Khảo nghiệm giống lúa mới - ''đãi cát tìm vàng''
Nông nghiệp - Ngày đăng : 08:25, 28/09/2020
Thời gian qua, thực hiện mục tiêu cơ cấu lại ngành Nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững và hướng tới xuất khẩu, Trung tâm Phát triển nông nghiệp Hà Nội đã đẩy mạnh thử nghiệm, khảo nghiệm, đưa vào sản xuất những giống lúa mới năng suất cao, chất lượng tốt. Từ đó, hình thành các vùng trồng lúa trọng điểm, góp phần tạo đột phá trong cơ cấu giống lúa mới có năng suất, chất lượng cao, đặc biệt là hình thành được chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ lúa gạo Japonica hiệu quả cao.
Đây là những nhận định của các doanh nghiệp, đơn vị, hộ dân... tham dự hội nghị tổng kết kết quả khảo nghiệm giống lúa mới năm 2020 và phát triển sản xuất, tiêu thụ lúa, gạo Japonica sáng 28-9-2020 của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội.
Nhiều giống lúa triển vọng
Với mục tiêu đánh giá, tuyển chọn được những giống lúa năng suất, chất lượng tốt, đưa vào sản xuất đại trà, năm 2020, Trung tâm Phát triển nông nghiệp Hà Nội đã tiến hành đồng bộ các thí nghiệm, thực nghiệm đánh giá tập đoàn, chọn dòng giống lúa thuần chất lượng; khảo nghiệm so sánh, khảo nghiệm sản xuất, sản xuất thử nghiệm các giống lúa mới.
Năm 2020, đơn vị đã xác định được một số giống có tiềm năng cho năng suất cao đạt trên 70 tạ/ha: ĐHS15, HN01, HN17, HN18, HN02. Các giống này có khả năng chống chịu tốt với điều kiện ngoại cảnh và sâu, bệnh; kháng bệnh bạc lá, đạo ôn tốt hơn giống đối chứng là Bắc thơm số 7, thời gian sinh trưởng ngắn, phù hợp với cơ cấu các vùng sản xuất lúa ngoại thành Hà Nội và khu vực lân cận.
Đơn vị đã tiến hành khảo nghiệm 13 giống lúa chất lượng. Kết quả khảo nghiệm đã xác định các giống lúa mới có triển vọng như: TBR225, ĐHS15, VNR20, ĐH12, Tân ưu 98, Gia lộc 35. Các giống này đều có đặc tính ưu việt chống đổ tốt; chống chịu khá tốt với một số sâu bệnh hại chính; năng suất cao, có giống đã đạt tới 69 tạ/ha như TBR225.
Năm 2020, Trung tâm đã tiến hành khảo nghiệm sản xuất và sản xuất thử nghiệm giống lúa mới trên diện tích 50ha (khảo nghiệm sản xuất 20ha, sản xuất thử nghiệm 30ha) tại 3 xã: Nam Phương Tiến (huyện Chương Mỹ), Đỗ Động (huyện Thanh Oai), Hát Môn (huyện Phúc Thọ) được thực hiện theo “Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về khảo nghiệm giá trị canh tác và giá trị sử dụng giống lúa” QCVN01-55:2011/BNNPTNT của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Qua theo dõi, đánh giá các giống lúa khảo nghiệm sản xuất năm 2020, Trung tâm đề nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội bổ sung giống lúa Tân ưu 98 vào cơ cấu giống lúa năm 2021, đưa ra sản xuất thử các giống lúa ĐHS15, VNR20 để theo dõi, đánh giá giống trên diện rộng.
Ngoài ra, triển khai Kế hoạch phát triển sản xuất lúa Japonica theo hướng xuất khẩu năm 2020, Trung tâm Phát triển nông nghiệp Hà Nội đã xây dựng được 26 mô hình sản xuất lúa Japonica hàng hóa chất lượng tại 22 xã thuộc 6 huyện với quy mô 1.776ha. Trong đó, gồm 160ha lúa Japonica theo hướng hữu cơ, 300ha lúa Japonica theo chuẩn Việt Nam, 1.316ha lúa Japonica chất lượng an toàn. Tham gia mô hình, các hộ được hỗ trợ 50% giống lúa, 50% chi phí vật tư, phân bón và tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật canh tác.
Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Nghi Lộc (huyện Ứng Hòa) Đặng Hữu Hỷ chia sẻ, năm 2020, Hợp tác xã mạnh dạn thực hiện gieo cấy giống lúa Japonica này ở cả 2 vụ với quy mô 144ha. Đặc biệt, để bảo đảm đầu ra cho sản phẩm, Hợp tác xã đã ký hợp đồng liên kết với Hợp tác xã sản xuất kinh doanh nông nghiệp Đoàn Kết bao tiêu toàn bộ sản lượng cho nông dân với giá 7.000 đồng/kg thóc tươi. Hạch toán kinh tế cho thấy, tổng giá trị sản phẩm bình quân lúa Japonica đạt 60 triệu đồng/ha/vụ, cao hơn 15 triệu đồng/ha so với sản xuất lúa Bắc thơm số 7.
Nỗ lực “đãi cát, tìm vàng”
Theo Giám đốc Trung tâm Phát triển nông nghiệp Hà Nội Hoàng Thị Hòa, hiện nay, diện tích sản xuất lúa của Hà Nội là 172.460,96ha, tập trung chủ yếu ở các huyện: Ứng Hòa, Chương Mỹ, Phú Xuyên, Mỹ Đức... với cơ cấu giống lúa: Nhóm lúa chất lượng cao chiếm 53,8%; nhóm lúa thuần năng suất chiếm 32,2%; nhóm lúa lai chiếm 7,4%; nhóm lúa khác chiếm 6,6%. Những năm gần đây, một số giống lúa của Hà Nội đã có biểu hiện thoái hóa, mẫn cảm với một số sâu bệnh hại, do đó, công tác khảo nghiệm, thí nghiệm để tìm ra các giống lúa mới có năng suất, chất lượng cao, chống chịu tốt với sâu bệnh, phù hợp với điều kiện sinh thái, canh tác của Hà Nội là việc cần thiết để mỗi giống lúa mới khi sản xuất đại trà có tính ổn định, đạt kết quả lâu dài trong điều kiện biến đổi khí hậu ngày một phức tạp.
Theo Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) Nguyễn Như Cường, công tác khảo nghiệm, thực nghiệm sản xuất các giống lúa mới được Trung tâm thực hiện bài bản, khoa học, bảo đảm nguyên tắc trong quy chuẩn kỹ thuật. Trung tâm đã chủ động phối hợp với các doanh nghiệp sản xuất lúa giống uy tín thực hiện khảo nghiệm các giống lúa mới, từ đó đánh giá, lựa chọn những giống tốt có năng suất, chất lượng cao, thích nghi với điều kiện tự nhiên và tập quán canh tác của nông dân trên địa bàn.
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội Nguyễn Xuân Đại cho biết: Thành công của việc khảo nghiệm các giống lúa mới đã tạo động lực cho các huyện tiếp tục mở rộng quy mô sản xuất lúa hàng hóa chất lượng cao. Sở đề nghị các nhà khoa học tiếp tục nghiên cứu các giống lúa mới vừa cho năng suất, chất lượng cao vừa có thời gian sinh trưởng ngắn. Đối với việc phát triển sản xuất, tiêu thụ lúa, gạo Japonica, Hà Nội phấn đấu đến năm 2025, cơ cấu giống lúa chất lượng toàn thành phố đạt trên 80%; duy trì 80-100 vùng sản xuất lúa Japonica và lúa hàng hóa chất lượng cao, đủ tiêu chuẩn xuất khẩu; hỗ trợ phát triển công nghệ sấy, sơ chế, chế biến, bảo quản; hình thành thêm ít nhất 2 chuỗi liên kết giá trị sản phẩm gạo Hà Nội...