Thúc đẩy phục hồi kinh tế thế giới
Thế giới - Ngày đăng : 06:28, 25/09/2020
Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tuyến dưới sự chủ trì của Saudi Arabia, nước đang đảm nhiệm chức Chủ tịch G20 khi những cảnh báo không mấy khả quan về kinh tế thế giới tiếp tục gây quan ngại sâu sắc. Theo Ngân hàng Thế giới (WB), tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu năm 2020 sẽ giảm 5,2% do các biện pháp phong tỏa, hạn chế nhằm ngăn chặn sự lây lan của đại dịch Covid-19.
Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) cũng ước tính khối lượng giao dịch hàng hóa thế giới năm 2020 sẽ giảm 13-32% so với năm 2019. Thậm chí, triển vọng tăng trưởng của G20 trong năm nay được Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) dự đoán có thể ở mức -2,8%, giảm 6,2% so với dự báo hồi tháng 1-2020. Trước những khó khăn này, các nền kinh tế G20 vốn chiếm 90% GDP thế giới, 80% thương mại toàn cầu và bao quát 2/3 dân số trên hành tinh được kỳ vọng có thể dẫn đầu việc tập hợp sức mạnh quốc tế nhằm giảm thiểu và khắc phục những thiệt hại do cuộc khủng hoảng Covid-19 gây ra.
Với mục tiêu trên, nỗ lực tăng cường hợp tác trong các chính sách thương mại và đầu tư nhằm ứng phó với khó khăn về kinh tế do dịch bệnh mang đến đã trở thành trọng tâm của những thảo luận. Các Bộ trưởng G20 cho rằng, để tăng khả năng khôi phục và duy trì các chuỗi cung ứng của quốc gia, khu vực và toàn cầu, bên cạnh việc đẩy mạnh năng lực sản xuất và thương mại, các nước cần sớm chấm dứt những biện pháp hạn chế và thực hiện các bước đi cần thiết để xúc tiến thương mại. Trên thực tế, đã có hơn 80 quốc gia và vùng lãnh thổ thực hiện thắt chặt xuất khẩu hàng hóa sau khi dịch Covid-19 bùng phát.
Trong tuyên bố chung của hội nghị, các Bộ trưởng G20 khẳng định sẽ tiếp tục thực hiện mọi biện pháp và sử dụng tất cả các chính sách sẵn có để giảm thiệt hại về kinh tế và xã hội do đại dịch gây ra, khôi phục tăng trưởng toàn cầu, tăng khả năng phục hồi và duy trì ổn định thị trường. Các bộ trưởng cũng nhất trí tiếp tục hợp tác và phối hợp nhằm hỗ trợ thương mại và đầu tư quốc tế, ủng hộ các nỗ lực cải cách WTO thông qua Sáng kiến Riyadh về tương lai WTO, tăng cường năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa...
Bất chấp dịch Covid-19 bùng phát, từ đầu năm 2020 đến nay, G20 đã tổ chức nhiều hội nghị quan trọng với hình thức trực tuyến để thảo luận và thống nhất các biện pháp hỗ trợ các quốc gia. Nổi bật nhất là cam kết “bơm” hơn 5.000 tỷ USD vào nền kinh tế toàn cầu và đóng góp cho Quỹ Đoàn kết ứng phó với Covid-19 do Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đứng đầu. Các Bộ trưởng G20 cũng đồng ý giảm bớt gánh nặng tài chính thông qua việc hoãn thanh toán nợ cho các nước nghèo nhất thế giới vào cuối năm nay, qua đó giúp giải phóng hơn 20 tỷ USD để những quốc gia này cải thiện hệ thống y tế, sẵn sàng đối phó với dịch bệnh.
Từng là nhân tố quan trọng, năng động giúp nền kinh tế thế giới vượt qua cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008-2009, G20 được kỳ vọng sẽ tiếp tục đóng vai trò hiệu quả trong củng cố hợp tác giữa các quốc gia để ứng phó với tác động của đại dịch Covid-19. Vì vậy, cùng với những hành động quyết liệt, thiết thực thời gian qua, các cam kết mang tính nhất trí cao trong hội nghị lần này một lần nữa khẳng định G20 vẫn đang mở rộng nỗ lực thúc đẩy sự hợp tác, tập hợp các nguồn lực đưa thế giới vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay.