng trưởng cao trong hơn 3 tháng cuối năm là đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công. Hiện, thành phố tập trung tháo gỡ điểm nghẽn về giải ngân vốn đầu tư công tại 2 ban trọng điểm, hút nguồn vốn đầu tư lớn là Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông và Ban Quản lý đường sắt đô thị thành phố.
“Kỳ vọng với việc giải ngân vốn đầu tư công đạt 95% trong năm 2020, kinh tế thành phố Hồ Chí Minh sẽ đạt mức tăng trưởng 5%”, ông Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh.