Tạo chất đặc sản

Góc nhìn - Ngày đăng : 06:03, 30/09/2020

(HNM) - Cây ăn quả là một trong những thế mạnh của lĩnh vực trồng trọt tại thành phố Hà Nội. Điều này thể hiện qua việc diện tích cây ăn quả, sản lượng quả tăng dần đều qua từng năm. Đặc biệt, nhóm sản phẩm chủ lực gồm: Chuối, cam Canh, bưởi, nhãn chín muộn đã khẳng định được chất lượng không chỉ với người tiêu dùng nội địa, mà còn có mặt tại các thị trường Mỹ, Nhật Bản, Australia, Thái Lan...

Có được kết quả đó là do các cấp, ngành, địa phương, doanh nghiệp, bà con nông dân Thủ đô đã chung tay góp sức, kiên trì thực hiện nhiều giải pháp. Trong đó, Hà Nội đã xác định được các loại cây ăn quả chủ lực và có sự đầu tư khá toàn diện, từ xây dựng cơ sở hạ tầng cho vùng chuyên canh; hỗ trợ nông dân ứng dụng khoa học kỹ thuật, định hướng phát triển sản phẩm theo hướng đạt tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP đến tạo kênh liên kết tiêu thụ giữa người trồng với doanh nghiệp trong và ngoài nước... Sự đầu tư có trọng tâm, trọng điểm này góp phần từng bước hình thành những mô hình mẫu - hạt nhân để phát triển những vựa cây ăn quả đặc sản; đặc biệt làm tăng giá trị cho sản phẩm, từ đó định vị, nâng cao thương hiệu cây ăn quả Hà Nội.

Thực tế này chính là cơ sở để Hà Nội đặt mục tiêu mở rộng diện tích trồng cây ăn quả lên 25.750ha vào năm 2025, trong đó, diện tích chuyên canh là 10.000ha với các loại cây đặc sản có giá trị kinh tế cao, đặc biệt là nhãn chín muộn, bưởi Diễn, cam Canh... Những định hướng, quy hoạch này sẽ giúp các dòng sản phẩm đặc sản trở thành một “chân kiềng” vững chắc trong sự đi lên của ngành Nông nghiệp Thủ đô.

Để phát triển nhanh, bền vững trong bối cảnh nền kinh tế hội nhập ngày càng sâu rộng với thế giới, trước tiên những vùng trồng cây ăn quả chủ lực phải được quy hoạch bài bản; ngành Nông nghiệp và các địa phương cần thường xuyên giám sát chặt công tác thực hiện quy hoạch. Bên cạnh đó, việc lai tạo giống; ứng dụng khoa học, kỹ thuật theo hướng công nghệ cao; hỗ trợ nguồn vốn… cần được chú trọng.

Ngoài ra, Sở NN&PTNT, Hội Nông dân thành phố và các địa phương cần đẩy mạnh hướng dẫn người trồng phương pháp canh tác hiện đại; hỗ trợ xây dựng thương hiệu, truy xuất nguồn gốc; “làm cầu nối” nông dân với các doanh nghiệp...

Song song đó, để nâng tính chuyên nghiệp cho các vùng trồng cây ăn quả đặc sản, việc đầu tư nhà máy chế biến, công nghệ sơ chế, bảo quản theo tiêu chuẩn quốc tế đóng vai trò quan trọng. Việc này rất cần những cơ chế, chính sách kêu gọi, khuyến khích các nhà đầu tư trong nước và quốc tế.

Thêm một yếu tố không thể không nhắc đến là thị trường tiêu thụ. Theo đó, chọn lựa kênh phân phối, hoạt động xúc tiến thương mại cần được ngành Nông nghiệp và bà con nông dân chú trọng phối hợp đẩy mạnh qua việc liên kết, hình thành chuỗi giá trị giữa các hộ trồng cây ăn quả với các doanh nghiệp, từ đó mở rộng thị trường xuất khẩu...

Tuy nhiên, đó chỉ là “điều kiện cần”. “Điều kiện đủ” chính là các hộ trồng cây ăn quả phải chủ động học hỏi, áp dụng kiến thức mới trong canh tác; tuân thủ các quy định đã cam kết về chất lượng khi sản xuất, bảo quản sản phẩm. Để không ảnh hưởng đến thương hiệu chung của vùng chuyên canh cây ăn quả, chính các hộ trồng nên có sự giám sát chéo, hỗ trợ lẫn nhau để tạo thành sức mạnh tập thể. 

Diện tích trồng cây ăn quả của Hà Nội có thể không lớn so với nhiều địa phương khác, nhưng các sản phẩm - đặc biệt là 4 sản phẩm chủ lực hiện nay (chuối, cam, bưởi, nhãn chín muộn), cần đạt được độ “tinh” về chất lượng, thương hiệu. Đó là cách để nâng tầm giá trị, tạo nên chất đặc sản cho cây ăn quả Thủ đô.

Thiện Mỹ