Ngân hàng số ''kết bạn'' với người cao tuổi
Tài chính - Ngày đăng : 06:22, 18/09/2020
Chưa có nhiều dịch vụ
Theo thống kê, cả nước hiện có 70 tổ chức tín dụng và các đơn vị trung gian thanh toán triển khai các dịch vụ thanh toán qua internet, điện thoại di động; giá trị giao dịch đạt hơn 7,3 triệu tỷ đồng. Tuy nhiên, phần lớn người cao tuổi chưa thể tiếp cận với các dịch vụ ngân hàng điện tử.
Theo bà Thúy Anh, nhân viên Hội sở Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn - Hà Nội (SHB), các dịch vụ ngân hàng điện tử chủ yếu hướng đến khách hàng trẻ, thông thạo công nghệ thông tin. Tương tự, tại các ngân hàng, như: Ngân hàng Thương mại cổ phần Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank), Ngân hàng Thương mại cổ phần An Bình (ABBank), Ngân hàng Thương mại cổ phần Kỹ thương Việt Nam (Techcombank), Ngân hàng Thương mại cổ phần Công thương Việt Nam (VietinBank), Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), thậm chí cả Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) - đơn vị thường được chọn chi trả lương hưu, cũng chưa có dịch vụ đặc thù cho người cao tuổi. Trong khi đó, các phương thức sử dụng đơn giản hơn nhằm tạo thuận lợi cho người cao tuổi cũng chưa được các ngân hàng triển khai.
Ông Lê Hồng Phong, thành viên Hội đồng quản trị LienVietPost Bank lý giải, người cao tuổi vẫn có thói quen sử dụng tiền mặt. Hầu hết những người cao tuổi đang nhận lương hưu qua thẻ ATM đều phải ra máy rút tiền tự động (cây ATM) để rút tiền mặt, mà chưa sử dụng các dịch vụ thanh toán khác (thanh toán tự động, chuyển khoản...). Việc các ngân hàng chưa có dịch vụ số riêng biệt để người cao tuổi dễ dàng tiếp cận, trong khi nhóm đối tượng này khó làm quen với công nghệ hiện đại, ít sử dụng điện thoại thông minh hay máy tính - càng khiến ngân hàng số cách biệt với người cao tuổi.
“Thực tế, ngoài sự tiện lợi, dịch vụ ngân hàng điện tử còn phải bảo đảm an toàn, bảo mật thông tin nên khó rút gọn các bước thao tác”, ông Lê Hồng Phong chia sẻ.
Theo Bảo hiểm xã hội Việt Nam, việc chi trả lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội qua tài khoản ngân hàng vẫn chiếm tỷ lệ thấp, chỉ đạt gần 30%.
Đẩy mạnh tuyên truyền, tạo thêm thuận lợi
Ông Nguyễn Đức Hồng, 75 tuổi, trú tại số 12A, khu tập thể 27/7, phố Mạc Thái Tổ (quận Cầu Giấy) cho biết: “Để dịch vụ ngân hàng điện tử đến được với người cao tuổi, theo tôi cần có những phương thức sử dụng đơn giản và tiện lợi hơn nữa. Có như vậy mới khuyến khích người cao tuổi thực hiện các giao dịch ngân hàng điện tử thay vì sử dụng tiền mặt như hiện nay”.
Còn bà Bùi Ngọc Minh, 68 tuổi, trú tại số 22/52 phố Tô Ngọc Vân (quận Tây Hồ) cho rằng: "Phương thức chi trả lương hưu qua thẻ ATM giúp người nhận tiết kiệm thời gian, bảo đảm an toàn trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp. Tôi thường xuyên sử dụng thẻ ATM để thanh toán tại các siêu thị, song các dịch vụ thanh toán trực tuyến khác thì vẫn khó tiếp cận do không thông thạo công nghệ. Theo tôi, các ngân hàng nên nghiên cứu phát hành thẻ riêng, với cách thức sử dụng đơn giản hơn".
Về vấn đề này, theo bà Nguyễn Thị Bằng, nguyên giảng viên Học viện Ngân hàng, việc nhận lương hưu và trợ cấp bảo hiểm xã hội qua thẻ ATM mang lại nhiều thuận tiện và an toàn cho người hưởng. Nhưng, không nên dừng lại ở kết nối cơ quan bảo hiểm xã hội và ngân hàng để chi trả lương, trợ cấp…, cần phải có hình thức để người cao tuổi có thể sử dụng thẻ để chi tiêu thay vì chỉ dùng thẻ để rút tiền tại cây ATM. Thực tế, việc sử dụng thẻ ATM để thanh toán không còn quá phức tạp. Hầu hết các siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng đều đặt máy thanh toán thẻ, và các nhân viên luôn sẵn sàng cà thẻ cho khách. Nhưng để người cao tuổi có thể hiểu và sử dụng thuận tiện nhất, các ngân hàng cần tuyên truyền mạnh hơn tới đối tượng này. Bên cạnh đó, nên triển khai thêm những dịch vụ riêng biệt phục vụ người cao tuổi.
Phó Giám đốc Bảo hiểm xã hội Hà Nội Đặng Đình Thuận cho biết, mục tiêu đến năm 2021, 50% người hưởng lương hưu trên địa bàn Thủ đô nhận lương qua thẻ ATM. Do đó, các ngân hàng cần phát triển mạng lưới máy thanh toán, tạo điều kiện thuận lợi cho nhóm khách hàng đặc biệt này. Nói về giải pháp khắc phục những hạn chế trong sử dụng dịch vụ ngân hàng điện tử đối với người cao tuổi, Tổng Giám đốc SHB Nguyễn Văn Lê thông tin: "Ngân hàng sẽ nghiên cứu dịch vụ số cho nhóm khách hàng này theo hướng dễ tiếp cận nhưng vẫn bảo đảm an toàn bảo mật".
Rõ ràng, nhóm khách hàng nhận lương hưu, trợ cấp bảo hiểm sẽ tiếp tục tăng đáng kể. Do đó, việc các ngân hàng triển khai dịch vụ trực tuyến cho người cao tuổi vừa bảo đảm hiệu quả kinh doanh, vừa thể hiện trách nhiệm xã hội, cần được khuyến khích đẩy mạnh.