Hà Nội: Các trường nghề gặp khó khăn trong tuyển sinh năm 2020
Tuyển sinh - Ngày đăng : 12:58, 24/09/2020
Tuyển sinh mới đạt 48,2% chỉ tiêu
Theo báo cáo của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội, năm 2020, mạng lưới 21 trường trung cấp, cao đẳng công lập thuộc thành phố đặt mục tiêu tuyển 18.735 người (7.980 chỉ tiêu hệ cao đẳng, 10.755 chỉ tiêu hệ trung cấp). Đến thời điểm này, các trường đã tuyển sinh được 2.514 người học trình độ cao đẳng, đạt 31,5% kế hoạch; 6.520 người học trình độ trung cấp, đạt 60,6%... Tính chung, kết quả tuyển sinh của 21 trường nghề công lập từ đầu năm 2020 đến nay mới đạt 48,2% chỉ tiêu.
Lý giải nguyên nhân tuyển sinh khối giáo dục nghề nghiệp còn thấp, bà Nguyễn Thanh Nhàn, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội cho rằng, năm nay, dịch Covid-19 làm ảnh hưởng đến nhiều mặt của đời sống xã hội, trong đó có hoạt động giáo dục nghề nghiệp. Công tác phân luồng, định hướng nghề nghiệp cho học sinh chưa nhận được sự quan tâm đúng mức. Việc gắn kết “bốn nhà”: Nhà nước - nhà trường - doanh nghiệp - gia đình nhằm bảo đảm đầu ra cho người học còn thiếu cơ chế ràng buộc, nên chưa có nhiều doanh nghiệp “mặn mà” tham gia.
Đồng tình với quan điểm nêu trên, ông Phạm Xuân Khánh, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng nghề Công nghệ cao Hà Nội phản ánh: “Đời sống của nhiều người lao động, nhiều gia đình gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19, dẫn đến một số người không thể học nghề. Chúng tôi nhận được đơn của một số gia đình đề nghị nhà trường tạo điều kiện cho học sinh, sinh viên được chậm đóng, giãn đóng học phí”.
Còn ông Phạm Quang Vinh, Hiệu trưởng Trường Trung cấp nghề Kinh tế - Kỹ thuật Bắc Thăng Long cho rằng: Trong bối cảnh dịch Covid-19, nhiều người lao động bị mất việc làm, số lao động hưởng trợ cấp thất nghiệp tăng lên, theo tính toán, nhóm đối tượng này sẽ có nhu cầu học nghề ngắn hạn để chuyển đổi nghề nghiệp và nhà trường sẽ rộng mở cơ hội tuyển sinh. Thế nhưng, trên thực tế, thị trường lao động không có nhiều cơ hội việc làm, khiến người lao động không định hướng được nên học nghề gì cho phù hợp. Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến công tác tuyển sinh của nhà trường.
Cần gỡ vướng bằng nhiều giải pháp
Nhiều năm qua, 21 trường nghề công lập được coi là “cánh chim đầu đàn” của mạng lưới giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn Hà Nội. Vì thế, công tác tuyển sinh năm 2020 của các nhà trường gặp khó khăn vừa ảnh hưởng đến mục tiêu tuyển sinh, đào tạo nghề cho ít nhất 156.000 người của thành phố, vừa tiềm ẩn nguy cơ thiếu lực lượng lao động qua đào tạo.
Trước thực trạng này, bà Nguyễn Thanh Nhàn, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội kiến nghị UBND thành phố tiếp tục quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ đào tạo cho các trường nghề; có cơ chế, chính sách cụ thể thu hút doanh nghiệp tham gia sâu vào công tác tuyển sinh, đào tạo nghề; quan tâm phân luồng học sinh vào học nghề ngay từ bậc trung học cơ sở…
Để thay đổi nhận thức xã hội về tầm quan trọng của giáo dục nghề nghiệp, ông Nguyễn Công Truyền, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng nghề Việt Nam - Hàn Quốc thành phố Hà Nội mong muốn, các cơ quan chức năng tổ chức các hoạt động tôn vinh học sinh, sinh viên đạt thành tích cao trong học tập, vinh danh những người thợ giỏi…
Kết luận buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND thành phố Ngô Văn Quý đánh giá, mặc dù công tác tuyển sinh chưa đạt chỉ tiêu, nhưng trong bối cảnh xảy ra dịch Covid-19, kết quả này cũng thể hiện sự nỗ lực của các nhà trường.
Khẳng việc nâng cao giáo dục nghề nghiệp là giải pháp quan trọng để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, qua đó thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, Phó Chủ tịch UBND thành phố Ngô Văn Quý giao nhiệm vụ cho các nhà trường nỗ lực vượt khó, đổi mới công tác tuyển sinh, đào tạo; chủ động gắn kết với doanh nghiệp để bảo đảm đầu ra cho người học. Trong quá trình hoạt động, các nhà trường cần kịp thời phản ánh những khó khăn lên các cơ quan chức năng, để có hướng tháo gỡ phù hợp.
Đối với các sở, ngành chức năng, Phó Chủ tịch UBND thành phố Ngô Văn Quý yêu cầu các đơn vị tăng cường tuyên truyền về giáo dục nghề nghiệp, phối hợp để giải quyết những vướng mắc liên quan đến hoạt động này. Trong đó, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Sở Giáo dục và Đào tạo cần liên kết để thực hiện tốt công tác tư vấn, định hướng nghề nghiệp cho học sinh bậc trung học cơ sở, trung học phổ thông; cung cấp thông tin, dữ liệu tuyển sinh cho các nhà trường và người học. Sở Kế hoạch và Đầu tư tiến hành tổng rà soát các dự án liên quan đến giáo dục nghề nghiệp, để có hướng quan tâm đầu tư phù hợp trong thời gian tới…
“Các cơ quan chức năng thành phố cần khẩn trương xây dựng “Đề án rà soát, sắp xếp các trường cao đẳng, trung cấp công lập thuộc thành phố” cho phù hợp với tình hình mới. Chậm nhất đến ngày 5-10, các cơ quan chức năng phải có báo cáo UBND thành phố về đề án này”, Phó Chủ tịch UBND thành phố Ngô Văn Quý nhấn mạnh.