Nỗi lo mất an toàn từ xe máy điện
Giao thông - Ngày đăng : 06:08, 19/09/2020
Tiềm ẩn nhiều nguy cơ
Với lợi thế gọn nhẹ, tốc độ di chuyển có thể lên đến 50km/h, số lượng xe máy điện, xe đạp điện lưu thông trên đường ngày càng tăng. Trong khi đó, theo Thiếu tá Phạm Ngọc Thành, Đội trưởng Đội Đăng ký quản lý phương tiện (Phòng Cảnh sát giao thông, Công an thành phố Hà Nội), theo quy chuẩn của Việt Nam, xe đạp điện được quy định tốc độ tối đa là 25km/giờ; xe máy điện 20-50km/giờ, tuy nhiên, nhiều xe được thiết kế có vận tốc cao hơn nhiều.
Theo khảo sát của phóng viên Báo Hànộimới, hiện có khá nhiều học sinh sử dụng xe máy điện, xe đạp điện, cùng với đó là tình trạng vi phạm quy tắc giao thông đường bộ.
Trưa 16-9 tại ngã tư phố Lê Thanh Nghị - Trần Đại Nghĩa, phường Đồng Tâm (quận Hai Bà Trưng), có nhiều học sinh Trường Trung học phổ thông Văn Hiến sau khi tan học đi xe máy điện, xe đạp điện dàn hàng 3, hàng 4. Anh Trần Tiến Thành, người dân phố Lê Thanh Nghị (quận Hai Bà Trưng) cho biết: "Đa phần các học sinh đều tháo bỏ gương xe, nhiều em không đội mũ bảo hiểm. Nguy hiểm hơn, nhiều em điều khiển xe quá tốc độ cho phép, gây nguy hiểm cho bản thân và người tham gia giao thông”.
Trong khi đó, ghi nhận giờ tan trường vào chiều 16-9 tại khu vực các cổng trường: Trung học phổ thông Nguyễn Thị Minh Khai (quận Bắc Từ Liêm), Trung học phổ thông Yên Hòa (quận Cầu Giấy), Trung học phổ thông Việt Đức (quận Hoàn Kiếm)... luôn có hàng chục chiếc xe đạp điện, xe máy điện do học sinh điều khiển không đội mũ bảo hiểm phóng với tốc độ rất nhanh.
Ngoài đối tượng học sinh, việc sử dụng xe máy điện, xe đạp điện khi tham gia giao thông cũng tiềm ẩn nguy cơ tai nạn đối với người cao tuổi. Ông Đỗ Văn Trung, phố Đào Tấn (quận Ba Đình) mua xe đạp điện hơn 10 triệu đồng để đi chợ, đưa đón cháu đi học. Tuy nhiên, ông Trung bỏ gương chiếu hậu, khi rẽ phải, hay trái đều không có thói quen bật đèn tín hiệu khi chuyển hướng (xi nhan). Hậu quả, cuối tháng 5-2020, ông bị xe máy đi đằng sau va quệt nhẹ vào đuôi xe và bị ngã gãy chân.
Vào cuộc quyết liệt, đồng bộ
Trung tá Trần Quang Vinh, Đội trưởng Đội Tuyên truyền, khám nghiệm điều tra tai nạn giao thông (Phòng Cảnh sát giao thông, Công an thành phố Hà Nội) cho biết, Ủy ban An toàn giao thông quốc gia và Hiệp hội Các nhà sản xuất xe máy Việt Nam vừa công bố học sinh trung học phổ thông có liên quan tới 90% tổng số vụ tai nạn giao thông ở trẻ em. Trong đó, có tới 55% số vụ tai nạn giao thông xảy ra với học sinh trung học phổ thông là do xe máy điện, xe đạp điện.
Cùng với việc ý thức kém của người điều khiển khi tham gia giao thông, điều đáng lo ngại là theo Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Hà Nội Chu Xuân Kiên, thời gian gần đây, xuất hiện trở lại tình trạng kinh doanh mặt hàng xe máy điện, xe đạp điện nhập lậu, có dấu hiệu giả mạo, không bảo đảm chất lượng, tiềm ẩn nguy cơ gây tai nạn giao thông. Trước tình trạng này, ngày 9-9, Cục đã ban hành Văn bản số 820/QLTTHN-NVTH về việc kiểm tra, kiểm soát xử lý vi phạm trong sản xuất kinh doanh mặt hàng xe máy điện, xe đạp điện...
Nói thêm về vấn đề này, Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Việt Nam Nguyễn Công Hùng cho rằng, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các lực lượng như cảnh sát kinh tế, hải quan, thuế, quản lý thị trường... trong kiểm tra chất lượng an toàn kỹ thuật và điều kiện kinh doanh xe máy điện, xe đạp điện được quy định tại Thông tư số 41/2013/TT-BGTVT ngày 5-11-2013 của Bộ Giao thông - Vận tải. Theo đó, các đơn vị chỉ được sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu, kinh doanh xe máy điện, xe đạp điện khi có đủ tiêu chuẩn, điều kiện và phải chịu trách nhiệm về nguồn gốc, xuất xứ, chất lượng.
Về vấn đề bảo đảm an toàn khi tham gia giao thông, theo Thiếu tá Đào Việt Long, Phó Trưởng phòng Cảnh sát giao thông (Công an thành phố Hà Nội), ngoài việc xử lý nghiêm theo quy định người điều khiển phương tiện vi phạm giao thông, trường hợp người vi phạm là học sinh sẽ gửi thông báo đến nhà trường để giáo dục. Đặc biệt là cần gắn trách nhiệm của gia đình cùng với nhà trường tuyên truyền, giáo dục học sinh tham gia giao thông đúng quy định của pháp luật.
Trước thực tế đặt ra, các cấp, ngành chức năng cần vào cuộc quyết liệt, đồng bộ để từng bước đưa công tác quản lý xe đạp điện, xe máy điện đi vào nền nếp, góp phần bảo đảm an toàn giao thông.