Nâng tầm giá trị cây ăn quả
Nông nghiệp - Ngày đăng : 06:07, 30/09/2020
Mở hướng phát triển mới
Theo đánh giá của Sở NN& PTNT Hà Nội, trong lĩnh vực trồng trọt, cây ăn quả đang trở thành nhóm cây chủ lực, cho hiệu quả kinh tế cao. Toàn thành phố hiện có hơn 21.880ha cây ăn quả các loại (tăng 39% so với năm 2015); ước tính sản lượng quả năm 2020 đạt 300.886 tấn (tăng 35% so với năm 2015).
Giám đốc Trung tâm Phát triển nông nghiệp (Sở NN& PTNT Hà Nội) Hoàng Thị Hòa cho biết, thành phố đang tập trung phát triển 4 loại cây ăn quả chủ lực (chiếm 62% tổng diện tích), gồm: Chuối, cam Canh, bưởi, nhãn chín muộn. Đặc biệt, thời gian gần đây, nhãn chín muộn đã được xuất khẩu sang Malaysia, Australia, Mỹ… mở ra hướng phát triển mới cho các sản phẩm cây ăn quả của Thủ đô.
Ông Nguyễn Văn Bẩy, chủ vườn nhãn chín muộn tại xã Song Phương (huyện Hoài Đức) được cấp mã vùng xuất khẩu sang Mỹ chia sẻ, từ khi được ngành Nông nghiệp hỗ trợ khôi phục giống, đưa công nghệ vào sản xuất, đến nay, chất lượng nhãn chín muộn của gia đình ông và nhiều hộ dân trên địa bàn huyện đáp ứng được tiêu chuẩn xuất khẩu, cho thu nhập từ 700 triệu đồng đến 1 tỷ đồng/ha/năm.
Theo Phó Trưởng phòng Kinh tế huyện Hoài Đức Cao Văn Tuyến, triển khai đề án nâng cao giá trị cây ăn quả, những năm qua, huyện đã đầu tư hàng trăm tỷ đồng phát triển giao thông nội đồng, đường điện, nước... Từ đó hình thành vùng sản xuất tập trung, ứng dụng công nghệ cao, nâng cao giá trị sản phẩm.
Cùng với nhãn chín muộn, chuối tiêu hồng áp dụng công nghệ nuôi cấy mô cũng đang là sản phẩm nông nghiệp chủ lực của Hà Nội hướng tới xuất khẩu. Theo Phó Trưởng phòng Kinh tế huyện Ba Vì Hứa Bá Trình, huyện có gần 600ha chuối tiêu hồng. Cùng với việc được thành phố hỗ trợ liên kết với các doanh nghiệp của Nhật Bản, Thái Lan… đầu tư phát triển vùng sản xuất gắn với chế biến, huyện quy hoạch vùng sản xuất tập trung, phân tích mẫu đất, nước, không khí... bảo đảm các tiêu chí, đáp ứng yêu cầu về chất lượng, phục vụ xuất khẩu.
Nhằm nâng cao giá trị cây ăn quả, những năm qua, Hà Nội đẩy mạnh hỗ trợ các địa phương xây dựng chuỗi liên kết với các doanh nghiệp; hỗ trợ các hộ dân trồng mới, ghép, cải tạo hơn 10.000ha cây ăn quả, trong đó có hơn 1.000ha cây ăn quả ứng dụng công nghệ cao; xây dựng được 12 nhãn hiệu tập thể về cây ăn quả. Nhờ vậy, giá trị cây ăn quả ngày càng được nâng lên, đã đạt 400-650 triệu đồng/ha, một số mô hình đạt 950-1.100 triệu đồng/ha.
Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao
Bên cạnh những kết quả tích cực, việc phát triển các sản phẩm cây ăn quả trên địa bàn Hà Nội còn gặp không ít khó khăn. Chất lượng cây ăn quả ở từng vườn, từng vùng không đồng đều; khâu sơ chế, bảo quản chưa được đầu tư đúng mức nên không có sản phẩm chế biến sâu. Theo Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản (Sở NN& PTNT Hà Nội) Nguyễn Thị Thu Hằng, hạn chế lớn nhất đối với sản phẩm cây ăn quả Hà Nội hiện nay là công tác truy xuất nguồn gốc. Mặc dù đã có tới trên 90% số hộ trồng cây ăn quả theo hướng an toàn nhưng số diện tích được chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP hoặc hữu cơ còn rất khiêm tốn, chỉ chiếm khoảng 10%.
Để giải quyết những bất cập này, Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ cho biết, trước mắt Hà Nội sẽ tập trung quy hoạch và đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao vào các vùng trồng cây ăn quả đặc sản đã hình thành từ nhiều năm qua, nhằm tạo chất lượng ổn định. Mặt khác, Sở sẽ phối hợp với các địa phương, hợp tác xã, các cơ quan chức năng đẩy mạnh xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu cho các sản phẩm cây ăn quả Hà Nội; đồng thời lập mã phản hồi nhanh (QR code) để truy xuất nguồn gốc và kết nối tiêu thụ sản phẩm tại các chuỗi, siêu thị.
Cũng theo ông Chu Phú Mỹ, Hà Nội đặt mục tiêu mở rộng diện tích cây ăn quả lên 25.750ha vào năm 2025, tập trung tại các vùng đồi gò, vùng đất bãi và một số vùng chuyển đổi. Trong đó, diện tích chuyên canh là 10.000ha với các loại cây trồng đặc sản có giá trị kinh tế cao gắn với chỉ dẫn địa lý cụ thể, như: Nhãn chín muộn Song Phương, nhãn chín muộn Đại Thành, bưởi Diễn, cam Canh... Ngoài ra, thành phố cũng sẽ tập trung phát triển vùng trồng chuối nuôi cấy mô với quy mô 2.500ha.
Cùng với việc thúc đẩy phát triển theo quy hoạch của ngành Nông nghiệp, các địa phương như: Ba Vì, Chương Mỹ, Phúc Thọ, Hoài Đức, Quốc Oai... đang tập trung hỗ trợ các vùng trồng cây ăn quả. Chủ tịch UBND huyện Chương Mỹ Đinh Mạnh Hùng cho biết, để giúp nông dân làm giàu từ cây ăn quả, huyện đang nhân rộng các vườn cây ăn quả đạt tiêu chuẩn hữu cơ; đầu tư thiết bị kỹ thuật, hỗ trợ khâu sơ chế, bảo quản, đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu...
Có thể thấy, từ việc nâng tầm giá trị sản phẩm cây ăn quả, Hà Nội đang bảo đảm nguồn cung cho thị trường Thủ đô, giảm lượng nhập khẩu sản phẩm cây ăn quả và từng bước chinh phục thị trường quốc tế. Song, để phát triển cây ăn quả bền vững, đáp ứng thị trường xuất khẩu thì mấu chốt là việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao vào những vùng sản xuất chuyên canh, xây dựng thương hiệu và hình thành các chuỗi liên kết với các nhà phân phối, nhà nhập khẩu.