Nhiều khó khăn trong thực hiện Quy hoạch điện VIII
Kinh tế - Ngày đăng : 10:48, 28/09/2020
Hội thảo có sự tham dự của nhiều nhà quản lý, các chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực công nghiệp điện lực với những đóng góp chia sẻ ý tưởng, kinh nghiệm để cùng hoàn thiện Đề án trong thời gian tới.
Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng cho biết, Đề án Quy hoạch điện VIII về cơ bản đã hoàn thành, theo đúng kế hoạch Bộ Công Thương sẽ báo cáo Thủ tướng Chính phủ vào tháng 10-2020. Theo Chương trình phát triển nguồn điện giai đoạn tới năm 2030, dự kiến tổng công suất nguồn điện sẽ tăng thêm khoảng gần 80.000 MW so với năm 2020. Trong đó, các nguồn điện lớn như các nhà máy nhiệt điện than, khí và khí hóa lỏng (LNG) dự kiến sẽ tăng thêm khoảng trên 30.000 MW; các nhà máy điện gió và điện mặt trời dự kiến tăng thêm gần 30.000 MW. Phần lớn các nguồn điện này đều tập trung nằm xa trung tâm phụ tải. Vì vậy, việc phát triển lưới truyền tải để giải tỏa công suất các nguồn điện này đặt ra nhiều nội dung cần xem xét và nghiên cứu.
Quy hoạch điện VII và Quy hoạch điện VII điều chỉnh đã được đưa vào triển khai, thực hiện được gần 10 năm. Nhìn chung, tình hình thực hiện Quy hoạch đạt được nhiều kết quả tốt, đáp ứng cơ bản nhu cầu phụ tải với tốc độ tăng trưởng trung bình hằng năm khoảng 10,5%/năm. Tuy nhiên, thời gian qua, ngành điện đối mặt với nhiều thách thức lớn như nhu cầu điện đang tăng trưởng cao, sự phát triển của nguồn điện không cân đối với nhu cầu phụ tải giữa các vùng miền; sự phát triển nhanh của các nguồn năng lượng tái tạo khi có các cơ chế khuyến khích phát triển nhưng lưới điện chưa theo kịp dẫn tới thực tế công suất nguồn điện tại một số nơi còn dư thừa, chưa giải tỏa hết. Do vậy, việc lập Quy hoạch điện VIII được mong đợi sẽ đề ra các giải pháp toàn diện để giải quyết và tháo gỡ các nút thắt hiện nay trong phát triển điện lực.
Tại hội thảo, các đại biểu đã tập trung thảo luận về thách thức đặt ra để có thể thực hiện tốt Quy hoạch điện VIII. Theo đó, nhu cầu điện vẫn tăng trưởng với tốc độ cao nhưng các nguồn năng lượng sơ cấp ngày càng khan hiếm. Để bảo đảm cung ứng điện tới năm 2030, Việt Nam dự kiến phải nhập khẩu khoảng 1,2 triệu tấn LNG, 35,1 triệu tấn than vào năm 2025 và tăng dần tới 8,5 triệu tấn LNG và 45 triệu tấn than vào năm 2030. Nhu cầu vốn đầu tư cho chương trình phát triển nguồn và lưới điện lên tới khoảng 13 tỷ USD/năm giai đoạn 2021-2030 trong khi yêu cầu ngày càng cao về môi trường của các tổ chức quốc tế trong việc xem xét các khoản tín dụng hỗ trợ phát triển nguồn và lưới điện cũng đặt ra nhiều áp lực, thách thức cho việc thực hiện thành công Quy hoạch điện VIII...