Khơi nguồn sáng tác kịch bản phim truyện
Giải trí - Ngày đăng : 06:16, 20/09/2020
Thiếu trầm trọng kịch bản hay
Chất lượng các kịch bản cho phim truyện điện ảnh luôn là tiêu chí hàng đầu khi đánh giá về nền điện ảnh Việt Nam. Theo Cục trưởng Cục Điện ảnh (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) Vi Kiến Thành, trong nhiều cái khó của điện ảnh Việt Nam hiện nay, thì trầm trọng nhất là thiếu kịch bản phim truyện hay, độc đáo, sâu sắc về nội dung tư tưởng, “chạm” được tới khán giả đương đại.
Điều đó có thể thấy rõ trong những năm gần đây, nhiều bộ phim sử dụng kịch bản cũ, hoặc phóng tác từ truyện cổ tích, thần thoại hay những tác phẩm văn học, sân khấu quen thuộc. Có thể kể đến như phim “Tấm Cám: Chuyện chưa kể”, “Trạng Quỳnh”, “Trạng Tí”, “Kiều”, “Số đỏ”… Song, điều đáng suy nghĩ nhất là nhiều đơn vị sản xuất đã phải mua bản quyền kịch bản từ các nước khác, như Hàn Quốc, Trung Quốc, Thái Lan…, rồi Việt hóa và sản xuất phim. Trong đó, có nhiều phim thu hút được sự quan tâm: “Em là bà nội của anh”, “Tháng năm rực rỡ”, “Ông ngoại tuổi 30”, “Bạn gái tôi là sếp”, “Tèo em”, “Sắc đẹp ngàn cân”…
Chị Tạ Minh Huyền (phường Ngọc Thụy, quận Long Biên) bày tỏ: “Có những phim tôi xem rất ấn tượng, nhưng về sau mới biết là được làm mới từ kịch bản nước ngoài. Điều này khiến tôi chạnh lòng, vì sao chúng ta thiếu những kịch bản hấp dẫn như thế?”.
Đó cũng là băn khoăn của những người hoạt động trong lĩnh vực điện ảnh. Phải chăng chúng ta thiếu lực lượng biên kịch điện ảnh, hay thiếu nhà biên kịch giỏi, thiếu nhà sản xuất có “con mắt xanh” để phát hiện được những kịch bản hay, hấp dẫn? Nhà biên kịch Đinh Thiên Phúc cho rằng, một trong những nguyên nhân là ít có những cuộc vận động, kích thích sáng tác để tạo nguồn cho điện ảnh Việt lựa chọn sản xuất.
“Cuộc thi sáng tác kịch bản với chủ đề “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh và kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội” do Cục Điện ảnh tổ chức cách đây hơn 10 năm đã thu được thắng lợi, khi kịch bản giải Nhất “Long Thành cầm giả ca” dựng thành phim đã đoạt giải Cánh diều vàng của Hội Điện ảnh Việt Nam, còn kịch bản giải Nhì “Những người viết huyền thoại” thành phim đoạt Bông sen vàng tại Liên hoan Phim Việt Nam. Nhiều kịch bản khác cũng được dàn dựng thành phim hay”, nhà biên kịch Đinh Thiên Phúc dẫn chứng.
Mong những “nguồn vốn” mới
Mới đây, Cục Điện ảnh phát động cuộc thi “Sáng tác kịch bản phim truyện điện ảnh năm 2020”, với mong muốn tạo nguồn kịch bản phim truyện điện ảnh cho Nhà nước đặt hàng sản xuất, giúp các đơn vị, dự án sản xuất phim có thêm sự lựa chọn. Ngay lập tức, cuộc thi nhận được sự hưởng ứng của giới nghề. Theo Ban tổ chức, đề tài cuộc thi khá rộng mở, chỉ cần nội dung hướng đến giá trị nhân văn, hướng thiện và bản sắc văn hóa Việt. Vì vậy, ngoài nội dung truyền thống như lịch sử, chiến tranh cách mạng, văn hóa dân tộc, thiếu nhi, thì những vấn đề của cuộc sống đương đại, văn hóa, con người Việt Nam trong thời đại mới cũng được chú trọng và chào đón.
Đích tới của cuộc thi sáng tác kịch bản phim truyện lần này là có nhiều sản phẩm hay, hấp dẫn. Nghệ sĩ nhân dân Phạm Nhuệ Giang cho rằng: “Kịch bản phải có vấn đề, có xung đột thì mới làm được phim hay. Nhiều kịch bản đề tài tốt, hướng đến sự nhân văn, nhưng nội dung “nhạt”, thoại sơ sài, thiếu “đất” cho nghệ thuật điện ảnh thăng hoa, thì phim có sản xuất cũng khó hấp dẫn”.
Cùng quan điểm, nhà biên kịch Trịnh Thanh Nhã chia sẻ: “Kịch bản hay phải đạt được 3 tiêu chí, đó là có yếu tố nghệ thuật điện ảnh, đáp ứng được nhu cầu của xã hội và có khả năng thu tiền từ khán giả. Hiện tại, nhiều bạn trẻ có sức viết tốt và ý tưởng mới nên cần những cuộc thi để họ không chỉ tranh giải, mà cọ xát và trưởng thành”. Đạo diễn Bùi Tuấn Dũng gợi ý thêm, các tác giả có thể khai thác vấn đề “nóng” hiện nay, như chống tham nhũng; bảo vệ chủ quyền biển đảo; phòng, chống tệ nạn xã hội… dễ tạo tình huống xung đột, gay cấn.
Ở khía cạnh khác, một trong những nỗi niềm của người sáng tác kịch bản hiện nay là “đầu ra”. Một kịch bản hay mà “xếp ngăn tủ”, thì vừa lãng phí, vừa không kích thích được sự sáng tạo. Cục trưởng Cục Điện ảnh Vi Kiến Thành cho biết, với cuộc thi lần này, những kịch bản được giải Nhất, Nhì sẽ ưu tiên đưa vào sản xuất theo đặt hàng của Nhà nước. Còn những kịch bản đoạt giải khác, Cục sẽ vận động các đơn vị tư nhân sản xuất.
Cục Điện ảnh dự kiến sẽ tổ chức cuộc thi sáng tác kịch bản phim truyện định kỳ 2 năm/lần, đồng thời khuyến khích các cơ quan, tổ chức nghề nghiệp, các nhà sản xuất tổ chức các cuộc vận động sáng tác kịch bản điện ảnh theo nhiều chủ đề khác nhau, nhằm tạo “nguồn vốn” mới, phong phú cho phim Việt.