Châu Âu trước tình trạng tái bùng phát dịch Covid-19: Nỗ lực hạn chế lây lan
Thế giới - Ngày đăng : 06:30, 24/09/2020
Tiếp theo sau là Czech, Pháp, Luxembourg, Malta, Bỉ… Vào ngày 12-9, giới chức Pháp lần đầu tiên xác nhận hơn 10.000 ca dương tính với Covid-19 chỉ trong một ngày. Những ngày sau đó, số ca mắc mới mỗi ngày thậm chí đã có lúc vượt mức hơn 13.000 người. Còn tại Anh, từ tuần trước, trung bình mỗi ngày có ít nhất 6.000 ca mắc mới Covid-19. Các chuyên gia dự báo, xứ sở Sương mù có thể ghi nhận tới 50.000 ca dương tính mới mỗi ngày vào giữa tháng 10-2020.
Thủ tướng Anh Boris Johnson tuyên bố nước này đang chứng kiến làn sóng lây nhiễm thứ hai, trong khi các quốc gia khác cũng bày tỏ lo ngại về một đợt bùng phát lớn vào mùa đông. Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khu vực châu Âu Hans Kluge cho rằng, số ca mắc Covid-19 đang tăng nhanh chóng ở châu lục này là lời cảnh báo về những gì sắp diễn ra. Những con số này một phần xuất phát từ nỗ lực tăng cường xét nghiệm của các quốc gia nên phát hiện được nhiều ca mắc Covid-19 hơn, song theo ông, H.Kluge đây đồng thời cũng phản ánh thực tế về việc nới lỏng các biện pháp giãn cách xã hội đang khiến người dân mất cảnh giác. Các quốc gia không bị ảnh hưởng bởi làn sóng lây nhiễm đầu tiên như Hy Lạp và Croatia hiện có số ca mắc mới tăng nhanh trong tháng 8-2020 khi khách du lịch đến nghỉ hè.
Lo ngại lớn hiện nay tại châu Âu là các ca nhiễm mới tập trung chủ yếu vào những người trẻ trong độ tuổi lao động, có thể lây lan cho nhóm dân số cao tuổi có sức đề kháng kém hơn và khiến số ca tử vong gia tăng nhanh. Do đó, hầu hết các quốc gia đều đang nỗ lực thực hiện các biện pháp kìm hãm tốc độ lây lan của dịch bệnh nhưng đồng thời cũng cố gắng tối đa để tránh việc phải một lần nữa đối mặt với các đợt phong tỏa toàn quốc gây tác động tiêu cực đến kinh tế - xã hội.
Cùng với việc tăng cường xét nghiệm, áp dụng các biện pháp khoanh vùng, phong tỏa một phần với từng khu vực đang là giải pháp được nhiều chính phủ lựa chọn. Với tỷ lệ lây nhiễm khoảng 650 ca/100.000 người, chính quyền thành phố Madrid (Tây Ban Nha) và các vùng lân cận đã thông báo các biện pháp hạn chế đi lại mới tại 37 khu vực. Tại Anh, người dân không được tụ tập quá 6 người, bất kể là hoạt động trong nhà hay ngoài trời; ở thủ đô Paris (Pháp) và các khu vực lân cận, tổng cộng 20 trung tâm xét nghiệm mới dự kiến sẽ được thiết lập trong tuần này…
Các chuyên gia nhận định, châu Âu từng chứng kiến sự “càn quét” của làn sóng lây nhiễm thứ nhất mà không hề có sự chuẩn bị, trong khi việc triển khai các biện pháp xét nghiệm, truy vết nguồn lây… còn gặp nhiều khó khăn. Còn đối với làn sóng lây nhiễm thứ hai được đánh giá là gần như không thể tránh khỏi với nhiều khu vực, mục tiêu hiện nay của các quốc gia châu Âu vẫn là làm chậm lại tốc độ lây lan, để có thời gian tăng cường năng lực và triển khai hệ thống kiểm tra, theo dõi trong khi chờ đợi một loại vắc xin an toàn, hiệu quả được tiêm chủng rộng rãi.