Hội nhập, phát triển và nâng cao vị thế

Chính trị - Ngày đăng : 06:50, 30/09/2020

(HNM) - Thực hiện Chương trình số 03-CTr/TU ngày 28-6-2016 của Thành ủy Hà Nội về "Đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế, nâng cao năng lực cạnh tranh, tích cực hội nhập kinh tế quốc tế, phát triển kinh tế Thủ đô nhanh, bền vững giai đoạn 2016-2020", những năm qua, công tác đối ngoại của Hà Nội đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, gắn với việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội. Theo đó, Hà Nội đã không ngừng nỗ lực chủ động hội nhập, phát triển, đồng thời nâng cao vị thế Thủ đô trong khu vực và trên thế giới.

Thu hút đầu tư nước ngoài của thành phố Hà Nội giai đoạn 2016-2020 ước đạt 25 tỷ USD, gấp 3,9 lần giai đoạn 2011-2015. Trong ảnh: Sản xuất các sản phẩm từ nhựa tại Công ty TNHH Hoya Glass Disk Việt Nam (Khu công nghiệp Thăng Long). Ảnh: Nhật Nam

Mở rộng quan hệ đối ngoại, hợp tác phát triển

Khi hội nhập quốc tế và hợp tác đa phương trở thành xu hướng chủ đạo toàn cầu, mang trong mình tầm vóc của Thủ đô, Hà Nội đã hòa mình vào dòng chảy của thời đại. Trong giai đoạn 2015-2020, Hà Nội đã tích cực mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế, quan hệ đối ngoại Đảng, ngoại giao nhà nước và đối ngoại nhân dân, tăng cường quảng bá văn hóa, giao lưu hữu nghị và góp phần thúc đẩy hoạt động xúc tiến thương mại, thu hút đầu tư nước ngoài.

Đến nay, Hà Nội đã có quan hệ hữu nghị, hợp tác với hơn 100 thủ đô, thành phố lớn trên thế giới, duy trì vai trò tích cực trong các khuôn khổ hợp tác đa phương, là thành viên của các tổ chức liên đô thị quốc tế. 32 thỏa thuận quốc tế trong các lĩnh vực phát triển kinh tế - xã hội, nhất là các chương trình hợp tác về nông nghiệp công nghệ cao, quản lý đô thị bền vững, giáo dục và đào tạo, y tế… đã được ký kết. Các cuộc thăm viếng, tiếp đón, làm việc với các đoàn khách quốc tế của lãnh đạo Thành ủy, HĐND, UBND thành phố đã trở thành hoạt động thường xuyên, khoảng 250 lượt/năm.

Thực tế cho thấy, công tác đối ngoại của Thủ đô mang tính đặc thù, không chỉ với tư cách một thành phố mà còn đóng góp tích cực cho việc thực hiện nhiệm vụ đối ngoại chung của cả nước. Các chủ trương về hội nhập quốc tế được đề cập tại nhiều nghị quyết, chỉ thị quan trọng, trong đó xác định hội nhập kinh tế quốc tế là trọng tâm. Tại Chương trình số 03-Ctr/TU của Thành ủy Hà Nội đã xác định nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại, tiếp tục củng cố quan hệ đã thiết lập với các thủ đô, thành phố các nước; tăng cường công tác xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch và đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa, dịch vụ, thu hút đầu tư nước ngoài và tài trợ quốc tế; tích cực tham gia sâu, rộng vào chuỗi giá trị toàn cầu... Bằng thiện chí hợp tác chân thành, lãnh đạo và người dân thành phố đã truyền tải thông điệp nhấn mạnh, Hà Nội luôn chào đón và sẵn sàng tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, doanh nghiệp nước ngoài tìm hiểu thị trường, đầu tư trên địa bàn, khuyến khích và tích cực hỗ trợ các hoạt động giao lưu văn hóa, hợp tác giáo dục, môi trường...

Chủ tịch Liên hiệp Các tổ chức hữu nghị Việt Nam Nguyễn Phương Nga cho rằng, với thế mạnh của mình, Hà Nội tiếp tục mở rộng các hoạt động hòa bình, hữu nghị, hợp tác phù hợp với xu thế hội nhập quốc tế; tăng cường mở rộng quan hệ hợp tác với các tổ chức quốc tế, hội hữu nghị, tổ chức nhân dân của các nước, góp phần thúc đẩy hợp tác trên các lĩnh vực kinh tế, đầu tư, thương mại, du lịch...

Nhờ nỗ lực và cam kết mạnh mẽ của Đảng bộ, chính quyền Thủ đô trong việc tạo dựng môi trường thuận lợi, thông thoáng, minh bạch, Hà Nội từng bước trở thành điểm đến hấp dẫn và tin cậy cho các nhà đầu tư quốc tế. Cụ thể, vốn đầu tư nước ngoài của Hà Nội năm 2019 đạt 8,67 tỷ USD, cao nhất sau hơn 30 năm mở cửa và hội nhập, năm thứ hai liên tiếp dẫn đầu cả nước. Trong 9 tháng năm 2020, tổng vốn đầu tư nước ngoài vào Hà Nội ước đạt 3,28 tỷ USD. Lũy kế giai đoạn 2016-2020 ước đạt 25 tỷ USD, gấp 3,9 lần giai đoạn 2011-2015. Khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đóng góp 12,8% về vốn, 10,4% về thu ngân sách của thành phố; góp phần chuyển giao công nghệ, tạo việc làm và đào tạo kỹ năng cho người lao động, tham gia vào mạng lưới sản xuất, chuỗi giá trị toàn cầu. 

Nỗ lực nâng cao vị thế Thủ đô

Tại Hội nghị “Hà Nội 2020 - Hợp tác đầu tư và phát triển” cuối tháng 6 vừa qua, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhận định rằng, với vị thế mới, Hà Nội ngày nay không nên chỉ khiêm tốn với định nghĩa là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của Việt Nam, mà trong dòng chảy lịch sử 1010 năm của mình, ở thời đại Hồ Chí Minh, Hà Nội cần được định nghĩa là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của Đông Nam Á.

Có thể khẳng định, trong nỗ lực nâng cao vị thế Thủ đô trong khu vực và trên thế giới, trở thành thành phố kết nối toàn cầu và có sức cạnh tranh quốc tế, 5 năm qua, Hà Nội đã tích cực mở rộng, nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại, hợp tác, hội nhập quốc tế. Việc tổ chức thành công các sự kiện quốc tế lớn, như Hội nghị Thượng đỉnh Hoa Kỳ - Triều Tiên lần thứ hai (tháng 2-2019), hay gần đây là Hội nghị "Hà Nội 2020 - Hợp tác đầu tư và phát triển" - hội nghị có ý nghĩa biểu tượng, lan tỏa mạnh mẽ trong bối cảnh toàn cầu đang phải đối phó với tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19 cho thấy năng lực, sự tin tưởng, uy tín trong các sự kiện lớn, cũng là cơ sở để các nhà đầu tư lựa chọn nhờ môi trường hòa bình và ổn định.

Sau 2 thập kỷ đón nhận danh hiệu đầy tự hào - Thành phố Vì hòa bình, Hà Nội tiếp tục ghi danh vào “Mạng lưới thành phố sáng tạo” của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO). Đây là sự ghi nhận và nguồn động lực cho những nỗ lực của Thủ đô, đồng thời là cơ hội thuận lợi cho "miền đất lành" trong việc định vị thương hiệu, quảng bá hình ảnh và hướng tới trở thành thành phố sáng tạo của khu vực Đông Nam Á, điểm đến của tri thức và sáng tạo trên thế giới.

Về vấn đề này, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng khẳng định, với việc tham gia vào “Mạng lưới thành phố sáng tạo”, Hà Nội có cơ hội làm nổi bật đặc trưng văn hóa của Thủ đô với thế giới. Đồng thời, xây dựng chiến lược văn hóa toàn diện, tổng thể, đổi mới tư duy về phát triển văn hóa, xây dựng con người Hà Nội, vừa giữ gìn, bảo tồn văn hóa, truyền thống của Thăng Long - Hà Nội, vừa tiếp thu chọn lọc tinh hoa văn hóa nhân loại, nhằm phát huy hiệu quả nguồn nhân lực văn hóa để xây dựng và phát triển Thủ đô trong bối cảnh hội nhập quốc tế.

Còn theo Trưởng đại diện UNESCO tại Việt Nam Michael Croft, UNESCO đã xây dựng đề án hướng tới mục tiêu đưa Hà Nội từ thành phố sáng tạo thành trung tâm sáng tạo, xây dựng hình ảnh Hà Nội của thế kỷ XXI năng động, sáng tạo, hiện đại, sánh ngang với các đô thị hàng đầu trên thế giới.

Minh Hiếu