Cải thiện môi trường kinh doanh vì doanh nghiệp
Kinh tế - Ngày đăng : 06:06, 29/09/2020
Hiện đại hóa nền hành chính, đẩy mạnh thu hút đầu tư
Thực hiện Chương trình số 03-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội, các cấp, ngành thành phố Hà Nội đã xây dựng kế hoạch, giải pháp cải cách thể chế, thủ tục hành chính, bộ máy và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Đặc biệt, thành phố tạo bước chuyển biến mạnh mẽ trong hiện đại hóa nền hành chính, xây dựng chính quyền điện tử, giảm thời gian, chi phí cho doanh nghiệp.
Hiện Hà Nội xếp thứ hai cả nước về mức độ sẵn sàng ứng dụng công nghệ thông tin - truyền thông; 100% sở, ban, ngành, địa phương được kết nối mạng WAN (mạng diện rộng); tỷ lệ đăng ký kinh doanh qua mạng đạt 100%; tỷ lệ doanh nghiệp kê khai thuế điện tử đạt trên 98%, khai hải quan điện tử đạt 100%, bảo hiểm xã hội đạt 98,3% (đối với doanh nghiệp có từ 10 lao động trở lên); tỷ lệ dịch vụ công thực hiện trực tuyến mức độ 3, 4 đạt 100%.
Mô hình “Cơ quan đăng ký kinh doanh thân thiện”, tích hợp các dịch vụ tiện ích trong đăng ký kinh doanh được triển khai từ năm 2017 đã giúp doanh nghiệp giảm đáng kể thời gian khởi sự kinh doanh… Qua đó, các chỉ số đánh giá hiệu quả hoạt động của chính quyền thành phố được cải thiện qua các năm và Chỉ số cải cách hành chính cấp tỉnh (PAR INDEX) của Hà Nội năm 2019 xếp thứ hai cả nước (tăng 7 bậc so với năm 2015).
Thành phố cũng thường xuyên, định kỳ tổ chức các hội nghị chuyên đề đối thoại với doanh nghiệp nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh. Đặc biệt, Hội nghị Hà Nội - Hợp tác đầu tư và phát triển đã trở thành sự kiện thường niên kể từ năm 2016. Tại các hội nghị diễn ra năm 2016, 2017, 2018, 2020, tổng vốn đầu tư đăng ký lên tới hàng trăm nghìn tỷ đồng. Trong 5 năm 2015-2020, Hà Nội cũng thu hút 25 tỷ USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, gấp 3,9 lần giai đoạn 2011-2015; đứng đầu cả nước trong 2 năm liên tiếp 2018-2019. Lũy kế đến nay, số dự án có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài là 6.278 dự án, với tổng vốn đạt trên 47,7 tỷ USD.
Nhờ các giải pháp đồng bộ, hiệu quả, môi trường đầu tư, kinh doanh của thành phố Hà Nội đã được cải thiện rõ nét. Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2019 của Hà Nội đạt 68,8 điểm, tăng 3,4 điểm so với năm 2018, xếp vị trí thứ 9/63 địa phương, tăng 4 bậc so với năm 2017. Đây là năm thứ 7 liên tiếp, Chỉ số PCI của Hà Nội tăng hạng, đạt mục tiêu đã đề ra là “đến năm 2020, Chỉ số PCI của Hà Nội thuộc nhóm 10 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước”.
Hỗ trợ doanh nghiệp hiệu quả
Những năm qua, việc khuyến khích thành lập doanh nghiệp, phát triển kinh tế tư nhân được thành phố Hà Nội quan tâm chỉ đạo toàn diện. Bên cạnh mô hình “Cơ quan đăng ký kinh doanh thân thiện” và các dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp, các thủ tục hành chính liên quan đều bảo đảm xử lý trong vòng 3 ngày. Năm 2018, thành phố đã ban hành và triển khai "Đề án hỗ trợ khởi nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội đến năm 2020", trong đó triển khai nhiều chính sách như hỗ trợ tiếp cận tín dụng, hỗ trợ phí, lệ phí, công tác kế toán cho doanh nghiệp nhỏ và vừa… Cùng với đó, thành phố đã hỗ trợ doanh nghiệp mặt bằng sản xuất; cung cấp thông tin và tổ chức xúc tiến, mở rộng thị trường; hỗ trợ chuyển giao, nghiên cứu, đổi mới công nghệ…
Đáng chú ý, từ ngày 1-8-2018, thành phố triển khai chính sách hỗ trợ doanh nghiệp thành lập mới, với kinh phí tối đa 620.000 đồng/đơn vị. Mỗi năm, thành phố hỗ trợ được khoảng 11.000 doanh nghiệp, gồm: Hỗ trợ phí đăng công bố thông tin doanh nghiệp lần đầu; hỗ trợ kinh phí làm dấu pháp nhân… Ngoài ra, tư vấn miễn phí trình tự, thủ tục chấm dứt hoạt động hộ kinh doanh; trình tự, thủ tục cấp giấy phép kinh doanh đối với ngành nghề kinh doanh có điều kiện cho các doanh nghiệp được chuyển đổi từ hộ kinh doanh.
Đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa, thành phố đã tổ chức đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực cho hơn 30.000 học viên; đào tạo giám đốc điều hành doanh nghiệp cho hơn 1.300 học viên; bồi dưỡng kiến thức kinh doanh cho gần 20.000 hộ kinh doanh; đào tạo kiến thức khởi nghiệp sáng tạo cho hơn 600 học viên…
Có thể thấy, liên tục trong những năm qua, thành phố đã chỉ đạo thực hiện đồng bộ các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, như: Xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức “Kỷ cương - trách nhiệm - tận tình - thân thiện” để phục vụ doanh nghiệp; thực hiện công khai, minh bạch các quy hoạch, kế hoạch phát triển của các ngành và thành phố, nhất là quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch chung xây dựng, kế hoạch sử dụng đất, các chính sách ưu đãi đầu tư; rà soát thủ tục hành chính và đẩy mạnh thủ tục hành chính điện tử.
Bên cạnh đó, các cấp, ngành thành phố Hà Nội tăng cường đối thoại với doanh nghiệp, đồng hành cùng doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn. Kết quả là trong 5 năm 2015-2020, Hà Nội có khoảng 130.000 doanh nghiệp thành lập mới, gấp 1,6 lần giai đoạn 2011-2015. Lũy kế đến hết năm 2020, trên địa bàn thành phố ước tính có 306.240 doanh nghiệp đăng ký, hoạt động. Đây chính là nguồn lực quan trọng để giúp thành phố Hà Nội phát triển nhanh, bền vững trong giai đoạn 2015-2020 và giai đoạn tới.