“Em ơi Hà Nội… sách”!

Sách - Ngày đăng : 14:49, 28/09/2020

(HNMO) - Ai đó đã thốt lên câu biến tấu từ bài thơ nổi tiếng của thi sĩ Phan Vũ khi “điểm danh” các đầu sách về đề tài Hà Nội. Từ lâu, Hà Nội đã là chủ đề thời thượng trong âm nhạc, hội họa, thơ văn... Năm nay, để chào mừng Thăng Long - Hà Nội 1010 năm tuổi, hàng loạt tác phẩm về Hà Nội cũng đã được xuất bản.

Tủ sách “Hà Nội trong mắt một người” của NXB Trẻ tuy mới ra đời năm 2018, nhưng đến nay đã ra mắt gần chục đầu sách. Mới đây nhất, cuốn tản văn “Hà Nội chút bụi trên vai người” của nhà văn Đỗ Phấn đã được NXB Trẻ giới thiệu cùng bạn đọc.

Đã có hàng nghìn bài viết về đề tài Hà Nội, nhưng với họa sĩ Đỗ Phấn, nguồn cảm hứng viết về mảnh đất này không khi nào vơi cạn. Ông viết về Hà Nội trong quá khứ với những khảo cứu ký ức của chính mình, lại viết về Hà Nội của hiện tại trong từng khung cảnh, nếp sống.

Ở cuốn sách mới này, Hà Nội là “vùng đất nhung nhớ bền chặt trong ký ức của lũ trẻ sơ tán đã hơn nửa thế kỷ” mà đến hôm nay, khi lũ trẻ ấy đã thành ông nội, bà ngoại cả rồi mới thực sự hiểu rằng, dù “nhiều năm tháng sống ở nông thôn” nhưng “vẫn chưa từng rời xa Hà Nội một ngày nào”.

Cũng ở thể loại tản văn là cuốn sách “Hà Nội bảo thế là thường” của nhà văn Nguyễn Trương Quý, cây viết với nhiều đầu sách độc đáo về Hà Nội.

“Hà Nội bảo thế là thường” là những suy tư xoay quanh câu chuyện về vài món ăn, cách phục sức hay tâm tình của con người đô thị Hà Nội như những câu chuyện bên chén trà ngoài quán nhỏ hay mâm cơm trong gia đình...

Cùng với “Hà Nội bảo thế là thường”, thương hiệu sách Nhã Nam còn kết hợp với Viện Goethe cho ra mắt cuốn sách ảnh “Hà Nội 1967-1975” của nhiếp ảnh gia Đức Thomas Billhardt đã chụp trong 6 chuyến đi tới Việt Nam.

Những bức ảnh của ông đã mang đến một Hà Nội xưa đầy cảm xúc với hình ảnh của phố xá vắng bóng người, của những hầm trú bom trên vỉa hè, những ánh mắt trẻ thơ sáng trong hay những nụ cười của người dân vẫn luôn bừng sáng trong chiến tranh.

Đồng ý tưởng “dựng” lại Hà Nội trong quá khứ, NXB Kim Đồng và Viện Viễn Đông Bác cổ Pháp hợp tác xuất bản cuốn sách tranh “Hàng rong và tiếng rao hàng Hà Nội”.

Là tập hợp của những bức tranh ký họa, hình vẽ, tranh màu nước của 15 sinh viên Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương (sau này đều trở thành những họa sĩ nổi tiếng hàng đầu như: Tô Ngọc Vân, Lê Phổ, Lưu Văn Đệ, Mai Trung Thứ…), “Hàng rong và tiếng rao hàng Hà Nội” như một cuốn du ký ngược thời gian đưa độc giả trở về với Hà Nội những năm đầu thế kỷ XX.

Cũng là sách tranh, nhóm Urban Sketchers Hà Nội (Ký họa đô thị Hà Nội) tiếp tục “gây thương nhớ” cho độc giả bằng tác phẩm “Ấn tượng Hà Nội từ ký hoạ những công trình thời Pháp”.

Như những người chép sử bằng tranh, cuốn sách lưu giữ lại những hình ảnh đẹp về các công trình thời Pháp nay đã trở thành “một quỹ không gian và di sản vô giá của Hà Nội”.

Chào mừng Thăng Long - Hà Nội 1010 năm tuổi, còn có nhiều đầu sách Hà Nội khác được xuất bản trong mùa thu năm nay như: Chuyên khảo “Tứ trấn Thăng Long Hà Nội” của tác giả Nguyễn Doãn Minh; tuyển tập phóng sự nhiều tác giả về xã hội Hà thành thời tạm chiếm 1947-1954 “Hà Nội một thân”; tiểu thuyết “Giọt vàng trong nắng” của Lê Duy Nghĩa; tập ký sự “Hà Nội” thênh thang ký ức của Nguyễn Văn Học… Dù ở thể loại nào, văn học, sách ảnh hay sách tranh ký họa, tất cả các tác phẩm đều đang góp phần lưu giữ một Hà Nội đẹp mãi trong lòng độc giả yêu Hà Nội.

Vân Hạ