Ngành Công Thương phấn đấu thực hiện các chỉ tiêu kế hoạch ở mức cao nhất

Đời sống - Ngày đăng : 15:12, 29/09/2020

(HNMO) – Trong bối cảnh đầy thử thách nhưng cũng nhiều thời cơ mới, ngành Công Thương cần có sự nhận diện sâu sắc, đánh giá đầy đủ về tình hình, có chiến lược và sách lược phù hợp, thực hiện thắng lợi các mục tiêu kinh tế - xã hội mà Đảng, Quốc hội đã đề ra, trước mắt là “mục tiêu kép” đẩy lùi dịch bệnh và không để đứt gãy các hoạt động kinh tế - xã hội, phấn đấu thực hiện các chỉ tiêu kế hoạch ở mức cao nhất.

Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình phát biểu tại đại hội. Ảnh: K.M

Đó là chỉ đạo của Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình tại Đại hội Thi đua yêu nước ngành Công Thương lần thứ III (2020 - 2025) được tổ chức ngày 29-9, tại Hà Nội.

Phát biểu khai mạc, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh nhấn mạnh, với vai trò là huyết mạch của nền kinh tế, trong bối cảnh không ít khó khăn, thách thức lớn, đặc biệt là ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, giai đoạn 2016 – 2020, toàn ngành Công Thương đã phát huy truyền thống đoàn kết, nỗ lực thi đua, phấn đấu, vượt qua các thách thức, hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ chính trị được Đảng, Nhà nước giao phó. Kết quả công tác thi đua toàn ngành đã góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm quốc phòng, an ninh, thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, đóng góp tích cực vào công cuộc bảo vệ, xây dựng và phát triển đất nước. Cụ thể, giai đoạn 2016-2020, ngành công nghiệp chiếm tỷ trọng 30% GDP, tăng trưởng bình quân 8%/năm và cũng là lĩnh vực có đóng góp lớn nhất cho ngân sách Nhà nước. Ngành thương mại có tốc độ tăng trưởng bình quân trên 9%/năm, đóng góp 12 – 13% GDP, thu hút khoảng 12,1% tổng lao động toàn xã hội, hỗ trợ tích cực giải quyết việc làm, nâng thu nhập, cải thiện chất lượng đời sống người dân…

Phát biểu chỉ đạo đại hội, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình nhấn mạnh, năm năm qua, cùng với phong trào thi đua của cả nước, ngành Công Thương đã nỗ lực vượt qua khó khăn, thách thức, hoàn thành tốt các nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó. Nổi bật là nhiều hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương đã được ký kết, đặc biệt là Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và EU (EVFTA), Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTTP) đã mở ra những cơ hội lớn về thương mại và đầu tư, thúc đẩy tiến trình đổi mới mô hình tăng trưởng và cơ cấu lại nền kinh tế. Phó Thủ tướng Thường trực đánh giá cao những kết quả đạt được trong các lĩnh vực: Công nghiệp, thương mại, phát triển thị trường, cải cách thủ tục hành chính... của Bộ trong thời gian qua.

“Trong bối cảnh đầy thử thách, khó khăn nhưng cũng nhiều thời cơ và thuận lợi mới, ngành Công Thương cần có sự nhận diện sâu sắc, đánh giá đầy đủ về tình hình, cần có chiến lược và sách lược phù hợp, quyết tâm thực hiện thắng lợi các mục tiêu kinh tế - xã hội mà Đảng, Quốc hội đã đề ra, trước mắt là “mục tiêu kép” - đẩy lùi dịch bệnh và không để đứt gãy các hoạt động kinh tế - xã hội, phấn đấu thực hiện các chỉ tiêu kế hoạch ở mức cao nhất”, Phó Thủ tướng Thường trực lưu ý.

Toàn cảnh đại hội. Ảnh: K.M

Phó Thủ tướng Thường trực chỉ ra 5 nhiệm vụ trọng tâm trong công tác thi đua của ngành Công Thương trong thời gian tới. Cụ thể, hoàn thiện hệ thống thể chế, ứng phó với các vấn đề về chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch và tác động đến các vấn đề về cạnh tranh; tiếp tục tập trung tái cơ cấu nền kinh tế theo hướng xây dựng một nền kinh tế độc lập, tự chủ, hiện đại, hội nhập và phát triển bền vững; tập trung vào các vấn đề về đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; tập trung thực hiện đồng bộ và triển khai hiệu quả các Hiệp định thương mại tự do đã có hiệu lực; đẩy mạnh phát triển thương mại nội địa…

Tại đại hội, đồng chí Trương Hòa Bình đã trao Cờ Thi đua của Chính phủ cho Bộ Công Thương và Huân chương Lao động hạng Nhất cho 5 cá nhân. Dịp này, Bộ Công Thương cũng trao Cờ thi đua của Bộ Công Thương cho 22 đơn vị thuộc Bộ.

Hà My