Ra mắt sách về tác giả làn điệu ''Giận mà thương''
Sách - Ngày đăng : 13:07, 24/09/2020
Nhà viết kịch Nguyễn Trung Phong (1929-1990), quê ở Diễn Châu, Nghệ An. Gần 40 năm sáng tác, tác giả Nguyễn Trung Phong đã để lại hơn 30 tác phẩm kịch bản sân khấu ở thể loại chèo, cải lương, kịch hát và hoạt cảnh dân ca ví, giặm. Trong đó có thể kể đến 2 tác phẩm nổi tiếng là "Cô gái sông Lam" (năm 1961) và "Khi ban đội đi vắng" (năm 1967).
Vở chèo "Cô gái sông Lam" do Đoàn chèo Nghệ An thực hiện tham gia Hội diễn sân khấu toàn quốc năm 1962 đã đoạt 4 Huy chương vàng, 4 Huy chương bạc cho kịch bản, đạo diễn, âm nhạc, diễn viên. Còn làn điệu "Giận mà thương" do tác giả Nguyễn Trung Phong phát triển đã vượt ra khỏi khuôn khổ vở kịch dân ca Nghệ Tĩnh "Khi ban đội đi vắng", được thể hiện trên nhiều sân khấu và được công chúng cả nước yêu mến. Nhạc sĩ Đỗ Nhuận sau đó đã kế thừa làn điệu này viết nên ca khúc "Trông cây lại nhớ đến Người"...
Nghệ sĩ nhân dân Lê Tiến Thọ, nguyên Chủ tịch Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam nhận định, nhà viết kịch Nguyễn Trung Phong đã góp phần đưa dân ca Nghệ Tĩnh thành kịch hát dân ca; sáng tác thêm nhiều làn điệu mới làm giàu cho dân ca xứ Nghệ; khắc họa những hình tượng nhân vật sinh động, đầy tình yêu quê hương, đất nước, luôn nêu cao tinh thần xả thân vì nền độc lập dân tộc.
Cuốn sách "Nhà viết kịch Nguyễn Trung Phong: Tác giả - tác phẩm" dày hơn 500 trang, do Nguyễn Minh Đức và Nguyễn Trung Hợi sưu tầm, tuyển chọn, Nhà Xuất bản Văn học ấn hành, gồm 2 phần. Phần đầu giới thiệu 9 tác phẩm tiêu biểu của tác giả này. Phần 2 "Nguyễn Trung Phong - Huyền thoại ví, giặm" là những bài viết, tham luận của các nhà khoa học, nhà thơ, nhạc sĩ, nghệ sĩ, nhà quản lý văn hóa tại hội thảo "Nhà viết kịch Nguyễn Trung Phong với nền kịch hát dân ca ví, giặm" tổ chức năm 2019 tại Nghệ An, nhằm làm sáng rõ những đóng góp to lớn của ông trong lĩnh vực sân khấu và văn học, nghệ thuật.