Phấn đấu đến năm 2030, Nam Định là tỉnh phát triển khá của cả nước
Chính trị - Ngày đăng : 15:25, 24/09/2020
Dự đại hội có Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình; Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh; nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An; đại diện các bộ, ngành Trung ương; lãnh đạo các tỉnh, thành phố. Dự Đại hội có 350 đại biểu, đại diện cho trên 10 vạn đảng viên trong toàn Đảng bộ.
Xây dựng Nam Định thành tỉnh phát triển khá của cả nước
Phát biểu chỉ đạo Đại hội, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình nhấn mạnh: Trong 5 năm qua, Đảng bộ và nhân dân tỉnh Nam Định đã đồng lòng, vượt qua mọi khó khăn, hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu kinh tế - xã hội; thực hiện tốt công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, tạo tiền đề quan trọng để Nam Định trở thành tỉnh phát triển khá của cả nước trong tương lai.
Tuy nhiên, Nam Định vẫn còn những mặt hạn chế như: Tỉnh chưa thu hút được các nhà đầu tư có vốn lớn, công nghệ cao để sản xuất ra các sản phẩm chủ lực, có giá trị gia tăng cao và sức cạnh tranh trên thị trường. Kinh tế biển chưa phát huy được tiềm năng, lợi thế; GRDP trên đầu người đứng thứ 25/63 tỉnh, thành phố, thấp hơn mức trung bình cả nước. Thu ngân sách còn thấp so với các địa phương trong vùng. Một số dự án lớn, công trình trọng điểm chậm tiến độ, nhất là tuyến đường trục phát triển kết nối vùng kinh tế biển với đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình, Nhà máy nhiệt điện BOT Nam Định 1, Khu Công nghiệp Dệt may Rạng Đông. Công tác cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước trên một số mặt, lĩnh vực chưa đáp ứng yêu cầu...
Đồng chí Trương Hòa Bình lưu ý, trên cơ sở những bài học kinh nghiệm rút ra trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành nhiệm kỳ qua, Đảng bộ, chính quyền tỉnh Nam Định chủ động nắm bắt thời cơ, khai thác tốt lợi thế, vượt qua khó khăn, thách thức để đưa Nam Định phát triển nhanh, bền vững; xây dựng quy hoạch không gian phát triển với tầm nhìn mở, liên kết chặt chẽ với các tỉnh trong vùng đồng bằng sông Hồng.
Nam Định cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện hiệu quả công tác cải cách hành chính, xây dựng chính quyền điện tử, đô thị thông minh, thúc đẩy sáng tạo, khởi nghiệp. Tỉnh khai thác tiềm năng, thế mạnh vùng kinh tế biển; đẩy nhanh tiến độ xây dựng tuyến đường ven biển kết nối với các tỉnh trong khu vực; đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, nhất là cho các dự án có vốn đầu tư lớn, có khả năng hoàn thành sớm, tạo sức lan tỏa phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Cùng với đó, Nam Định triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp để hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu gắn với đô thị hóa nông thôn, xây dựng nông thôn mới ngày càng khang trang, sạch đẹp; thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân.
Đặc biệt, tỉnh cần chú trọng công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, tổ chức bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; tăng cường công tác phòng, chống tham nhũng và phòng, chống các biểu hiện suy thoái của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn hiện nay.
Đồng chí Trương Hòa Bình đề nghị, với tinh thần trách nhiệm cao trước Đảng bộ, nhân dân, các đại biểu cần tập trung trí tuệ, tham gia đóng góp vào các dự thảo Văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng. Dựa trên tình hình thực tế ở địa phương, các đại biểu thảo luận, phân tích những mặt còn hạn chế, yếu kém, đánh giá một cách khách quan, trung thực nguyên nhân, nhất là các nguyên nhân chủ quan, nêu rõ trách nhiệm, kiến nghị các giải pháp khắc phục.
Một nhiệm vụ quan trọng của Đại hội là bầu Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Nam Định, nhiệm kỳ 2020-2025. Do vậy, các đại biểu dự Đại hội cần quán triệt sâu sắc Chỉ thị số 35-CT/TW của Bộ Chính trị và các văn bản hướng dẫn của Trung ương, phát huy truyền thống đoàn kết, nêu cao tinh thần trách nhiệm, dân chủ, sáng suốt lựa chọn các đồng chí tiêu biểu về trí tuệ, bản lĩnh chính trị, có phẩm chất đạo đức, năng lực lãnh đạo và sức khỏe để bầu tham gia Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XX; bầu một lần đủ số lượng, đảm bảo chất lượng, theo cơ cấu và phương án nhân sự đã được duyệt để Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020-2025 thực sự là hạt nhân lãnh đạo, đủ năng lực triển khai thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội.
Huy động mọi nguồn lực để phát triển, nâng cao đời sống người dân
Nhiệm kỳ 2020-2025, Nam Định đặt mục tiêu huy động mọi nguồn lực phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao thu nhập, đời sống người dân. Tổng sản phẩm GRDP tăng bình quân 8,5 - 9,5%/năm. Đến năm 2025, thu nhập thực tế bình quân đầu người trên 100 triệu đồng/người/năm; thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn đạt trên 10.000 tỷ đồng; tỷ lệ hộ nghèo không thuộc chính sách bảo trợ xã hội giảm xuống dưới 0,15%; có 50% số huyện (5 huyện) đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, Hải Hậu được công nhận huyện nông thôn mới kiểu mẫu...
Để hoàn thành các mục tiêu của nhiệm kỳ mới, Nam Định xác định tiếp tục tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; tổ chức bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Tỉnh thực hiện đồng bộ các giải pháp nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các cấp ủy, tổ chức Đảng và đảng viên; tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cán bộ chủ chốt, người đứng đầu có đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ.
Nam Định đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, xây dựng chính quyền điện tử, đô thị thông minh; đổi mới, tăng cường công tác xúc tiến, thu hút đầu tư, nhất là các nhà đầu tư có vốn lớn, công nghệ cao. Tỉnh khai thác tiềm năng, thế mạnh vùng kinh tế biển, hình thành đô thị Rạng Đông - Thịnh Long và khu kinh tế biển Nghĩa Hưng thành trung tâm sản xuất sợi, dệt, nhuộm, may mặc và thời trang lớn của miền Bắc. Các địa phương trong tỉnh tiếp tục huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận của nhân dân để hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu gắn với đô thị hóa nông thôn, xây dựng nông thôn ngày càng khang trang, sạch đẹp.
Nam Định tập trung khai thác, huy động mọi nguồn lực để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội ngày một hiện đại. Địa phương tăng cường quản lý, sử dụng hiệu quả tài nguyên, đất đai, bảo vệ, cải thiện môi trường; đồng thời đảm bảo giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, tạo môi trường thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội, thu hút đầu tư...
Báo cáo tại Đại hội, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Nam Định Phạm Đình Nghị cho biết, Nam Định đã hoàn thành vượt mức 15/15 chỉ tiêu về phát triển kinh tế - xã hội; tổng sản phẩm trong tỉnh (GRDP) tăng bình quân 7,9%/năm, cao hơn mức tăng bình quân của nhiệm kỳ trước (6,2%/năm). Cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực. Thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn năm 2019 đạt trên 5.600 tỷ đồng, tăng hơn 2 lần so với năm 2015. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội trong 5 năm ước đạt 175 nghìn tỷ đồng, tăng bình quân hơn 17%/năm.
Nam Định trở thành tỉnh nông thôn mới vào năm 2019 (sớm hơn 1,5 năm so với mục tiêu đề ra), là một trong hai tỉnh dẫn đầu cả nước về hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Các địa phương trong tỉnh đã huy động được trên 40.000 tỷ đồng đầu tư kết cấu hạ tầng nông thôn. Mức sống của người dân nông thôn được cải thiện, thu nhập bình quân đầu người năm 2020 ước đạt 52 triệu đồng, gấp 4,1 lần so với trước khi xây dựng nông thôn mới; khoảng cách thu nhập giữa thành thị và nông thôn giảm xuống còn 1,35 lần...
Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Nam Định lần thứ XX làm việc đến chiều 25-9.