Nỗ lực tạo sức bật mới

Góc nhìn - Ngày đăng : 06:05, 20/09/2020

(HNM) - Những ca mắc Covid-19 trong cộng đồng tại Việt Nam vào cuối tháng 7-2020 khiến ngành Du lịch Thủ đô một lần nữa đối mặt với hàng loạt khó khăn. Điều đó khiến trong 8 tháng năm 2020, lượng khách đến Hà Nội giảm 67,3% so với cùng kỳ năm 2019; hoạt động của nhiều khách sạn, cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch bị ảnh hưởng lớn.

Tuy hoạt động trầm lắng, nhưng trong thời gian qua, các đơn vị, doanh nghiệp du lịch vẫn tìm cách làm mới sản phẩm của mình. Dựa vào thế mạnh riêng có của mình, các đơn vị quản lý điểm đến, doanh nghiệp lưu trú, lữ hành đã chủ động xây dựng kế hoạch, đưa ra những sản phẩm mới, mang tính đặc trưng của Hà Nội gắn với chương trình kích cầu hấp dẫn. Vì thế, sau khi dịch Covid-19 cơ bản được kiểm soát, ngành Du lịch Hà Nội đã triển khai ngay các kế hoạch. Điều ấn tượng là dù áp dụng chính sách ưu đãi, giảm giá..., nhưng các đơn vị đều nỗ lực bảo đảm chất lượng tour du lịch.

Đặc biệt, đón cơ hội phát triển khi các đường bay quốc tế được khởi động trở lại, ngành Du lịch Thủ đô đã có những điều chỉnh để vừa thỏa mãn nhu cầu của khách du lịch nội địa, vừa hấp dẫn được khách quốc tế. Trong đó, có những điểm nhấn như đẩy mạnh liên kết du lịch với các tỉnh, thành phố bạn; tăng tiện ích cho du khách ở các điểm du lịch như mở rộng diện phủ sóng wifi, du khách được vận chuyển bằng xe điện tại những điểm du lịch có không gian lớn...

Như vậy có thể thấy, việc chủ động lên phương án phục hồi cho ngành Du lịch đã được triển khai, song khó khăn trước mắt sẽ vẫn còn, đòi hỏi sự nỗ lực nhiều hơn nữa của ngành Du lịch cũng như cộng đồng doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này.

Trước mắt, ngành Du lịch tiếp tục thực hiện "mục tiêu kép": Vừa phòng, chống dịch, vừa phát triển kinh tế - xã hội. Dù triển khai các hoạt động kích cầu, sẵn sàng đón du khách, nhưng điều quan trọng nhất vẫn là không chủ quan trong phòng, chống dịch Covid-19. Theo đó, các biện pháp phòng, chống dịch phải được triển khai thường xuyên, ở mọi lúc, mọi điểm đến du lịch, cơ sở lưu trú... Thực hiện tốt việc này cũng chính là cách để bảo đảm điều kiện cho ngành Du lịch phát triển bền vững; là cách thể hiện thiết thực nhất thông điệp “Du lịch Việt Nam an toàn, hấp dẫn” mà Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vừa phát động.

Về phía các đơn vị trong ngành Du lịch Thủ đô, cần tiếp tục đa dạng hóa sản phẩm, dịch vụ du lịch, trong đó chú trọng tạo ra những sản phẩm đặc sắc, chất lượng cao, gắn với thương hiệu riêng có của đất Thăng Long - Hà Nội. Trong đó, có thể tiếp tục nghiên cứu thế mạnh của các tour trải nghiệm gắn với các di tích lịch sử, khai thác tiềm năng độc đáo về ẩm thực Hà thành... Đồng thời, các chương trình du lịch cần đa dạng, linh hoạt để đáp ứng được nhu cầu của nhiều đối tượng khách khác nhau.

Từ nay đến cuối năm 2020, tại Hà Nội sẽ diễn ra rất nhiều sự kiện lớn, quan trọng, đặc biệt là dịp kỷ niệm 1010 năm Thăng Long - Hà Nội, do đó các đơn vị hoạt động trong lĩnh vực du lịch cần tận dụng cơ hội, đẩy mạnh hoạt động quảng bá, giới thiệu điểm đến cho du khách. Các hoạt động kích cầu du lịch không chỉ thực hiện ở Hà Nội mà còn phải có tính lan tỏa ở các tỉnh, thành phố khác trong cả nước để tạo sự kết nối. 

Nhưng, bên cạnh nỗ lực tạo sức bật mới của ngành Du lịch, rất cần sự góp sức hưởng ứng của du khách Việt. Đó là cách thiết thực nhất để thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam” và góp phần đưa nền kinh tế của đất nước phát triển trong điều kiện bình thường mới.

Hoàng Hà