Ưu tiên cho nghiên cứu, ứng dụng và phát triển công nghệ lĩnh vực năng lượng

Sản phẩm dịch vụ - Ngày đăng : 08:52, 19/09/2020

Đây là một trong các mục tiêu được nêu ra tại Diễn đàn công nghệ và năng lượng Việt Nam 2020 diễn ra ngày 17-9 tại Hà Nội.

Chương trình có sự đồng hành của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam, Tổng công ty cổ phần Dịch vụ kỹ thuật dầu khí Việt Nam, Tổng công ty cổ phần Vận tải dầu khí, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam, Công ty cổ phần Kỹ thuật công nghiệp Á Châu, Tổng công ty Dầu Việt Nam - CTCP…

Theo ông Đinh Thế Phúc, Vụ trưởng Vụ Năng lượng, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, về cơ chế, chính sách, cần tiếp tục hoàn thiện cơ chế khuyến khích phát triển các nguồn năng lượng tái tạo bảo đảm minh bạch, hài hòa lợi ích kinh tế - xã hội và môi trường; cơ chế hỗ trợ tài chính (cho vay lãi suất ưu đãi…), ưu đãi về thuế để thúc đẩy phát triển năng lượng xanh, sạch. Song song với đó, về khoa học công nghệ, sẽ phải tiến hành triển khai những chương trình nghiên cứu và phát triển tầm cỡ quốc gia về chuyển đổi năng lượng, năng lượng tái tạo, đồng thời xây dựng các phòng thí nghiệm trọng điểm hoạt động theo cơ chế mở nhằm tạo điều kiện làm việc tốt cho nhiều nhóm nghiên cứu tại các trường đại học và viện nghiên cứu chuyên ngành.

Ông Đinh Thế Phúc, Vụ trưởng Vụ Năng lượng, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp.

Trong giai đoạn vừa qua, ngành Năng lượng Việt Nam đã có bước phát triển nhanh, tương đối đồng bộ trong tất cả các phân ngành, lĩnh vực, bám sát định hướng và đạt được nhiều mục tiêu đáng ghi nhận. Ngành đã cung cấp năng lượng, đặc biệt là cung cấp điện, cơ bản đáp ứng đủ yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội với chất lượng ngày càng được cải thiện; chỉ số tiếp cận điện năng đứng thứ 27/190 quốc gia, vùng lãnh thổ; điện gió và điện mặt trời bắt đầu phát triển với tốc độ cao.

Các bài tham luận trong chương trình đã tập trung thảo luận về một số chính sách phát triển hạ tầng bền vững và nâng cao nội lực ngành Công nghiệp chế tạo, dịch vụ về năng lượng; chuyển dịch cơ cấu năng lượng gắn với phát triển năng lượng bền vững; phát triển hệ thống điện gắn với an ninh năng lượng quốc gia; hydro trong xu hướng chuyển dịch năng lượng và khả năng sản xuất hydro từ nguồn năng lượng tái tạo; ưu tiên tín dụng năng lượng công nghệ cao; thúc đẩy hợp tác quốc tế và nâng cao năng lực hoạch định chính sách phục vụ phát triển bền vững ngành Năng lượng Việt Nam, xu hướng công nghệ trong lĩnh vực năng lượng trên thế giới và khả năng ứng dụng tại Việt Nam.

Qua diễn đàn cho thấy, mặc dù đạt được nhiều kết quả ấn tượng nhưng việc bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia đang phải đối mặt với nhiều thách thức, vì vậy ứng dụng phát triển công nghệ là vấn đề cần được ưu tiên.

Diễm Quỳnh