Tìm đầu ra cho nông sản giá trị cao
Nông nghiệp - Ngày đăng : 12:37, 29/09/2020
Theo ông Hồ Việt Hùng, Phó Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn, huyện đã quy hoạch được các vùng sản xuất tập trung, trong đó, lúa là 17.500ha, rau 1.800ha, cây ăn quả 1.500ha; bước đầu hình thành các khu chăn nuôi xa khu dân cư và các vùng nuôi trồng thủy sản. Sản phẩm nông nghiệp của Sóc Sơn phong phú, nhiều sản phẩm đã có tiếng trên thị trường như mật ong rừng, nấm, các loại cây dược liệu, bưởi da xanh, lợn hữu cơ, lợn quế...
Huyện cũng đã có các nhãn hiệu nông sản tập thể được chứng nhận như: Rau hữu cơ Sóc Sơn, chè Bắc Sơn, bưởi sạch Sóc Sơn, gà đồi Sóc Sơn, nếp cái hoa vàng Sóc Sơn... Mỗi năm, sản lượng cây lương thực đạt hơn 90.000 tấn, cây ăn quả 10.000 tấn, thịt trâu bò 765 tấn, mật ong 8.000 lít...
Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân, nhiều loại nông sản chất lượng cao của huyện vẫn còn gặp khó trong khâu tiêu thụ, nhất là vào hệ thống phân phối hiện đại.
Anh Nguyễn Văn Nội ở xã Mai Đình nuôi 30.000 con gà sao thương phẩm, đồng thời, bán giống đi các tỉnh cho hay, mặc dù chất lượng gà sao thơm, ngon, thuộc loại đặc sản, hộ gia đình chăn nuôi hoàn toàn hữu cơ, nhưng vẫn chỉ bán cho thương lái được 160.000 đồng/con (mỗi con từ 1,6 đến 1,8kg). Do đó, gia đình mong muốn sản phẩm có doanh nghiệp đặt hàng, được đưa vào các kênh tiêu thụ hiện đại để gia đình anh yên tâm tổ chức sản xuất.
Ông Đỗ Hoàng Thạch, Giám đốc Công ty CP Xúc tiến thương mại nông nghiệp Việt Nam chia sẻ, hiện nay, sản phẩm của nông dân trên địa bàn huyện còn chưa đồng đều về chất lượng; nhiều hộ sản xuất tốt nhưng chưa hoàn thiện đầy đủ các loại chứng nhận về chất lượng an toàn thực phẩm theo yêu cầu. Do đó, nông dân muốn đưa nông sản vào các kênh phân phối hiện đại cần liên kết và tổ chức lại sản xuất, đáp ứng độ đồng đều về chất lượng, ổn định giá cả sản phẩm...
Gợi mở giải pháp đối với những trăn trở được các nông dân tham dự diễn đàn đưa ra, bà Vũ Thị Hương, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hà Nội cho hay, các hộ sản xuất nhỏ lẻ cần liên kết với nhau thành tổ, nhóm sản xuất để cử ra người đại diện kết nối với các tổ chức, doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm.
"Các tổ, nhóm sản xuất trên cơ sở sản phẩm, khả năng sản xuất có thể lập phương án xây dựng mô hình liên kết từ sản xuất, tiêu thụ nông sản theo chuỗi và trung tâm sẽ hỗ trợ", bà Hương khẳng định.
Tương tự, ông Phạm Văn Duy, Phó Cục trưởng Cục Chế biến và phát triển thị trường nông sản khẳng định, nông dân Sóc Sơn rất giỏi trong sản xuất, minh chứng là ngày càng có nhiều loại nông sản chất lượng cao. Tuy nhiên, khâu liên kết còn yếu nên ngoài tổ chức sản xuất tốt, người sản xuất, hợp tác xã cần liên kết với nhau, nhất là ở những khâu như: Bảo quản sau thu hoạch, sơ chế sản phẩm... Về phía chính quyền, cơ quan chức năng, cần xúc tiến hỗ trợ nông dân xây dựng các mô hình điểm về chế biến, quản lý sau thu hoạch, xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu sản phẩm, góp phần gia tăng giá trị nông sản.