Kích cầu vốn lành mạnh

Góc nhìn - Ngày đăng : 06:08, 29/09/2020

(HNM) - Thời gian qua, dịch Covid-19 đã tác động mạnh mẽ đến mọi lĩnh vực và hệ thống ngân hàng thương mại cũng không ngoại lệ. Sức hấp thụ vốn của nền kinh tế từ đầu năm 2020 đến nay đã giảm đáng kể. Nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn, không có nhu cầu vay vốn ngay cả khi mặt bằng lãi suất giảm, nên tăng trưởng tín dụng của các ngân hàng giảm đáng kể. Trong khi đó, các ngân hàng thương mại cũng không thể kéo lãi suất huy động xuống quá thấp vì lo ngại ảnh hưởng đến việc huy động vốn cho mục tiêu lâu dài.

Trước những khó khăn chưa có tiền lệ, ngành Ngân hàng đã có những bước đi chủ động, chấp nhận giảm lợi nhuận để chia sẻ với doanh nghiệp nói riêng, nền kinh tế nói chung. Trong đó, từ đầu năm 2020 đến nay, Ngân hàng Nhà nước đã 3 lần điều chỉnh giảm lãi suất điều hành. Chính sách có tính chất “dẫn lối” này đã góp phần giúp các ngân hàng thương mại cải thiện thanh khoản, tăng cường cung cấp các "gói" cho vay, những sản phẩm, dịch vụ hiện đại, thân thiện, tiện lợi để hỗ trợ doanh nghiệp khôi phục sản xuất hoặc chuyển hướng kinh doanh phù hợp. Các ngân hàng thương mại cũng tập trung cắt giảm chi phí, tái cơ cấu hoạt động, dịch vụ, nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ tài chính cho khách hàng.

Dù trong bất cứ hoàn cảnh nào, hoạt động tài chính, tín dụng luôn phải bảo đảm tính minh bạch, kiểm soát chặt chẽ rủi ro và duy trì cho được tỷ lệ nợ xấu ở mức cho phép để bảo đảm an toàn tín dụng. Đây cũng là bài toán đặt ra cho các ngân hàng thương mại trong bối cảnh vừa phải duy trì hoạt động kinh doanh, vừa không làm gián đoạn nguồn cung vốn cho nền kinh tế phục hồi và phát triển. Cân bằng các lợi ích này, không có cách nào khác là các ngân hàng phải tiếp tục tối ưu hóa hoạt động, dịch vụ, quản lý chặt chẽ chi phí, năng suất lao động… Đặc biệt, cần phát triển, đa dạng hóa các sản phẩm tín dụng phù hợp với từng phân khúc khách hàng, ngành nghề như có thể đẩy mạnh cho vay tiêu dùng; các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh thiết yếu; phát triển khách hàng ở các vùng kinh tế trọng điểm…; đồng thời thận trọng trong đầu tư, cho vay với những ngành hàng không thiết yếu.

Dịch Covid-19 đã ít nhiều làm thay đổi môi trường hoạt động sản xuất, kinh doanh, trong đó có các tổ chức tín dụng. Vì vậy, bản thân các ngân hàng cần thay đổi về điều kiện, hình thức kinh doanh; tiếp tục nâng cao chất lượng nhân sự, mô hình quản trị; hoàn thiện hạ tầng công nghệ thông tin; đẩy mạnh hơn nữa việc đơn giản hóa thủ tục cho vay, hỗ trợ thanh toán điện tử… để phù hợp với bối cảnh mới. Việc này nhằm thích ứng với những thay đổi từ cơ cấu thị trường; phương thức sản xuất của doanh nghiệp sử dụng dịch vụ từ xa; yêu cầu đầu tư cho tự động hóa, thay đổi chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị; nhu cầu và khả năng tiếp cận tín dụng của từng đối tượng khách hàng.

Ngân hàng cũng là một doanh nghiệp. Do vậy, các cấp, ngành chức năng cũng như doanh nghiệp cần đồng hành với ngân hàng để vượt qua giai đoạn khó khăn này. Bên cạnh nỗ lực tự thân, các tổ chức tín dụng cần được hưởng những chính sách hỗ trợ như doanh nghiệp. Về phía doanh nghiệp, người vay vốn - cần sử dụng vốn vay hiệu quả, đúng mục đích, từ đó giúp việc kinh doanh của ngân hàng được thuận lợi, giảm thiểu rủi ro tín dụng.

Với việc triển khai hàng loạt các sản phẩm, dịch vụ tín dụng đa dạng, hấp dẫn, ngành Ngân hàng đã chủ động kích thích nhu cầu vay vốn của khách hàng. Kích cầu vốn lành mạnh sẽ thúc đẩy quá trình phục hồi sản xuất, kinh doanh hiệu quả, để nền kinh tế nước ta sớm quay trở lại đà tăng trưởng tốt.

Chí Kiên