Trị ''bệnh'' chiếm vỉa hè - cần quyết liệt
Đời sống - Ngày đăng : 06:16, 24/09/2020
Tràn lan lấn chiếm vỉa hè
Khảo sát ngày 21-9 của phóng viên Báo Hànộimới cho thấy, tại vỉa hè phố Trần Cung (quận Cầu Giấy), nhất là đoạn Bệnh viện E và gần đó, hàng quán bán hoa quả, hàng ăn, hàng rong..., chiếm hết diện tích, người bán hàng đứng ngồi lộn xộn. Bà Lã Thị Bảy, một người dân sống trên phố Trần Cung bức xúc: “Con phố này vốn đã chật chội. Đã vậy, vỉa hè lại bị nhiều người chiếm dụng để bán hàng nên người đi bộ phải đi xuống lòng đường. Cộng với lượng lớn người, xe ô tô ra vào Bệnh viện E, khiến đoạn đường thường xuyên bị ùn tắc”.
Trong khi đó, phố Đê La Thành thuộc phường Giảng Võ (quận Ba Đình) và phường Ô Chợ Dừa (quận Đống Đa) tuy mặt cắt phố hẹp nhưng vỉa hè lại luôn bị chủ các cơ sở kinh doanh đồ gỗ, nội thất, đồ kim khí, đồ điện, xe đẩy... chiếm dụng làm nơi kinh doanh. Ông Nguyễn Văn Hồng, người dân phố Nguyễn Lương Bằng (quận Đống Đa) cho hay: "Tôi thường xuyên đi qua tuyến phố này và thấy nhiều xe chở hàng đỗ chiếm hết lòng đường, gây cản trở người và phương tiện tham gia giao thông".
Tại phố Đỗ Đức Dục, Cương Kiên (quận Nam Từ Liêm) cũng có rất nhiều chủ cửa hàng bán đồ gia dụng, ăn uống chiếm vỉa hè để bày hàng hóa và để xe máy. Tương tự, tại các phố Trương Định, Tân Mai, Trần Nguyên Đán (quận Hoàng Mai), vỉa hè cũng luôn trong cảnh bí bách, chật chội vì bị người kinh doanh chiếm dụng.
Đáng nói, vi phạm này không chỉ diễn ra ở nội thành mà còn là hiện tượng khá phổ biến ở khu vực ngoại thành như tại trung tâm các huyện: Hoài Đức, Thạch Thất, Chương Mỹ…
Cần quyết liệt xử lý vi phạm
Trao đổi về thực trạng chiếm dụng vỉa hè, lòng đường trên địa bàn, lãnh đạo chính quyền cơ sở thường viện dẫn nhiều lý do. Theo Chủ tịch UBND phường Ô Chợ Dừa (quận Đống Đa) Hoàng Hoài Loan, mặc dù lực lượng chức năng phường thường xuyên ra quân nhắc nhở, thậm chí thu giữ đồ đạc, tuy nhiên, do nhiều hộ kinh doanh còn đối phó nên khi không có lực lượng chức năng, họ lại tái lấn chiếm.
Còn Phó Chủ tịch UBND phường Giảng Võ (quận Ba Đình) Nguyễn Ngọc Chiến cho biết, lực lượng công an phường đã xử phạt vi phạm hành chính nhiều cửa hàng lấn chiếm vỉa hè để kinh doanh ở mức cao, nhiều trường hợp phạt 2,5 triệu đồng, thậm chí có trường hợp tới 5 triệu đồng. Tuy nhiên, do lực lượng mỏng nên không thể kiểm soát hết vi phạm. “Trong trường hợp các hộ tái phạm nhiều lần, UBND phường sẽ đề xuất UBND quận ra quyết định thu hồi đăng ký kinh doanh. Đó là biện pháp mạnh nhất hiện nay”, ông Nguyễn Ngọc Chiến khẳng định.
Còn theo Đại úy Bì Tiến Nam, Phó Trưởng Công an phường Nghĩa Tân (quận Cầu Giấy), lực lượng công an phường đã tuần tra và xử lý nhiều vi phạm ở phố Trần Cung và một số tuyến phố khác. “Công an phường sẽ tiếp tục kiểm tra việc chấp hành quy định của chủ các cửa hàng, kiên quyết xử phạt nếu cố tình vi phạm; đặc biệt, chúng tôi sẽ quyết liệt giải tỏa “chợ cóc” họp trên vỉa hè, khu dân cư đông đúc”, Đại úy Bì Tiến Nam cho hay.
Về giải pháp lâu dài, Trưởng phòng Quản lý đô thị quận Ba Đình Bùi Thanh Bình cho biết, UBND quận yêu cầu công an các phường duy trì chốt trực, xóa triệt để các điểm thường xảy ra vi phạm, các điểm “chợ cóc” tái lấn chiếm hè, đường… Tương tự, Trung tá Phạm Văn Chiến, Đội trưởng Đội Cảnh sát giao thông trật tự (Công an huyện Thạch Thất) cho biết, cùng với việc tăng cường tuần tra, xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm, Đội cũng tham mưu lãnh đạo Công an huyện đề xuất với UBND huyện chỉ đạo các xã, thị trấn đẩy mạnh tuyên truyền để người dân hiểu, không lấn chiếm hè, đường.
Còn theo Trưởng phòng Quản lý đô thị quận Hoàng Mai Vũ Quỳnh, việc duy trì lực lượng để kiểm tra giải tỏa các vi phạm về trật tự đô thị quanh Bến xe Giáp Bát, Bến xe Nước Ngầm, các tuyến đường chính trong thời gian qua đã phần nào phát huy hiệu quả. Do đó, việc này sẽ được quận yêu cầu các địa phương đẩy mạnh thực hiện hơn nữa trong thời gian tới để hạn chế thấp nhất vi phạm về lấn chiếm vỉa hè, lòng đường. Hiện nay, UBND quận đang yêu cầu các phường đăng ký làm điểm về trật tự đô thị; tại những nơi làm điểm này sẽ không còn hiện tượng lấn chiếm vỉa hè, lòng đường.
Mặc dù có nhiều giải pháp xử lý nạn lấn chiếm vỉa hè và thực tế đã có những giai đoạn đã phát huy tác dụng, bảo đảm mỹ quan đường phố, song, nếu các địa phương không quyết liệt thì sẽ khó giải quyết được triệt để vi phạm. Bên cạnh đó, người dân cũng cần nâng cao ý thức, không vì lợi ích cá nhân mà làm đô thị mất đi nét văn minh...